*Cảnh báo bài viết có tiết lộ nội dung phim
Sự khan hiếm của phim giật gân chất lượng tại thị trường nội địa khiến tôi đặt nhiều kỳ vọng vào Bằng Chứng Vô Hình của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh. Bởi bộ phim được remake từ Blind - tác phẩm mà tôi đánh giá là xuất sắc và ấn tượng của điện ảnh Hàn Quốc.
Cái hay ở đây tôi muốn nói đến là, thay vì sao chép một cách y nguyên công thức thành công từ người khác, vị đạo diễn trẻ cùng ê-kíp vẫn cố gắng cải biên và sáng tạo ra những nét riêng để thổi hồn Việt vào trong tác phẩm.
Đầu tiên, điểm khác biệt mà tôi nhận thấy rõ nhất là trong việc xây dựng nhân vật. Dù không làm xáo trộn quá lớn dàn nhân vật, vẫn giữ nguyên tính cách và vị trí của nam nữ chính, nhưng hoàn cảnh xuất thân của họ và số lượng của các nhân vật phụ đã được thay đổi.
Đối với bản phim Việt, ngay từ đầu phim đã giới thiệu cho khán giả thấy nữ chính - Thu cùng em trai là Ti sống ở căn nhà vùng ngoại ô thành phố, cha mẹ cả 2 đều đã qua đời từ rất sớm. Trong ngày giỗ của Ti, Thu đã quay lại căn nhà cũ đó và được dì đề nghị bán nhà bởi không lâu nữa bà sẽ ra nước ngoài sống, không thể trông nom được nơi đây nữa.
Trong khi đó, ở bản Hàn, nữ chính Soo Ah lớn lên cùng em trai Dong Hyun trong cô nhi viện. Nhiều năm sau khi trở lại cô nhi viện, cô được mẹ nuôi ở đây đưa cho chiếc máy rung cảm ứng để phát hiện vật thể đến gần cô. Đây cũng là chi tiết làm nên sự khác biệt của 2 bộ phim ở phần kết.
Trong chi tiết đau lòng nhất của bộ phim, khi em trai của nữ chính qua đời, Trịnh Đình Lê Minh cũng cố gắng thay đổi sao cho phù hợp với khán giả Việt. Ở Bằng Chứng Vô Hình, tôi nhận thấy sự ra đi của Ti có phần nhẹ nhàng hơn.
Trước đó, Thu đã bỏ ca trực để đến kéo em trai mình về, ngăn cậu kết thúc show diễn nhạc rap của mình. Thu đã buộc phải còng tay em trai vào, nhưng do xô đẩy trên xe dẫn đến vụ tai nạn đáng tiếc. Nữ chính bị văng ra khỏi xe, còn Ti bị mắc kẹt lại vì tay đã bị khóa. Lúc này dầu tràn ra, chiếc xe bốc cháy và tai nạn kinh hoàng khiến Ti ra đi mãi mãi còn Thu mất đi thị lực.
Còn đối với Blind, cái kết đau lòng hơn rất nhiều, khi Dong Hyun cũng bị còng tay, nhưng chiếc xe bị văng lên thành cầu vượt còn Soo Ah lại bắn ra ngoài. Dong Hyun vừa khóc vừa cố gắng với chiếc chìa khóa để thoát thân nhưng càng với, chiếc xe càng nghiêng ngả và cuối cùng lao xuống đường bên dưới. Đúng lúc đó, một chiếc xe tải lao qua.
Sự ra đi của Ti trong bản Việt rõ ràng đã giảm bớt sự đau lòng và kinh hoàng đới với cái kết của một cậu bé với nhiều hoài bão, đam mê.
>>> Xem thêm: Thiên Thần Hộ Mệnh: Nữ chính Trúc Anh hóa ra là người oan nhất
Bên cạnh đó, dàn nhân vật phụ, như tôi nói ở trên, đã được thay đổi khá nhiều về cả số lượng lẫn tính cách.
Ở phiên bản Việt, hai cảnh sát chủ chốt trong cuộc điều tra phá án là Hòa và Vinh. Hòa là nữ cảnh sát mạnh mẽ, yêu nghề và là nhân vật mà tôi thích nhất trong phim, bởi tính cách của cô nàng rất quyết đoán. Vinh là nam cảnh sát trẻ, tuy lúc đầu nhân vật này có hơi bộp chộp và thờ ơ nhưng càng về sau nhân vật này càng nhiệt tình tham gia truy bắt tên sát nhân.
