Mình thấy phim cổ trang trên màn ảnh Hoa ngữ năm nay không tạo được tiếng vang mấy, Ngọc Cốt Dao hay Trường Phong Độ đều không thành công như kỳ vọng, tính ra thì chỉ có mỗi Trường Nguyệt Tẫn Minh là làm nên chuyện thôi. Người ta cứ nghĩ An Lạc Truyện lên sóng sẽ thay đổi cục diện “tàn tạ” của dòng phim cổ trang năm nay, nhưng cuối cùng đành phải thất vọng khi dự án hợp tác của Địch Lệ Nhiệt Ba – Cung Tuấn còn đang có nguy cơ rơi vào cảnh flop.
Xét về các phương diện như kịch bản, diễn xuất, chemistry, tạo hình hay cả kỹ xảo thì mình cho rằng, An Lạc Truyện đều không khiến khán giả hài lòng. Ví dụ như kịch bản, An Lạc Truyện khơi gợi hứng thú của khán giả vì bộ phim này xây dựng hình tượng nữ chính khá thú vị và cô sẽ có một cuộc hành trình giải oan cho gia đình. Ban đầu, mình cảm thấy Nhậm An Lạc cũng giống vai Lý Trường Ca mà Địch Lệ Nhiệt Ba từng đóng trong Trường Ca Hành, nhưng ngẫm lại mới thấy, vai diễn này có điểm tương đồng lớn hơn với Mai Trường Tô (Hồ Ca) trong Lang Nha Bảng.
Nhưng, An Lạc Truyện lại là “Lang Nha Bảng phiên bản lỗi”.
Nếu bạn nào đã xem cả An Lạc Truyện và Lang Nha Bảng thì đều biết, Nhậm An Lạc với Mai Trường Tô đều là con cái trong những gia đình quyền thế và mang thân phận cao quý. Nhưng vì danh tạo phản nên Nhậm An Lạc bị giam giữ suốt đời trong khi mọi người đều nghĩ Mai Trường Tô không còn tồn tại trên cõi đời này nữa. Tuy nhiên sau chục năm, Nhậm An Lạc trở thành trại chủ của An Lạc trại với danh tiếng không hề nhỏ còn Mai Trường Tô là tông chủ của Giang Tả minh khiến những vị hoàng tử tranh ngôi đều muốn anh thành mưu sĩ của họ.
Chỉ có điều, sự hơn thua của Nhậm An Lạc với Mai Trường Tô nằm ở việc biên kịch chắc tay hay không.
Biên kịch xây dựng kịch bản cho An Lạc Truyện rất ảo và thậm chí còn có phần… trẻ con. Ngay từ tập 1, biên kịch đã cho thấy một lỗ hổng rất lớn khi Nhậm An Lạc vốn đang bị giam giữ nhưng vẫn “nhởn nhơ” bên ngoài, còn có cả đội thủy sư 30.000 người nữa. Thì ra hoàng đế giam giữ hậu duệ của một trọng phạm triều đình như vậy, chắc chúng ta đành phải dùng “hào quang nữ chính” để giải thích nghe cho hợp lý vậy.
Thân phận của Nhậm An Lạc đặc biệt như thế, mình nghĩ đáng lý nhân vật này cần phải hành sự kín tiếng hơn, càng thu hút sự chú ý của hoàng đế thì càng gặp nguy hiểm. Nhưng không, biên kịch để Nhậm An Lạc “gióng trống khua chiêng” đem 30.000 thủy sư làm sính lễ gả cho thái tử Hàn Diệp (Cung Tuấn), còn thẳng thắn đi gặp mặt hoàng đế. Không xin được ngôi thái tử phi nên cuối cùng Nhậm An Lạc nhận chức Đại Lý Tự thiếu khanh, sau đó chúng ta sẽ được chứng kiến chuỗi ngày hoạt động công khai của nữ chính mà chẳng thấy cô lo lắng bị lộ.
