Mình thấy Bi Thương Ngược Dòng Thành Sông chắc chắn không còn là một bộ phim quá lạ lẫm đối với các mọt phim Hoa Ngữ nữa. Đặc biệt, nếu ai là fan cuồng của loạt phim học đường, nhưng không phải thanh xuân vườn trường, mà là những bộ khai thác chủ yếu về các góc khuất của trường học.
Đối với mình những bộ phim học đường vẽ nên các bức tranh khác nhau về cuộc sống của các cô cậu học trò, thì Bi Thương Ngược Dòng Thành Sông chính là bức tranh tăm tối nhất, đau lòng nhất. Bộ phim này sở hữu những lời thoại và tình tiết làm người xem đi từ căm phẫn đến đau xé lòng, khiến kha khá khán giả không dám xem lần hai.
“Xin chào, tớ là Cố Sâm Tây. “Tây” trong mặt trời mọc ở đằng tây”
Theo mình thấy, đây chính là câu thoại gây ấn tượng mạnh mẽ nhất trong cả một bộ phim. Nếu như ở những phút đầu phim, khi giới thiệu tên mình, nhân vật Cố Sâm Tây vẫn luôn nói rằng: Chữ “Tây” trong tên cậu là “Tây” trong phim “Ca Tam Tây” - chữ “Tây” ở đây không có bộ mộc ở trước. Nhưng đến cuối phim, ý nghĩa cái tên ấy lại đổi thành: “Xin chào, mình là Cố Sâm Tây. “Tây” trong mặt trời mọc ở đằng Tây”.
Mình đã thấy rất thú vị khi nghe câu thoại này, nhưng sau khi suy ngẫm lại, có lẽ thứ ánh sáng mọc ở đằng Tây ấy dường như chỉ tồn tại vì Dịch Dao. Đó chính là tia sáng nghịch thiên quá đổi diệu kỳ đã chiếu sáng vào chuỗi ngày tăm tối của Dịch Dao. Cố Sâm Tây chính là tia sáng đó, cậu là người đã kéo Dịch Dao ra khỏi vũng lầy u tối, khỏi sự tuyệt vọng mà cô nàng đã phải chịu đựng.
Đơn giản chỉ là sẽ cùng Dịch Dao đương đầu, trả đũa lại hết những kẻ đã bắt nạt cô, mặc kệ hậu quả là gì. Dịch Dao đã từng nói tại sao chữ Tây trong tên anh chàng lại không phải là “hi” trong “hi vọng” (Trong tiếng Trung, Tây và Hi có cách phát âm giống nhau). Đến cùng, Cố Sâm Tây vẫn luôn là sự bù đắp nhỏ nhen, là tia hi vọng ít ỏi của tạo hóa dành cho Dịch Dao.
>>Xem thêm: So kè phim cổ trang cấp S của Iqiyi, Tencent và Youku
Khi sự im lặng của người tốt còn đáng sợ hơn sự tàn nhẫn của kẻ xấu
Nếu xem phim, mình nghĩ các bạn cũng sẽ phát hiện ra được giữa một đám người chỉ toàn bắt nạt, bàn tán về nữ chính Dịch Dao, thì vẫn luôn có một cô gái muốn đứng lên để phản bác và giúp đỡ. Thật ra, trong đám đông vẫn luôn có một người biết phân biệt đúng sai, chỉ là họ chọn cách im lặng.
Phân cảnh cô ấy tát người bên cạnh, theo mình giống như tự tát chính mình hơn, bởi vì sự hèn nhát, lưỡng lữ. Dịch Dao cũng chính là hiện thân cho những sự bất lực, hùa theo đám đông của cô gái ấy, để rồi đẩy cả một cuộc đời rơi vào tuyệt vọng.
Những cảnh quay Dịch Dao mặc đồng phục khác với mọi người
Thật sự, những phân cảnh thể hiện rõ hai màu sắc khác biệt về bộ đồng phục mà Dịch Dao mặc với mọi người xung quanh, đã cho mình cảm giác cô gái ấy nhỏ bé, đáng thương đến nhường nào. Mẹ cô vì tiết kiệm tiền mà không đổi đồng phục mới cho cô, để cô phải e dè, thu mình lại khiến bản thân lọt thỏm giữa đám đông.
