Những ngày qua, Squid Game (Trò Chơi Con Mực) 2021 là bom tấn truyền hình Hàn Quốc mà Tanpopo cày cho hết bộ vì khá kịch tính. Bộ phim lấy chủ đề về một trò chơi sinh tồn vốn rất hiếm xuất hiện trong điện ảnh nước này cùng sự tham gia của dàn diễn viên đình đám, Squid Game đã thu hút sự chú ý của mình và rất nhiều khán giả Việt ngay từ những trailer đầu tiên.
Dù nhận được những đánh giá tích cực về ý tưởng, bối cảnh được đầu tư kỹ lưỡng nhưng Squid Game vẫn khiến nhiều người hâm mộ không hài lòng vì những lỗ hổng trong cốt truyện. Dưới đây là 5 vấn đề khiến mình thất vọng với Trò Chơi Con Mực, hãy cùng Tanpopo điểm qua nhé!
1. Squid Game vướng qua nhiều tai tiếng “mượn” ý tưởng của nhiều phim nổi tiếng
Nếu là fan của dòng phim sinh tồn thì mình chắc chắn bạn sẽ nhận ra sự tương đồng của Squid Game và một số tác phẩm cùng chủ đề của Nhật Bản như As The Gods Will và Liar Game. Cụ thể, vòng đầu tiên có tên Đèn đỏ, đèn xanh, người chơi không được di chuyển khi bị búp bê “theo dõi” gần giống với As The Gods Will. Vòng đấu mà người chơi phải nhảy trên các tấm kính để phân biệt kính thường và kính cường lực cũng giống với phiên bản manga của bộ phim Nhật Bản này.
Mình có thấy đạo diễn của Squid Game đã cho biết kịch bản của phim được hoàn thành vào năm 2009 trong khi As The Gods Will được phát hành vào năm 2014 nhưng lời giải thích này vẫn còn lỏng lẻo quá, ai mà dễ tin như vậy chứ? Mình thấy nó giống với vô số những lần các biên kịch Hàn Quốc tuyên bố khi bị cho là “mượn” ý tưởng từ phim khác: Chúng tôi đã viết kịch bản này từ rất lâu và chưa từng biết tới / xem qua phim kia, truyện nọ. Ngay cả Hong Sisters hay biên kịch Penthouse cũng vài lần “đính chính” kiểu đó nên mình nói thiệt là giống Hiền Hồ nói thôi: Có như không mà thôi.
2. Các vòng chơi chỉ dựa vào tính may rủi, không cần động não như Liar Game hay dùng sức lẫn trí tuệ như Alice in Borderland
Mình thấy loạt phim sinh tồn nổi tiếng trên thế giới như As The Gods Will hay Alice in Borderland đều đòi hỏi người chơi phải động não và suy nghĩ thật kỹ để vượt qua những thử thách, chưa kể là khán giả cũng được chiêm ngưỡng nhiều pha hành động, những màn vượt ngục ấn tượng hoặc sử dụng sức mạnh thể chất của các nhân vật.
Squid Game được cho là kết hợp cả 2 yếu tố và ngay cả hai Lee Jung Jae và Park Hae Soo đều rất nổi tiếng trong thể loại hành động, nhưng loạt phim lại từ chối tận dụng lợi thế này, Tanpopo nghĩ thật quá đáng tiếc! Trong suốt tất cả các vòng chơi, nhân vật chỉ dựa vào may mắn để giành chiến thắng. Ở vòng kéo co, đội của nhân vật chính dù có sử dụng chiêu trò để phân thắng bại nhưng còn khá hời hợt và chưa đủ thuyết phục.
3. Nhân vật chính chán òm, không phải diễn dở mà do đạo diễn xây dựng tính cách kỳ cục
Xem phim thì mình thấy vai chính Ki Hun của Lee Jung Jae được xây dựng là tuýp “Lưu Tam Hảo: Nói lời hay, làm việc thiện, có lòng tốt” nhưng lại gặp nhiều xui xẻo trong cuộc sống, chắc do có Diêu Kim Linh hại, hoặc vì dạng vai tốt nên khổ? Ừ thì tính cách như thế cũng ổn, miễn là trong phim, chú ấy có gì đó thay đổi, kiểu như mạnh mẽ hơn, bớt tin người đi và tỉnh táo hơn. Nhưng không, nguyên bộ phim vẫn để cho nam chính nhàm chán y như tập đầu tiên và thậm chí là năng lực của chú ý cũng là điều khiến Tanpopo quan ngại sâu sắc. Ủa rồi cũng không hiểu sao Ki Hun là nhân vật chính, vì nhìn anh giống kiểu “xứng đáng chiến thắng” à?
