x

Đăng nhập

Comming soon...

Phim chiếu rạp

Việt

Chất liệu dân gian trong phim Cám: Đột phá đến từ nhân vật thằng Bờm

Nga Cao 14:03 - 22/09/2024

Bộ đôi đạo diễn Trần Hữu Tấn - nhà sản xuất Hoàng Quân thường xuyên chắt lọc chất liệu dân gian, với dấu ấn bản địa đậm nét đưa vào các tác phẩm kinh dị. Tôi và người xem có thể thấy rất rõ điểm nhấn này trong các tác phẩm của họ như Bắc kim thang, Chuyện ma gần nhà, Tết ở làng địa ngục, Kẻ ăn hồn và mới nhất là Cám.

 Cám được xem là dị bản của truyện cổ tích Tấm Cám. Ekip dụng tâm khẳng định tinh thần tự tôn dân tộc trong sản phẩm điện ảnh, tạo nên câu chuyện “rất Việt Nam”, bằng chất liệu văn hóa Việt Nam. Hãy cùng tôi tìm hiểu sơ lược những tình tiết tiêu biểu nhất trong phim nhé.

 Nhân vật mới toanh Thằng Bờm (Doãn Hoàng) trong Cám đóng vai trò khá quan trọng. Anh ta có mẹ làm nghề “buôn hương bán phấn”. Để lấy lại danh dự cho mẹ như lời hứa của Trưởng Lý Hai Hoàng (Quốc Cường), anh ra sức lấy lòng Cám (Lâm Thanh Mỹ), thậm chí làm cho cô bé tưởng rằng anh có tình ý với cô bé thật.

  Nhưng tất cả chỉ là một màn kịch. Mục đích sau cùng của ông Hai Hoàng, chính là hiến tế Cám cho Bạch Lão. Trong khi đó, Cám vẫn luôn tưởng rằng việc hy sinh bản thân là có thể cứu mạng cho tình lang - Bờm.

 Đây là đồng dao nổi tiếng nhất về thằng Bờm trong kho tàng văn học Việt Nam: “Thằng Bờm có cái quạt mo/ Phú ông xin đổi ba bò, chín trâu/ Bờm rằng: Bờm chẳng lấy trâu/ Phú ông xin đổi ao sâu cá mè/ Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mè/ Phú ông xin đổi một bè gỗ lim/ Bờm rằng: Bờm chẳng lấy lim/ Phú ông xin đổi con chim đồi mồi/ Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mồi/ Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười”.

 Có hai cách hiểu về bài đồng dao này. Cách thứ nhất cho rằng Bờm là một người chính trực, trong sáng, đáng yêu, luôn giữ vững lý tưởng mục đích sống. Phú ông của bài đồng dao là người giàu có và quyền lực, nhưng không ỷ thế bắt nạt người nghèo. Cách hiểu còn lại cho rằng Bờm ưng thuận đổi quạt mo lấy nắm xôi là tham ăn, khờ khạo, ngây ngô, thiển cận. Còn phú ông thì tham lam, xảo trá.

Nhân vật Bờm và trưởng lý Hai Hoàng là hình ảnh phá cách lấy nguyên mẫu từ thằng Bờm và phú ông trong bài đồng dao trên. Bờm và Hai Hoàng có cuộc giao dịch gian trá, và nạn nhân là cô bé Cám vô tội. Trước khi chết, Bờm buộc phải nghe theo lệnh Cám (đã bị Bạch Lão chiếm xác) - cô gái ngây thơ đã bị anh cùng cha cô hợp sức lừa để làm vật tế cho Bạch Lão - ăn gói xôi gói lá sen đầy giòi bọ lúc nhúc. 

 Theo văn hóa dân gian Việt Nam, lá sen biểu trưng cho sự thanh cao, thuần khiết. Món xôi gói lá sen do chính tay Cám làm, vốn dĩ là để thể hiện tình ý không chút tạp niệm của cô bé khi lần đầu tiên biết rung động với người khác giới. Cô bé bảo mình là xôi còn Bờm là lá sen. Lá sen bao bọc lấy xôi, như Bờm sẽ che chở cho Cám. 

