Điện ảnh Việt Nam không thiếu phim tốt nhưng để tìm ra được một tác phẩm thuộc dòng giật gân với ý tưởng ấn tượng thì quả thực rất khó. Chính lý do này khiến tôi mong chờ vào Bằng Chứng Vô Hình rất nhiều. Không chỉ bởi đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh đã chọn một hướng đi mới mà còn là bởi đây là tác phẩm được remake từ bộ phim đình đám xứ kim chi năm 2011- Blind.
Dẫu biết trước nội dung của bản gốc, đồng thời hiểu được sức hút của nó khi từng chinh phục 2,5 triệu khán giả Hàn Quốc, nhưng tôi vẫn rất kỳ vọng và dành tâm thế hồi hộp, chờ đợi đối với phiên bản Việt hóa. Song, sau khi xem, tôi thành thật phải nói là phim này điểm sáng thì ít mà sạn thì nhiều.
Đầu tiên, tôi sẽ nói sơ qua về nội dung chính của phim này dành cho những ai chưa xem nhé. Bộ phim mở ra với nhân vật Thu (Phương Anh Đào) - một học viên xuất sắc của trường cảnh sát nhưng lại mang trong mình quá khứ đau buồn. Ba năm trước, trong một vụ tai nạn đã lấy đi của cô thị lực và người em trai duy nhất, khiến cô phải đem theo sự dằn vặt và mặc cảm tội lỗi suốt thời gian sau đó. Mặc dù mù lòa nhưng Thu sống cùng một chú chó và học cách để sống một mình. Câu chuyện chính của bộ phim bắt đầu khi Thu tình cờ lên xe của một tên ác. Sau đó, một nạn nhân khác đã thế chỗ cô, giúp cô thoát nạn. Cô phối hợp với cảnh sát để tham gia điều tra vụ án mất tích hàng loạt của các cô gái trẻ. Nhưng họ không ngờ tới là điều này sẽ dẫn tất cả vào một vòng xoáy chết người.
Không vì đây là một bộ phim giật gân mà đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh thiếu đi sự chỉn chu trong xây dựng nhân vật. Phim dành phần lớn hồi 1 để giới thiệu nhân vật, để giúp chúng ta hiểu được họ, từ đó đồng cảm và lo lắng cho sự an nguy của từng người trước những nguy hiểm dồn dập trong phim.
Với Thu, tôi nhìn thấy được ở cô là tình yêu và sự nhiệt huyết đối với nghề cảnh sát của một người phụ nữ mạnh mẽ, cá tính. Nhưng những vết thương quá khứ cũng ảnh hưởng đến cô không nhỏ. Những dằn vặt về sự ra đi của em trai khiến cô chìm sâu vào sự cô đơn. Điều này cũng tạo tiền đều để mối quan hệ giữa Thu và Hải (Otis) sau này trở nên hợp lý.
Còn với Hòa (Ái Phương), cô là một cảnh sát lành nghề và yêu công việc của mình. Điều đó được thể hiện qua chi tiết cô luôn tự hào với những chấn thương, bởi nó giúp cô phá được trọng án. Tiếp đến là Hải, cậu trai trẻ ngông nghênh, bỗng trở thành nhân chứng thứ 2 của vụ án và sự quan trọng của cậu đối với Thu thông qua quá khứ đau buồn của cô.
Mặc dù vừa khen đạo diễn vì giới thiệu đầy đủ nhân vật, nhưng tôi lại phải chê vì phần này vô tình bị kéo dài lê thê, khiến xem hồi 1 tôi đã phải ngáp ngắn ngáp dài mấy lượt. Nhưng may mắn thay, vẫn còn có diễn xuất của Phương Anh Đào cứu vớt lại. Tôi thấy nhiều người còn so sánh cô với cả màn trình diễn của Kim Ha Neul trong phiên bản gốc.
