Càng trưởng thành, tôi càng học được thêm nhiều bài học đắt giá về cuộc sống. Chỉ khi trải qua những cột mốc, những khó khăn, sai lầm của tuổi trẻ, ta mới có thể trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.
Một khi đủ khả năng nhận thức được mọi việc, bạn sẽ biết đâu là việc nên và không nên làm. Có những việc khi lớn, ta cần phải loại bỏ chúng để có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Dưới đây là 4 điều nên ngưng làm khi bạn trưởng thành.
1. Không lo chuyện bao đồng
Nếu việc của mình lo còn chưa xong, đừng lo chuyện bao đồng. Chưa hoàn thiện được bản thân, đừng mong thành “anh hùng” trong cuộc sống của người khác. Mỗi người mỗi cuộc sống, và nhiệm vụ của chúng ta là hoàn thành tốt trách nhiệm với bản thân mình. Nếu bản thân còn dang dở, chưa tìm được mục đích sống, luôn cảm thấy vô định, tương lai mịt mờ thì hà cớ gì còn cố quản thêm chuyện của người khác?
Người ta có câu: “Bệnh từ miệng mà vào, hoạ từ miệng mà ra”. Mọi thị phi rắc rối trên đời sẽ kéo đến nếu bạn cứ liên tục “lo chuyện bao đồng” bởi bạn không thể giúp người khác định đoạt cuộc sống của họ. Nếu may mắn đưa ra lời khuyên đúng, bạn sẽ được ca tụng. Nhưng nếu đó là một quyết định sai lầm, chính bạn đang tự rước họa vào thân.
Không ai có thể hiểu và chữa lành cuộc sống của người khác bằng chính bản thân họ. Điều tốt nhất bạn có thể làm, là giúp họ tìm ra cội nguồn của vấn đề, giúp họ sớm nhận ra rằng chỉ có họ mới có thể cứu rỗi chính mình. Cho nên, thay vì mải đi lo cho chuyện của người khác, hãy giúp bản thân mình trước đã. Sau đó là giúp đời, giúp xã hội bớt đi một kẻ nhàn rỗi, thích lo chuyện thiên hạ.
2. Tránh liên quan tới các chuyện vay nợ
Tất cả mọi chuyện liên quan đến tiền bạc đều có thể đo được lòng người. Vấn đề mượn và trả tiền đôi khi rất tế nhị bởi đó là mồ hôi công sức của ta, vậy nên rất sợ nếu ta cho người khác vay nhưng họ lại không trả hay khất nợ hết ngày này qua ngày khác, nhưng không cho mượn lại bị mất lòng. Dù biết cuộc sống sẽ có lúc bất trắc, ai cũng có lúc xui xẻo và túng thiếu. Tuy nhiên nên hạn chế việc vay mượn để tránh những chuyện đáng tiếc về sau.
Trên thực tế, hầu hết chúng ta đều vì sự cả nể và lòng tốt bụng mà luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn. Cũng từ đó, ta rất dễ gặp phải trường hợp ỷ là người quen nên liên tục khất nợ, một số người thì lại “cao chạy xa bay”. Đó là minh chứng cho việc quá nhẹ dạ và không dám từ chối người khác.
Vì vậy khi đã trưởng thành, nếu muốn các mối quan hệ thêm bền vững, bạn cần nên biết rằng mình không nên quá tốt bụng với tất cả mọi người. Và càng không nên tiếp nhận hay lợi dụng lòng tốt của người khác một cách vô tội vạ.
3. Đừng liên quan tới những chuyện vi phạm đạo đức
“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời. Thiếu một phương, thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người.” – Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đạo đức là nền tảng để đánh giá một con người. Dù chỉ một lần lầm lỡ, ta cũng sẽ phải gánh chịu hậu quả cả đời.
Đức Phật có câu: “Đức năng thắng số”, người luôn làm chuyện tốt, đúng với lương tâm sẽ tích được đức dày, làm chuyện gì cũng suôn sẻ thành công. Dù có tài giỏi đến đâu, nếu làm chuyện trái với luân thường đạo lý, đều là kẻ bỏ đi. Người có tài giỏi nhưng gian ác, tâm địa hẹp hòi thì khó lòng được yêu quý, tin tưởng. Còn người dù hiền lành, chăm chỉ nhưng lại kém cỏi thì cũng không có tác dụng. Tài và Đức là hai phạm trù luôn song hành cùng nhau, có tài mà không có đức là vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.
4. Chuyện không đủ năng lực, đừng đảm nhiệm
Người xưa có câu: "Sức hèn chớ vác nặng nhiều, nói không trọng lượng chớ điều khuyên ai”. Ý khuyên ta phải biết tự lượng sức mình và chỉ làm những chuyện nếu có đủ năng lực. Những việc nằm trong khả năng, hãy sẵn sàng giúp, những việc nằm ngoài tầm với chớ nên động vào.
Cưỡng cầu những chuyện nằm ngoài sức chịu đựng của bản thân không giúp bạn trở nên tốt đẹp trong mắt mọi người. Giúp người là tốt, nhưng chỉ nên giúp khi bản thân có thể, đừng vì sợ mích lòng mà miễn cưỡng làm những việc ngoài tầm với. Nó không chỉ khiến bạn tự tạo áp lực cho bản thân mà còn tiêu tốn thời gian hay tệ hơn là phản tác dụng, mọi chuyện đâu lại vào đấy.
Học cách từ chối là biểu hiện của người trưởng thành. Không cưỡng cầu những chuyện nằm ngoài khả năng chính là giúp mình, giúp người. Vừa không làm khó bản thân, không làm rạn nứt mối quan hệ, lại có thể giúp người kia tự tìm ra một hướng giải quyết khác tốt hơn. Đây mới chính là biểu hiện của sự thông minh.
Kết: Tôi mong bạn nhận ra điều này: Khi bản thân chưa ổn, làm sao chúng ta có thể giúp đỡ hay hỗ trợ tinh thần gì cho ai đó khác. Mỗi người sinh ra trên đời đều mang trách nhiệm to lớn nhất là trách nhiệm với bản thân. Tôi cũng vậy và người khác cũng vậy.
* Bài viết của Tiêu Dao chia sẻ tại box DAN FC
Đời người là cuộc hành trình vượt qua thử thách, nếu bạn có những tâm đắc về cuộc sống , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Facebook - bình luận