Sự trì hoãn khác với sự lười biếng, nhưng gần tương tự không sẵn sàng hành động. Sự trì hoãn sẽ hạn chế tiềm năng và làm suy yếu sự nghiệp. Dưới đây là 5 cách đơn giản để vượt qua sự trì hoãn mà tôi đúc kết được:
1. Tạo danh sách việc không nên làm
Nghe rất lạ, tuy nhiên khi sự trì hoãn xảy ra, chúng ta có xu hướng tiếp tục bằng việc làm những công việc không cần thiết. Thay vì tạo đầu ra hiệu quả, chúng ta lại giữ cho mình bận rộn với những thứ không quan trọng và vô nghĩa. Với một chút sự kỷ luật, chúng ta có thể giải quyết vấn đề này và tạo ra những ngày làm việc năng suất, vui vẻ hơn.
Một số ví dụ về “danh sách những việc không nên làm” mà tôi nghĩ là sẽ phù hợp với hầu hết mọi người là: Không kiểm tra mạng xã hội trong giờ làm việc, không bật thông báo điện thoại, không kiểm tra email mọi lúc mà thay vào đó dành thời gian cố định mỗi ngày để giải quyết chúng…
2. Tự thưởng cho bản thân
Đôi khi chúng ta trì hoãn cũng chỉ vì quá khắt khe với bản thân. Tôi thích làm việc năng suất cao nhưng tôi cũng thích tận hưởng những bữa tiệc. Tại sao phải chăm chỉ nếu tôi biết không có phần thưởng nào cho thành tích của mình? Chúng ta bị cuốn vào việc tạo ra thành tích đến nỗi quên mất rằng bản thân cũng cần được nghỉ ngơi. Kết quả là mức năng suất giảm xuống và bắt đầu trì hoãn. Tôi là một người như vậy trong vài năm. Đã từng nghĩ rằng bản thân chỉ có thể dừng lại khi đã đạt được điều gì đó quan trọng. Nhưng hãy đoán xem? Điều đó không xảy ra.
Toàn bộ cuộc sống của con người là một quá trình tiếp nối nhau không dứt. Luôn luôn có một cái gì đó mới để làm hoặc khám phá. Luôn luôn có một cái gì đó cần phải cải thiện. Đó là những gì làm cho cuộc sống trở nên thú vị. Do đó, điều quan trọng nhất là hãy chăm sóc tốt và tự thưởng cho bản thân, ngay cả khi bạn chưa nhìn thấy kết quả cụ thể để tự hào.
3. Lên kế hoạch trước cho mọi việc và không đa nhiệm
99% thời gian khi tôi trì hoãn, đó là bởi vì tôi không có kế hoạch về cách giải quyết một ngày làm việc của mình. Ngược lại, những ngày năng suất nhất là khi tôi chuẩn bị danh sách việc cần làm vào đêm hôm trước. Điều này cũng cho phép bản thân loại bỏ tất cả những phiền nhiễu và tạo ra một không gian làm việc ngăn nắp.
Tất cả chúng ta đều biết cái bẫy của sự đa nhiệm. Ta luôn tự tin về cảm giác mình sẽ hoàn thành rất nhiều việc trong khi mỗi việc chỉ làm được nửa đường. Giải quyết theo thứ tự công việc là cách đơn giản nhưng mạnh mẽ nhất để đối phó với sự trì hoãn. Bất cứ khi nào chúng ta cố gắng làm nhiều việc cùng một lúc, thì tỷ lệ bị phân tâm và trì hoãn sẽ tăng lên.
Hãy lên danh sách những việc cần làm của mình. Chẳng hạn như viết ra một nhiệm vụ duy nhất, đặt hẹn giờ trong khoảng 30 phút, loại bỏ mọi phiền nhiễu và hoàn toàn tập trung cho đến khi chuông báo vang lên. Bạn sẽ ngạc nhiên bởi kết quả đấy.
4. Hiểu động lực của chính mình là gì
Thông thường, lý do đằng sau sự trì hoãn không phải là một vấn đề ngắn hạn mà là một tư duy nền tảng. Hầu hết mọi người đấu tranh để giữ sự tập trung nhưng họ lại không biết lý do tại sao họ đang làm điều đó. Đặc biệt là những người trẻ tuổi mới bước vào thị trường lao động. Tôi cũng đã phải đối mặt với nó trong năm đầu tiên với tư cách là một người viết toàn thời gian.
Tôi đã thử những cách khác nhau, nhưng lại không có bức tranh lớn hơn trong tâm trí. Tôi không có tầm nhìn, không thấy bất kỳ dấu hiệu nào để làm việc hiệu quả hơn. Đáng buồn thay, đó là một trong những vấn đề lớn của những người trì hoãn.
Đây không phải là một cuộc đấu tranh dễ dàng. Nó cần rất nhiều tư duy trung thực và một số quyết định quan trọng để tạo ra những thay đổi lớn trong cuộc sống của mỗi người. Và động lực làm việc của bạn là gì thì chỉ có bạn mới có thể thấu hiểu được chính mình.
5. Đặt thông báo nhắc nhở những lời khẳng định cho bản thân
Đây là một trong những mục yêu thích nhất của tôi. Trên điện thoại, tôi có một ứng dụng tên là “Những lời khẳng định” giúp tôi luôn tích cực và làm việc hiệu quả trong suốt một ngày. Ở đó tôi có thể tạo danh sách những lời khẳng định, những câu thần chú mạnh mẽ, những tuyên bố cho phép tôi cống hiến hết mình và duy trì động lực.
Tôi tạo ra một danh sách những lời khẳng định truyền cảm hứng nhất và nhận được 5–10 thông báo mỗi ngày. Đây không chỉ là một động lực thúc đẩy, mà nó còn giúp tôi ngưng trì hoãn. Bất cứ khi nào tôi nhận được lời nhắc, thì việc trì hoãn sẽ mất đi và thay vào đó là trạng thái làm việc hiệu quả được tăng lên rất nhiều.
Kết: Tôi nghĩ loại bỏ sự trì hoãn không khó. Trên thực tế, đó là: Biết lý do đằng sau những gì bạn làm, có khao khát mạnh mẽ hoàn thành nhiệm vụ và đạt được mục tiêu. Về bản chất, nó là động lực để ta cống hiến hết mình và cải thiện bản thân mỗi ngày. Bên cạnh đó là tạo ra môi trường không bị phân tâm: Loại bỏ thông báo, sự mất trật tự và bất kỳ điều gì khác có thể dẫn đến lãng phí thời gian. Lập kế hoạch trước để bạn có thể bắt đầu làm việc và bắt đầu ngày mới một cách hiệu quả ngay vào buổi sáng. Ngoài ra, hãy dành thời gian nghỉ ngơi để làm những điều bạn yêu thích và ở gần những người thân yêu của mình.
* Bài viết của Tian Yi chia sẻ tại box Cafe Danner
Đời người là một quá trình hoàn thiện và tu dưỡng bản thân, nếu bạn có những tâm đắc về cuộc sống , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Facebook - bình luận