Trong khi ở bản Hàn, chỉ có viên thám tử Jo đơn phương độc mã với tính cách được chuyển hóa từ lúc đầu bán tính bán nghi nhưng càng về sau, ông càng cho thấy mình là người tài giỏi và năng nổ trong quá trình phá án.
Với sự thay đổi này, tôi đoán rằng đạo diễn đang muốn đề cao vai trò của người phụ nữ. Và tôi nghĩ đạo diễn đã thành công, bởi tôi rất mô vai diễn này của Ái Phương, nhất là câu thoại khi cô đối diện với tên sát nhân: “Tao rất thích đập những thằng biến thái như mày”. Nghe xong câu này, tôi nghĩ chắc chắn ai cũng phải rùng mình và vỗ đùi đen đét với phát ngôn cực cháy này.
Cái kết của Hòa và thám tử Jo cũng rất khác. Trong khi thám tử Jo bị kẻ ác cho một nhát chí mạng khiến ai cũng hiểu kết cục của ông. Thì đến bản Việt, Hòa bị tên sát nhân tấn công vào phần bụng, dù đau đớn nhưng cô vẫn gọi cho Vinh để anh đến cứu Thu. Cảnh phim kết ngay ở đó khiến tôi vẫn không biết cuối cùng Hòa còn sống hay đã hy sinh.
Tôi nghĩ đây là một sự sáng tạo hơi thừa thãi và không giúp nhân vật phát triển hơn hay khán giả hài lòng hơn. Điều khiến tôi thỏa mãn không phải một cái kết vẹn toàn cho tất cả, thậm chí đó có thể là một cái kết buồn, tôi vẫn chấp nhận nhưng ít nhất hãy để cho nó được kết thúc thay vì để lấp lửng như thế này.
>>> Xem thêm: Hai Phượng, Tèo Em và loạt phim Việt trên Netflix cho mọt phim
Cuối cùng là sự khác nhau trong cảnh kết thúc của bộ phim. Như đã đề cập ở trên, người mẹ nuôi ở cô nhi viện đã đưa cho Soo Ah một chiếc hộp cảm ứng để phát hiện vật thể đến gần và nếu vật càng gần thì máy rung càng mạnh.
Cảnh cuối phim, khi tên sát nhân tiến gần đến Soo Ah, cô đã nắm chặt chiếc máy cảm ứng này, tay còn lại cầm viên gạch và dùng hết sức bình sinh phản kháng. Còn ở bản Việt, Thu dùng chiếc ván trượt của Hải, nghe tiếng bước chân của kẻ thủ ác. Bởi ngay từ đầu phim, đạo diễn đã cài cắm nhiều chi tiết cho thấy dù mất đi khả năng nhìn nhưng thính lực của Thu vô cùng nhạy bén.
Song tôi không cảm thấy thuyết phục trong phân cảnh này. Bởi vì màn đối đầu cuối phim với tên sát nhân của Thu diễn ra khi trời mưa và ở ngoài trời thì thật khó để ai có thể nghe và phân biệt được ra đâu là tiếng vật, đâu là tiếng người. Sau cảnh này, bộ phim được khép lại trong sự hụt hẫng của người xem là tôi.
Tôi không thể biết, cũng chẳng có bằng chứng gì để đoán về tương lai của các nhân vật. Cảm giác giống như đã theo diễn viên cả một hành trình dài mà không được nhìn thấy họ về đích quả thực rất khó chịu. Trong khi đó, bản Hàn cho ta thấy được Soo Ah sau vụ án đã được tốt nghiệp trường cảnh sát nhờ chiến công vang dội.
Nỗ lực cải biên kịch bản gốc vốn đã xuất sắc của Bằng Chứng Vô Hình dù không khiến tôi hoàn toàn hài lòng nhưng vẫn là sự cố gắng đáng ghi nhận. Thông qua tác phẩm này, tôi hy vọng rằng sẽ có thêm những tác phẩm điện ảnh Việt Nam chất lượng, được đầu tư và hoàn thiện hơn nữa.
*Bài đóng góp của Hoa Le gửi về DienAnh.Net
Đừng quên theo dõi fanpage DienAnh.Net để cập nhật tin tức mới nhất về làng giải trí nhé!
Facebook - bình luận