Chính sự khác biệt đó đã khiến cô phải chịu đựng bao giày vò, cũng giống như việc cô bắt đầu bị bàn tán, chỉ trỏ chỉ vì căn bệnh mà bản thân gặp phải. Thêm nữa, mình thấy hình ảnh này cũng có ý nghĩa rất sâu sắc, giống như việc bản thân một người có thể phải đối mặt với những bạo lực ngôn ngữ chỉ vì những khác biệt, những khiếm khuyết họ mang trên người. Không có sự cảm thông nào cả, chỉ có bàn tán, chế nhạo.
“Đi! Mẹ đưa con đi chữa bệnh”
Có nhiều người khi xem phim nói rằng mẹ của Dịch Dao không thương cô ấy, luôn coi cô như cục nợ để đối xử, bởi nếu thương con gái, bà sẽ không lựa chọn làm nghề như vậy, bởi nên khi biết cô mắc bệnh vì mình, bà mới cảm thấy hối hận. Nhưng mình lại thấy, chính cái nắm tay bất chấp tất cả dèm pha để dẫn Dịch Dao đi chữa bệnh của mẹ cô, đã thấp lên một tia sáng của hi vọng, của mong muốn được sống tiếp của Dịch Dao.
Đối với mình, phân đoạn mẹ Dịch Dao kéo tay cô đi chữa bệnh thực sự rất cảm động và là phần đắt giá nhất của bộ phim. Bởi có người mẹ nào không thương con, có chăng chỉ là bà không biết cách thể hiện mà thôi.
Đoạn nhạc lúc Dịch Dao chảy một mạch để nhảy xuống biển
Đến khoảnh khắc khi mọi thứ đã không còn ý nghĩa với Dịch Dao, cô quyết định chạy đi thật nhanh để nhảy xuống biển. Phân cảnh ấy được lồng vào một đoạn nhạc, nghe như tiếng từng bước chân của Dịch Dao chạy đến mặt trời riêng của cô ấy vậy. Dịch Dao không từ bỏ sinh mệnh của chính mình, cô ấy chỉ là tìm đến nơi có ánh sáng mà cô ấy nhìn thấy được. Đó chính là sự giải thoát.
“Cốc Đan, chúng tớ không làm gì cả, không liên quan đến bọn tớ”
Đây chính là lời mà một trong số những người đã hùa theo bắt nạt Dịch Dao đã nói khi thấy cô gieo mình xuống biển. Không phải lời gọi Dịch Dao quay lại, cũng không phải sự hối hận, xin lỗi mà là một lời phủ nhận. Cũng giống như Dịch Dao đã từng nói: “Các người chẳng bao giờ thừa nhận là mình đã từng làm chuyện độc ác, về sau các người chỉ biết nói rằng, sao tôi không nhớ gì hết.”
Đúng vậy, đến cùng họ vẫn dùng mọi cách phủ nhận tất cả. Một năm, hai năm hay vài năm sau đó, cuộc sống của họ vẫn sẽ tiếp tục như vậy, rồi họ sẽ chẳng còn nhớ đến cô ấy nữa. Áy náy hay hối hận cũng chỉ là phút chốc mà thôi. Chỉ có Dịch Dao là vĩnh viễn không còn nhìn thấy được ánh sáng nữa rồi.
Bi Thương Ngược Dòng Thành Sông thật sự là một bộ phim quá hay và cũng lấy đi quá nhiều nước mặt. Đối với mình, bộ phim khắc họa vô cùng rõ nét vấn nạn bạo lựa học đường, đặc biệt là bạo lực bằng ngôn ngữ.
Mình nhớ Dịch Dương Thiên Tỉ từng nói một câu thế này “Nguyện cho mỗi một người thiếu niên các bạn, đều có thể có được một thời thiếu niên ngập tràn yêu thương ấm áp.” Chỉ tiếc rằng, sự ấm áp ấy, Dịch Dao chỉ vừa được cảm nhận một chút rồi lại rời đi.
>>Xem thêm: Hộc Châu Phu Nhân: Tranh cãi Dương Mịch U40 vẫn đóng ngốc bạch ngọt
*Bài viết của Uyên Phương gửi về DienAnh.Net
Nếu yêu thích phim Hoa Ngữ, các bạn có thể xem thêm nhiều bài viết siêu hay tại đây, thông tin phim mới và diễn viên đang hot tại mạng xã hội DienAnh.net cùng những thông tin giải trí nóng sốt nhất nhé!
Facebook - bình luận