Một yếu tố nữa để thể hiện sự yếu kém của biên kịch An Lạc Truyện, đó là những âm mưu và vụ án trong phim rất cẩu thả, nhạt nhòa và thiếu đi sự kịch tính. Với một dự án có điểm khởi đầu là giải oan cho gia đình của nữ chính thì khán giả mong muốn sẽ được chứng kiến những âm mưu gay cấn. Đáng tiếc, cuối cùng thì An Lạc Truyện chỉ là phim thần tượng thôi các bạn ạ, dù có các yếu tố quyền mưu hay tra án gì đó vẫn mang mục đích làm nền cho tình yêu của cặp đôi chính. Vậy nên, An Lạc Truyện càng xem càng nhạt.
Còn cái sự “đỉnh chóp” của Lang Nha Bảng nằm ở những màn đấu đá tranh giành quyền lực hấp dẫn, yếu tố tình cảm chiếm thời lượng rất ít. Mai Trường Tô mang thân phận khó nói, anh âm thầm làm việc và dùng tài trí của bản thân để khống chế cục diện khó khăn.
Nếu như Nhậm An Lạc theo kiểu “khôn vặt” thì Mai Trường Tô mới thật sự đúng với câu “thông minh tuyệt đỉnh”. Vì thế nên hành trình giải oan của Mai Trường Tô khiến cho khán giả bị thu hút và không bỏ được tập nào cả, còn Nhậm An Lạc lại gây thất vọng nặng nề, xem được vài tập đã đoán được tình tiết tiếp theo rồi.
Hơn nữa, diễn xuất mới tạo nên được đẳng cấp thật sự.
Như mình đã nói ở trên, các phương diện của An Lạc Truyện đều tệ, ngoài kịch bản ra thì còn phải kể đến diễn xuất kém của Địch Lệ Nhiệt Ba và Cung Tuấn. Mình không phủ nhận vai diễn Nhậm An Lạc khiến biểu cảm của Địch Lệ Nhiệt Ba đa dạng hơn nhưng sự tiến bộ của cô ấy vẫn chưa đủ để khán giả khi xem phải thốt lên. Diễn xuất của Cung Tuấn còn kém hơn cả thời đóng Sơn Hà Lệnh, để rồi chemistry cùng nàng mỹ nữ Tân Cương khá gượng gạo, có nhưng ít và khó tạo ra sự bùng nổ.
Ngoài kịch bản xuất sắc thì diễn xuất cũng là một trong những yếu tố giúp Lang Nha Bảng được xếp vào hàng ngũ phim quyền mưu kinh điển. Hồ Ca từng là một diễn viên thần tượng luôn bị nghi ngờ về diễn xuất nhưng khi đóng Lang Nha Bảng, anh ấy đã khiến cho khán giả phải trầm trồ khen ngợi. Không chỉ Hồ Ca, những diễn viên khác như Vương Khải, Lưu Đào và thậm chí là cả Ngô Lỗi cũng được đánh giá cao. Về khoản này, An Lạc Truyện quả thật kém xa Lang Nha Bảng, thậm chí còn chẳng đáng để nhắc tới.
Có lẽ, An Lạc Truyện muốn tạo ra một phiên bản thần tượng của Lang Nha Bảng với những yếu tố mới mẻ hơn nhưng cuối cùng lại thất bại. Mà sự thiếu sót lớn nhất của An Lạc Truyện lại đến từ kịch bản, mình cũng không biết là liệu bộ phim này có thể đột phá trong giai đoạn tiếp theo không nữa.
>>> Xem thêm: An Lạc Truyện: Kịch bản ảo, diễn xuất kém, không có chemistry
* Bài viết của Carole chia sẻ tại box Phim Hoa Ngữ
Nếu bạn quan tâm phim Hoa ngữ, đời sống Cbiz hay những drama dưa hấp dẫn , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Facebook - bình luận