Thương Ngày Nắng Về đang dần đi đến hồi kết, mỗi hình tượng nhân vật trong phim đều để lại cho tôi những ấn tượng khác nhau. Nhưng nếu hỏi tôi ấn tượng với vai diễn nào nhất thì tôi sẽ không suy nghĩ mà trả lời ngay đó chính là bà Nga (NSƯT Thanh Quý).
Trong những lần trước, tôi chỉ được thấy NSƯT Thanh Quý trong hình tượng của một người đanh thép, có phần gai góc, thật bất ngờ khi lần này cô lại vào vai bà Nga xuất sắc đến thế. Nói về bà Nga thì đó là một người phụ nữ truân chuyên, tần tảo, luôn lo lắng cho những người xung quanh kể cả là những người chưa từng quen biết, chỉ cần thấy người gặp nạn là bà sẽ giúp.
>>>Xem thêm: Thương Ngày Nắng Về: Không sống cùng nhưng Vân Trang giống hệt mẹ ruột
Ngay từ những tập đầu tiên, hình ảnh bà Nga đã hiện lên là một người phụ nữ phúc hậu gắn mình với gánh bún ở chợ làng. Lúc bà giúp đỡ cô Yến (Nguyễn Kim Oanh) thì tôi cứ nghĩ hai người phải thân thiết lắm nhưng về sau mới biết chỉ là đôi lần gặp nhau ở chợ. Chắc việc bà Nga hay giúp người cũng là một trong những lí do khiến cuộc sống của bà cứ mãi khó khăn chứ thử nghĩ bán bún thì lời lãi bao nhiêu thế mà cứ gặp người như Yến là bà lại cho ăn miễn phí.
Cả một đời buôn gánh bán bưng, cuộc sống chưa lúc nào là sung túc nhưng bà vẫn cứ cố gắng làm việc tốt mà không màng danh lợi. Việc vợ chồng bà quyết định nhận bé Hoa (Chu Diệp Anh) làm con nuôi với suy nghĩ gia đình có khó khăn thì cũng khó khăn rồi, thôi thì cứ nhận thêm Hoa về, gia đình thêm người thêm vui. Và sự hiếu thảo của Vân Trang (Huyền Lizzie) bây giờ như một sự đền đáp cho lòng nhân ái của bà.
Sẽ có người cho rằng làm những chuyện như bà Nga là lo chuyện bao đồng, nhưng mặc ai nói gì thì nói, bà vẫn cứ sống như thế. Trên đời làm việc xấu mới sợ chứ làm việc tốt như bà Nga thì chắc chắn sẽ nhận được trái ngọt. Ngay cả khi đang đi đường gặp chuyện bất bình thì bà Nga cũng sẵn sàng chạy lại can ngăn, giúp người yếu thế.
Nhưng cũng nhờ vậy mà bà lai vô tình gặp được chàng rể quý Hoàng Duy (Đình Tú), tôi coi việc gặp gỡ đó cũng là một trái ngọt bà Nga xứng đáng được nhận. Cứ nghĩ đến việc Vân Trang dắt bạn trai đến nhà thì mẹ lại nhận ra đã quen “con rể” từ trước đó thì hẳn phải thắm thiết lắm.
Bà Nga còn gom góp những bộ quần áo cũ để phân phát cho những người khó khăn. Bà còn nói nếu ở đây người ta không cần thì bà sẽ đem về cho người ở quê. Điều đó thể hiện dù bây giờ đã xa quê nhưng người phụ nữ này chưa bao giờ quên đi quê hương, cội nguồn của mình, vẫn cứ thế làm những việc mình có thể làm dù nhỏ nhặt để có thể hết sức giúp đỡ mọi người.
Rồi lần bà giúp cô bán hàng rong bị say nắng thì tôi lại như được trở về cái khung cảnh của hơn 20 năm trước khi bà giúp cô Yến. Dù cảnh vật có thay đổi nhưng lòng người thì vẫn vậy, vẫn là lòng nhân ái của người phụ nữ phúc hậu.
Trong phân cảnh này, đạo diễn đã tinh tế lấy một góc máy đẹp, hình ảnh nắng tỏa ra từ gánh bún của bà Nga ngụ ý là nhờ cái gánh bún đó đã mang lại những tia sáng, ánh nắng ấm áp cho bao nhiêu con người, từ cô Yến, Vân Trang, cô bán hàng rong và cả cuộc đời của chính bà Nga nữa. Chắc đó cũng là lí do bộ phim mang tên Thương Ngày Nắng Về, những người cùng khổ gặp nhau để rồi cũng chính họ nương tựa vào nhau, mang lại những tia nắng ấm áp cho cuộc đời mỗi người.
Tôi hi vọng bà Nga sẽ luôn gặp những điều may mắn, tốt đẹp như chính cách bà đối xử với mọi người vậy, tôi cũng muốn bà Nga sẽ không còn phải buồn và suy nghĩ nhiều về các con nữa. Cả cuộc đời tần tảo của bà chắc chỉ có mong muốn là các con sẽ nên người và sẽ không còn người phải cơ cực trên cuộc đời này nữa.
>>>Xem thêm: Nghi vấn chủ tịch Hoàng Kim biết Vân Trang là con ruột bà Kim Nhung
Bài viết của Lindo trên DienAnh.Net
Nếu bạn cũng mê phim Việt thì theo dõi nhiều bài viết hơn tại đây nha! Còn muốn “hóng hót” tin tức hay ho về những phim khác thì nhanh tay click vào mạng xã hội DienAnh.Net để đọc thêm nhiều điều hay ho nha.
Facebook - bình luận