Trong dàn nhân vật hùng hậu của Hương Vị Tình Thân, có một người phim chiếu đến đâu bị chỉ trích đến đó, chính là bà Xuân (Quách Thu Phương). Đọc qua loạt bài viết cùng những bình luận trên mạng xã hội, mình thấy nhân vật này bị phê phán dữ dội bởi sự hồ đồ, nông cạn, cư xử thiếu suy nghĩ và vô cùng quá quắt.
Tuy nhiên, dường như chúng ta chưa từng nhìn nhân vật này ở góc nhìn của sự cảm thông. Hôm nay với chuyên đề Hương Vị Tình Thân có vị gì, Jin Yin muốn đặt mình - cũng là một người phụ nữ, vào nhân vật bà Xuân để lắng nghe nỗi lòng của người vợ, người mẹ, người con dâu này.
Đương nhiên mình chẳng nói bà Xuân đúng trong suốt diễn biên của phim đâu, có những cái sai đã rành rành ra đó rồi nhưng chúng ta khoan hãy dừng lại ở những điều sai trái nhân vật này đã làm. Bạn đã bao giờ nghĩ nếu sau khi lấy ông Khang (NSƯT Trịnh Mai Nguyên), bà Xuân không ớ nhà tề gia nội trợ, coi sóc gia đình mà chọn cách ra ngoài làm việc và học hỏi, giao tiếp nhiều hơn thì mọi chuyện sẽ ra sao không?
>> Xem thêm: Khả Ngân và dàn sao nữ đi lên từ sự chê bai của khán giả
Mình tin rằng được chọn lại từ đầu và được phép đồng hành với ông Khang theo một cách khác, bà Xuân sẽ không bị ghét cay ghét đắng như hiện tại. Nhưng trên đời này không có "nếu như" và nếu có thì bà Xuân cũng không thể chọn khác. Bởi lẽ trong văn hoá Việt Nam, nhất là khu vực phía Bắc, thế hệ của cụ Dần hay ông Khang - bà Xuân luôn quan niệm đàn ông phải là trụ cột gia đình, gánh vác kinh tế và làm những việc lớn lao. Đối với người phụ nữ, làm mẹ là thiêng chức, làm vợ hiền - dâu đảm là nghĩa vụ, bốn phận và trách nhiệm. Vì vậy bà Xuân buộc phải dành hết cho gia đình.
Cũng chính bởi suốt ngày chỉ quanh quẩn ở nhà trong gian bếp chật hẹp mà bà Xuân trở thành con người thiển cận, thiếu chính kiến, thiếu hiểu biết. Mình cho rằng nhân vật này cũng có những ước mơ riêng, cũng mang khát khao hạnh phúc và mong muốn được yêu thương. Bằng chứng là trong những tập phim gần đây, bà Xuân đã “tức nước vỡ bờ”, bật lại ông Khang để rồi bị năm ngón tay của ông in hẳn lên mặt, cốt chỉ để bộc lộ nỗi lòng bản thân giấu kín suốt nhiều năm.
Người phụ nữ nào mà chẳng muốn được chồng thương, chồng quan tâm. Mình cho rằng, với tư cách là một người phụ nữ để đặt bản thân vào bà Xuân, mình thông cảm cho những ước muốn nhỏ nhoi của bà ấy. Bà Xuân cũng chỉ muốn chồng khen chiếc váy mặc hôm nay, khen món ăn do đích thân bà xuống bếp thay vì để cô giúp việc chuẩn bị, khen bình hoa do tự tay bà cắm, và khen màu son mới mua.
Phụ nữ đơn giản là thế, người ta nói đúng mà, “đàn ông yêu bằng mắt, đàn bà yêu bằng tai”, nhưng ông Khang chưa từng nhớ điều đó. Hoặc bởi lẽ, ông yêu thương mẹ mình hơn vợ nên trong mắt vị chủ tịch lớn lao kia, vợ chỉ là người hầu hạ cho mẹ chồng, là người nuôi con, chứ không phải để quan tâm.
>> Xem thêm: Công Dương toả sáng với vai Phan trong Hãy Nói Lời Yêu
Có vài câu thoại đã khiến mình đau đến xé lòng, có thể kể đến như “Đến con osin anh cũng chẳng nói năng nặng lời như vậy”, "Tôi cũng có cuộc sống tự do của mình chứ. Tôi cần được tôn trọng, anh có hiểu không?”. Con người ta thường chỉ đòi hỏi những gì người ta thiếu, sống với nhau cả nửa đời người, đáng buồn là đến nay bà Xuân lại mong mỏi sự dịu dàng và tôn trong từ ông Khang - người đã đầu ấp tay gối với bà nhiều chục năm qua. Đến đoạn này thì mình đoán, có lẽ sự gia trưởng và độc đoán của ông Khang đã khiến tình yêu của hai người không còn nữa.