Nhưng ai cũng có thể thấy, gói xôi đã bị giòi bọ bu bám, tượng trưng cho việc tình yêu ấy đã bị hủy hoại, ô uế. Gói xôi ấy chính là ẩn dụ cho thứ tình cảm biến tướng, giả dối của Bờm dành cho Cám. Phim rõ ràng đã lên án việc chính Bờm đã không trung thực, và tham lam, ích kỷ, lại còn lợi dụng người khác, nên đó là kết cục xứng đáng dành cho anh. 

 Ở một cảnh khác, người xem có thể thấy chị em Tấm (Rima Thanh Vy) - Cám, Bờm cùng Thái tử (Hải Nam) đi chơi xuân. Bờm xung phong đưa Cám lên chơi đánh đu cùng mình. Đánh đu là sinh hoạt văn hóa đặc trưng của cư dân nông nghiệp lúa nước, nhằm cầu cho vạn vật sinh sôi, mùa màng tươi tốt. Trò chơi này được phổ biến ở đồng bằng Bắc Trung bộ. 

 Cây đu còn là nơi hò hẹn, gặp gỡ của nhiều cặp trai thanh nữ tú để họ cùng nhau hẹn ước, bày tỏ tấm lòng thành với nhau. Ngoài ra, bài hát Qua cầu gió bay cũng nhiều lần vang lên trong phim Cám. Bài hát này là dân ca quan họ Bắc Ninh, gợi ý đến một mối quan hệ của những cặp đôi yêu nhau tình tứ nhưng vẫn giấu cha mẹ hai bên.

Nhìn chung, đạo diễn Trần Hữu Tấn - nhà sản xuất Hoàng Quân đã tiếp tục phát huy sở trường của mình là đưa chất liệu văn hóa dân gian vào phim kinh dị một cách thuần thục, độc đáo, nhằm khiến người xem càng thêm ấn tượng và trân quý tinh hoa của đất nước.

 

Cám  công chiếu Toàn Quốc từ 20.9.2024.

* Bài viết của Nga Cao chia sẻ tại box Phim Việt

Facebook - bình luận

Bài Cùng chuyên mục

Chất liệu dân gian trong phim Cám: Đột phá đến từ nhân vật thằng Bờm

Phim Cám, dị bản kinh dị của Tấm Cám vận dụng thành công những chất liệu dân gian quen thuộc và gần gũi, nhưng cải biên theo hướng mới mẻ, sáng tạo hơn

Trải nghiệm độc lạ mùa Giáng sinh cùng trò chơi ma sói trong Kẻ Ăn Hồn

Trò chơi quen thuộc ma sói nay đã được mang lên màn ảnh rộng cùng Kẻ Ăn Hồn. Đừng bỏ qua bộ phim hấp dẫn này nếu bạn cũng là một tín đồ của ma sói.

Yếu tố kinh dị trong Kẻ Ăn Hồn: Đáng sợ và đậm chất phương Đông

Bộ phim điện ảnh Kẻ Ăn Hồn sử dụng nhiều chất liệu dân gian để nhấn mạnh đến yếu tố kinh dị - tâm linh, khiến khán giả cảm thấy tương đối hài lòng.

Lan Phương bụng bầu 6 tháng, rạng rỡ trong ngày ra mắt phim Kẻ Ăn Hồn

Vượt qua nhiều vòng kiểm định chặt chẽ, Kẻ Ăn Hồn cũng đã chính thức được công chiếu tại các rạp trong toàn quốc, phục vụ những fan của dòng phim kinh dị.

Người Mặt Trời: Được đánh giá giống Chạng Vạng nhưng vẫn có điểm riêng

Bộ phim Người Mặt Trời gợi nhắc đến siêu phẩm Hollywood Twilight trên một số phương diện, nhưng vẫn có những điểm riêng biệt để tạo ra dấu ấn riêng.

"Các bậc cao niên" diễn xuất đỉnh làm bảo chứng cho Kẻ Ăn Hồn

NSND Ngọc Thư, NSƯT Chiều Xuân và nghệ sĩ Viết Liên, những "cây đa cây đề" màn ảnh Việt tiếp tục xuất hiện trong Kẻ Ăn Hồn sau Tết Ở Làng Địa Ngục.