Phải thừa nhận một điều rằng cách Phương Anh Đào tái hiện cuộc sống của người mù hết sức chân thực. Qua những gì tôi đọc được trên các diễn đàn thì Phương Anh Đào đã dành nhiều thời gian để làm quen và tiếp xúc để hiểu về đời sống của những người khiếm thị. Chắc có lẽ vì thế mà nữ diễn viên này đã thể hiện khá ổn vai cô gái khiếm thị. Với vai này, tuy không thể truyền đạt cảm xúc qua ánh mắt, nhưng những hành động và biểu cảm gương mặt của nhân vật Thu vẫn để lại ấn tượng mạnh trong tôi.
Chỉ tiếc rằng kịch bản quá yếu kém khiến tôi thật sự hụt hẫng. Chi tiết lời khai của Thu tại đồn cảnh sát gây ấn tượng và đủ sức thuyết phục, mục đích của nó suy cho cùng để thể hiện rằng cô từng là nữ cảnh sát giỏi đến thế nào. Song sự thông minh, nhạy bén hiếm có này của một người khiếm thị đáng lẽ cần được khai thác và sử dụng nhiều hơn ở các hồi sau, thì lại bị biên kịch đưa vào hư vô. Những chi tiết này không được nhắc tới lần thứ 2 trong phim khiến tôi cảm thấy chúng thừa thãi. Trong trường đoạn cuối phim, dù khiếm thị nhưng Thu vẫn được biên kịch ban cho khả năng của người bình thường, khiến cao trào phim mất sự kịch tính, hồi hộp.
>>> Xem thêm: Bom tấn Venom 2 tung trailer đầy mùi "cà khịa" Spider-Man
Một vấn đề khác của phim. Trong khi tất cả các diễn viên đều làm tròn vai của mình thì phim lại khiến tôi chán nản với một nhân vật phản diện kém hấp dẫn. Nhân vật phản diện của Quang Tuấn cho thấy được sự thua kém hơn hẳn so với bản gốc, với những chi tiết hết sức phi logic. Chưa kể biểu cảm của nam diễn viên khá nghèo nàn, ngoài trợn mắt hoặc lườm nguýt ra, anh không thể hiện được thêm một nét mặt nào khiến bản thân trông nguy hiểm hơn. Nên thay vì thấy sợ hãi, hồi hộp, tôi lại cảm giác nhân vật này nhàm chán vô cùng.
>>> Xem thêm: Cruella: Tạo hình nịnh mắt thật sự, Emma Stone diễn xuất quá đỉnh
Nhưng trách Quang Tuấn một thì phải chê biên kịch mười, khi kịch bản chưa chăm chút cho nhân vật, khiến vai của anh để lộ những sơ hở lớn. Yếu tố bệnh hoạn, máu lạnh của tên ác này mặc dù có được đề cập đến nhưng lại dừng ở mức giới thiệu. Mặc dù hành động tàn bạo nhưng hắn ta lại quá liều lĩnh, đôi khi là vô tư. Chưa kể, động cơ để trở thành tên kẻ ác của hắn là chưa thuyết phục.
Mà nói tóm lại, nếu các bạn không quá khó khăn như tôi thì Bằng Chứng Vô Hình vẫn là bộ phim giật gân ở mức ổn của điện ảnh Việt Nam trong những năm gần đây. Tôi hi vọng các nhà làm phim trẻ Việt Nam không vì những lời chê bai mà mất động lực mà hãy xem đó như sự góp ý rồi tìm cách khắc phục, giúp nền điện ảnh nước nhà được phát triển hơn.
*Bài đóng góp của Hoa Lê gửi về DienAnh.Net
Phim Chiếu Rạp là chuyên mục mà chúng mình khai thác đặc thù về tất cả các phim đã đang và sắp chiếu. Nơi bạn có thể tìm kiếm mọi thứ về điện ảnh từ các bài tham khảo, phân tích, đánh giá, nhận định đến bàn tán, cung cấp thông tin… một cách nhanh chóng, chính xác và dễ hiểu nhất. Là một “mọt phim” có tâm, chúng mình sẽ mang đến cho các bạn những bài viết hay và thú vị nhất.
Đừng quên theo dõi fanpage DienAnh.Net để cập nhật tin tức mới nhất về làng giải trí nhé!
Facebook - bình luận