Khi bỏ đi bar, bà Xuân tìm đến chút niềm vui bên ngoài. Khi trở về nhà, bà Xuân cũng chỉ mong ngóng lời hỏi thăm “em làm sao vậy” từ chồng. Ấy vậy mà đổi lại, ông Khang chỉ buông lời trách móc, chỉ chăm chăm vào việc bà Xuân phá đi lề lối gia đình, và thẳng thừng đòi ký giấy ly hôn khi bà có chút dỗi hờn. Phụ nữ mà, nói có là không, nếu bà Xuân muốn bỏ đi, bà đã rời khỏi ngôi nhà họ Hoàng này từ lâu. Thế mà ông Khang không hiểu cho điều đó, nỡ lòng nào nói ra những câu đau lòng.
Bên cạnh đó, khi thấy bà ngăn cản chuyện tình cảm của con trai mình - Long (Mạnh Trường) và Nam (Phương Oanh), nhiều khán giả đã tỏ ra phẫn nộ. Nhưng trong số các bạn, có bao nhiêu người đã có gia đình và có con? Mình luôn tin rằng những người mẹ có lý lẽ của riêng họ và dù có thương con một cách vô lý đi nữa thì họ cũng có quyền làm điều đó. Dù yêu thương sai cách nhưng không thể phủ nhận tình cảm của bà dành cho Long.
“Con xin mẹ, mẹ hãy để cho con trai của con được sống” - Câu nói oán trách tuy có phần hỗn hào của bà Xuân với mẹ chồng, nhưng cũng là lời thật lòng của bà mẹ thương con. Từ đầu đến cuối, chỉ là do bà Xuân thương con mù quáng, cho rằng phải kiếm được người vợ môn đăng hộ đối thì Long mới thực sự hạnh phúc. Mình cho rằng bà chỉ áp dụng khuôn mẫu ngày xưa, không còn hợp thời đại, nhưng vẫn cốt yếu là suy nghĩ muốn tốt cho con. Thế nên, sai càng thêm sai và bà Xuân sa đà vào quan điểm của mình, khiến cho Long - Nam đôi ngã chia ly.
Chung quy lại, bà Xuân cũng chỉ muốn con mình sau khi lấy vợ có cuộc sống thoải mái, hạnh phúc. Việc bà tìm một người môn đăng hộ đối, gia cảnh khá giả có lẽ vì không muốn con nặng gánh bên vợ. Chỉ có điều bà Xuân vì thiếu kinh nghiệm sống nên xu cà na, chọn bao nhiêu lần thì trớt quớt hết bấy nhiêu.
Hơn thế nữa, mình tin trong gia đình bà Xuân là một người không được lắng nghe cho nên mới dẫn đến những màn làm càn, làm loạn, bất chấp hoàn cảnh và đối tượng. Nếu có được một người thấu cảm, mình tin bà Xuân sẽ mở lòng ra và chia sẻ một cách nhẹ nhàng hơn. Phải chi bà Xuân được ông Khang lắng nghe những mong muốn của một người vợ, ở sự quan tâm của người chồng chứ không phải bao nhiêu tiền đưa về, bao nhiêu người ăn kẻ ở trong nhà.
Phải chi bà Xuân được Long chịu chuyện trò thấu hiểu với nỗi lòng một người mẹ, ngày đêm đau đáu mong con được hạnh phúc. Phải chi bà Xuân được bà Dần thông cảm, đối xử như một con dâu đích thực, chứ không phải là kẻ chướng mắt trong cuộc đời và suốt ngày chỉ trích, gây khó dễ. Phải chi bà Xuân cũng dịu dàng từ tốn hơn, biết thông cảm cho người khác để người đối diện đón nhận mình bằng một tâm thế dễ chịu.
>> Xem thêm: Quách Thu Phương lên tiếng sau khi bà Xuân bị chồng tát
Bất kì nhân vật nào cũng được định hình tính cách dựa trên hoàn cảnh. Rất ít nhân vật đáng ghét, kì khôi một cách tự nhiên mà tất cả đều có lý do riêng, quan trọng là chúng ta có đổi góc nhìn để hiểu và thông cảm cho họ hay không mà thôi. Hi vọng sau bài viết này, bạn sẽ bớt ghét bà Xuân hơn một chút và nhìn nhân vật này một cách tích cực hơn.
*Bài viết của Jin Yin gửi về DienAnh.Net.
Theo dõi DienAnh.Net để cập nhật những tin tức phim ảnh mới và chính xác nhất.
“Hương Vị Tình Thân có vị gì?” là chuyên đề đặc biệt của DienAnh.net nhằm tôn vinh giá trị nhân văn, ý nghĩa của tình thân trong bộ phim truyền hình ăn khách nhất hiện nay của Việt Nam. Qua chuyên đề này, các bạn sẽ cảm nhận rõ nét hơn những câu chuyện đầy xúc động về tình cha con, mẫu tử và cả những tình cảm trân quý của những nhân vật không cùng huyết thống nhưng đối đãi với nhau như ruột thịt.
Mọi ý kiến đóng góp bài vở hãy gửi contact@dienanh.net để cùng nhau lan toả nguồn năng lượng tình thân cao quý này đến mọi người. Đừng quên follow DienAnh.Net để cập nhật những thông tin phim ảnh, chuyện hậu trường nhanh nhất, chính xác nhất nhé!
Facebook - bình luận