Càng xem Anh Có Phải Đàn Ông Không? thì tôi càng thấy hấp dẫn, vì bộ phim khai thác những câu chuyện trên những góc nhìn đa chiều, đa điểm. Bộ phim không chỉ đơn thuần nói về câu chuyện của bộ ba Duy Anh (Tuấn Tú) – Tuấn Khang (Nhan Phúc Vinh) – Nhật Minh (Hà Việt Dũng). Mà họ là những điểm xuất phát, là trung tâm để những câu chuyện cứ thế được kể và nó sẽ tỏa ra nhiều hướng khác nhau để khán giả có một cái nhìn toàn diện hơn, không nghiêng về bất cứ ai, ai cũng có những điểm đáng thương và đáng trách.
>>>Xem thêm: ACPĐÔK: Lệ - Minh vẫn còn yêu nhau, sẽ quay về với nhau thêm lần nữa
Câu chuyện minh chứng rõ nhất cho trường hợp này là câu chuyện của Tuấn Khang và ông Thịnh (NSND Mạnh Cường) – bố của Khang. Nói ngoài lề một chút là tôi khá bất ngờ là chú Mạnh Cường, “ông bố quốc dân” trong những bộ phim của VTV nay lại xuất hiện với một hình tượng khác hoàn toàn. Ấn tượng đầu tiên của tôi về ông Thịnh xuất hiện lần đầu tiên trong Anh Có Phải Đàn Ông Không? là một ông bố đào hoa, thậm chí còn cặp kè với những cô gái thua tuổi con trai của mình.
Người ta nói “cha nào con nấy” quả không sai, thì ra cả hai bố con Tuấn Khang đều có bản tính đào hoa, phải chăng cái tư tưởng “đi tìm tình yêu đích thực” nên phải yêu nhiều cô để nhanh chóng tìm được nó và Tuấn Khang được di truyền từ bố hay sao? Mọi chuyện không hề đơn giản như vậy, đằng sau đó là cả một quá khứ đau thương về người vợ, người mẹ, vì đào hoa mà ông Thịnh đã mất đi người vợ của mình, Tuấn Khang thiếu vắng tình cảm mẹ, cũng kể từ đó mà hai cha như trở thành kẻ đối lập của nhau vậy.
Họ chỉ gặp nhau vào dịp tưởng nhớ về mẹ Tuấn Khang, người mẹ dù đã ra di những bà vẫn tồn tại vô hình theo một cách nào đó trong tâm tưởng của hai bố con, là sợi dây liên kết duy nhất để họ vẫn còn có lí do để gặp mặt nhau đến tận ngày hôm nay. Tôi hoàn toàn hài lòng với chi tiết nhỏ này, nó phản ảnh đúng cái thực trạng của mọi nhà là con trai thì thường sẽ không hòa hợp được với bố, như tôi dù chẳng có mâu thuân gì với bố nhưng cũng không mấy khi nói chuyện được với bố của mình được quá hai câu. Chỉ khi có mẹ ở đó thì mọi thứ mới được dung hòa và những câu chuyện được kể ra dễ dàng hơn.
Mâu thuẫn là thế nhưng cứ nhìn mà xem, Tuấn Khang như một bản sao hoàn hảo của ông Thịnh vậy. Đào hoa như bố, nhưng lúc nào anh cũng giữ thế chủ động, không để các cô gái chi phối hay ràng buộc mình. Trước mỗi cuộc yêu đều nói rõ ràng quan điểm để không ai bị tổn thương, rằng mỗi cô gái đi qua đời anh đến lúc này đều chỉ để cả hai tận hưởng cái hạnh phúc nhất thời, chứ cô và anh không thể nào hướng tới sự lâu dài, bền chặt như vợ chồng.
Dĩ nhiên lúc vui thì cứ vui, nhưng khi tàn cuộc thì cô nào cũng tỏ ra ấm ức, tức giận, nhưng trước đó Khang đã nói rõ rồi mà nên các cô cũng chỉ có thể tự trách mình thôi. Anh cũng hoàn toàn không để tâm, mặc cho các cô hết “vuốt má” rồi tạt nước, Khang hoàn toàn hiểu điều đó chẳng có gì quan trọng nên thôi mình cứ coi như không có chuyện gì xảy ra, chỉ biết mình không làm sai bất cứ điều gì là đủ.
Sự đào hoa – thứ được coi là tính xấu duy nhất thì cũng đã nói xong, giờ là những điểm tốt mà Tuấn Khang được thừa hưởng từ người bố. Đầu tiên là cái tính quan tâm người khác, không phải là thứ quan tâm cho có lệ mà nó xuất phát từ chính những tình cảm dành cho người được quan tâm. Tuấn Khang khi biết bố mất ngủ thì đã tận tay mang thuốc đến cho bố, dù ngoài miệng nói anh muốn hoàn thành nghĩa vụ của một người con, nhưng tôi biết sự quan tâm đó là thực lòng vì ông Thịnh cũng là người thân còn lại duy nhất của Khang trên cuộc đời này.
Không quá khi nói Tuấn Khang “khẩu xà tâm phật”, khi những lời nói ra luôn có nghe nhưng quan tâm, chăm sóc người khác thì không ai bằng. Ông Thịnh thì cũng thế thôi, luôn quan tâm con thầm lặng, “muôn kệ nhưng mà không kệ được” đó là những lời mà người cha đã nói vì ông biết mình là người sai đầu tiên nên con trai có nói những lời khó chịu đến mấy thì cũng phải cố gắng mà lắng nghe. Còn biết mình sai với vợ nên điều duy nhất ông có thể làm để sửa sai là chăm sóc cho đứa con trai thật tốt và để ngôi nhà chung luôn chỉ là chỗ của ba người, không một cô nhân tình nào được phép bước chân vào căn nhà đó.
Một điều nữa ít được chú ý đến là cái tài kinh doanh, điều hành công ty của hai cha con. Bố là chủ của một khách sạn lớn thì con trai cũng là chủ của một trung tâm tổ chức sự kiện và một quán. Hẳn là cái cơ nghiệp đó do tự tay Tuấn Khang xây dựng lên mà không nhận một sự giúp đỡ nào từ bố, lúc bị bệnh mà Khang còn không cần nhờ bố dìu đi kia mà. Cũng có thể bằng một cách thầm lặng, ông Thịnh đã giúp đỡ con trai trên một danh nghĩa khác, mà dù có nhận được sự đầu tư nhưng không biết cách tính toán, vận hành thì mọi thứ cũng đi tong thôi.
Đó là tất cả những điểm tương đồng của hai bố con Tuấn Khang mà tôi cảm nhận được. Nếu bạn còn thấy cặp bố con thú vị này còn điểm tương đồng nào thì đừng quên để lại suy nghĩ của mình bên dưới phần bình luận và hãy tiếp tục theo dõi những tập phim tiếp theo của Anh Có Phải Đàn Ông Không? trên VTV3 nha.
>>>Xem thêm: Thấm thía câu Khang nói Duy Anh: “Sự nghiệp của anh chính là gia đình”
Bài viết của Lindo trên DienAnh.Net
Nếu bạn cũng mê phim Việt thì theo dõi nhiều bài viết hơn tại đây nha! Còn muốn “hóng hót” tin tức hay ho về những phim khác thì nhanh tay click vào mạng xã hội DienAnh.Net để đọc thêm nhiều điều hay ho nha.
Facebook - bình luận