4. Kẻ chủ mưu có vẻ thiếu kinh nghiệm nên mọi thứ luôn rối ren?
Dĩ nhiên giống trong Saw hay Alice in Borderland, những người thiết kế mấy dạng game sinh tồn kiểu này thì phải là thế lực bí ẩn có tiền có quyền và có gan, không phải gan làm giàu mà là gan tổ chức ra mấy cuộc chơi kinh khủng thế này. Nhưng khác với mấy phim mà Tanpopo nói, Squid Game lại lỏng lẽo trong khâu tổ chức, hay thậm chí là hời hợt, do diễn viên bị ép phục tùng làm theo chứ gặp đưa các nhân vật trong Alice vào đi, có khi phá game trong 1 tập thôi.
Tanpopo ngỡ ngàng, ngơ ngác và bật ngửa khi thấy người chơi liên tục tuồng những vật dụng có khả năng giúp chiến thắng vào trong đấu trường. Ủa gì mà sinh tồn nhưng sao dễ dàng thế nhỉ? Kiểu như trò chơi trẻ con nên xem thường luôn cả những người chơi hay gì?
5. Nhịp phim rề rà như cái cách Running Man bản Việt mùa 2 chiếu tập 1 đã bị chê
Nói ngoài lề xíu là mình thấy Chơi Là Chạy mùa 2 của Trường Giang, Jack, Lan Ngọc… bị chê tan nát vì nhịp điệu chậm rãi đến phát chán, các game cũng “easy” quá nên không hào hứng tí nào. Và Squid Game cũng vậy, nhịp phim thì chậm mà nói còn rõ nhiều. Đạo diễn tham lam trong khâu xây dựng câu chuyện background của từng nhân vật nên thành ra ai cũng có một đoạn riêng xen kẽ vào những trận chiến sinh tồn.
Thay vì ở Alice in Borderland, mọi thứ rất khéo léo, ừ thì nhân vật cũng có câu chuyện riêng rất hay đó chứ, nhưng “bánh cuốn” vô cùng; nhưng ở Trò Chơi Con Mực thì đạo diễn đã chứng minh: Nói dài nói dai thành ra nói dở. Kiểu như bạn có thể vừa nghe vừa ngủ rồi một lúc nào đó giật mình tỉnh dậy thì… nhân vật vẫn còn đang giảng đạo lý hay kể lể. Ờ, nó kiểu vậy đó.
Nhịp phim chậm rãi kết hợp với dàn nhân vật cục súc, cáu kỉnh không thể giúp Squid Game để lại ấn tượng tốt cho nhiều người xem dù mình hiểu là đạo diễn cũng cố tỏ ra một bộ phim nhân văn, nhưng đã tạo ra cuộc chiến sinh tồn mà cứ nói chuyện đạo lý quá thì nửa vời lắm luôn.
Cá nhân Tanpopo cũng vô cùng mong đợi Squid Game nhưng lại khá thất vọng vì các lỗ hổng logic trong phim cứ như “cây kim” châm chích dưới da vậy đó, rất khó chịu. Rõ ràng cả Lee Jung Jae, Park Hae Soo hoặc những ngôi sao mới nổi như Jung Ho Yeon đều diễn xuất cực kỳ tốt nhưng đạo diễn lại phí hoài tài năng của họ. Thôi thì ai thích thể loại phim sinh tồn như thế này thì cứ xem nhé, nhưng mình báo trước là nó không hề hay như Alice in Borderland đâu đấy. Ai mong chờ mùa 2 chứ mình xin kiếu ạ.
>> Xem thêm: Squid Game mới ra mắt nhưng dính nghi vấn đạo nhái phim Nhật Bản?
*Bài đóng góp từ Tanpopo gửi về cho DienAnh.Net.
Cùng follow DienAnh.Net để cập nhật những tin tức phim ảnh và chuyện hậu trường nhanh, chính xác nhất!
Facebook - bình luận