Tôi nhận ra ai trong chúng ta cũng muốn một cuộc sống đủ đầy trọn vẹn, nhưng như thế nào là đủ khi lòng tham con người là không đáy? Chúng ta luôn gắn giàu sang và hạnh phúc với nhau, nhưng lại quên mất một khái niệm gần gũi hơn với hai thứ này, đó chính là “biết đủ”.
Biết đủ thì thấy an vui, không tham danh lợi cả đời bình yên
Cuộc đời tưởng chừng như rất dài, nhưng khi sống thì mới biết thời gian chảy trôi thật nhanh. Phải biết vứt bỏ những suy nghĩ thừa thãi và sống cho chính mình. Chỉ cần mỗi người chúng ta biết mình phải làm gì, cần gì thì chắc chắn ta sẽ có được sự bình an, vui vẻ nhưng có mấy ai làm được điều đó, mấy ai gạt bỏ được những mong muốn tham vọng tầm thường để mưu cầu hạnh phúc cho bản thân?
Người biết đủ là người giàu có nhất vì không thấy thiếu thốn. Người tham lam ích kỷ, hà tiện, keo kiệt dù có nhiều tiền vẫn là người nghèo nhất thiên hạ vì tâm toan tính hại người.
Nhà Phật thường răn dạy: "Đừng liếm mật ngọt còn sót lại trên lưỡi dao, sẽ bị họa đứt lưỡi". Vậy mà lắm kẻ mang họa vì mắc chứng bệnh: tham lam vô hạn trong một cõi sống có hạn.
Phật dạy tham lam là một trong những tội lỗi lớn nhất đời người
Trong cuộc sống có những con người không bao giờ biết đến hạnh phúc, mất khả năng thụ hưởng hạnh phúc cũng như không thể đem lại hạnh phúc cho bất cứ ai. Bởi họ luôn bị ám ảnh bởi 2 chữ “danh lợi”. Thường thường người ta nghĩ nghèo thì khổ, bất hạnh, nhưng lắm kẻ có rất nhiều tiền, vẫn không hề cảm thấy thoải mái, an yên! Cứ như một cơn khát vô cùng tận, bao nhiêu tiền vàng không thỏa, thậm chí làm cơn khát tăng thêm mãi như trong câu chuyện ăn khế trả vàng.
Kỳ thực, dục vọng con người là thứ không bao giờ có thể thỏa mãn. Tuy nhiên tham muốn càng cao sẽ càng khổ nhiều. Con người nếu cứ mãi chạy theo của cải, vật chất thì cuối cùng sẽ đánh mất đi mọi thứ.
Mù quáng chạy theo vật chất sẽ khiến bạn cả đời chìm trong lòng tham
Có người vì lòng tham mà sẵn sàng trở mặt, dùng mọi thủ đoạn để có được thứ mà mình muốn. Họ không bao giờ biết hài lòng với những gì mình đang có, “được voi đòi tiên”, quên mất việc tận hưởng cuộc sống hạnh phúc hiện tại. Cứ thế, lòng tham ngày càng lớn dần với những tham vọng ngày càng cao. Một số người vì bị đồng tiền làm mờ mắt nên không còn đủ lý trí để nhận biết nhân nghĩa, phải trái.
Họ sẵn sàng vứt bỏ lương tâm, nhẫn tâm chà đạp lên mọi mối quan hệ, kể cả tình thân để đạt được mục đích cá nhân. Và kết cục họ nhận được sẽ chỉ toàn là khổ đau và những sự đổ vỡ trong các mối quan hệ. Thực ra, mỗi người đều có tham vọng cho riêng mình, quan trọng là tham vọng đó mang tính tích cực hay tiêu cực mà thôi. Có người tham vọng muốn làm ra thật nhiều tiền để giúp người giúp đời, khao khát được giúp ích cho cuộc sống lại là một chuyện khác hoàn toàn, đáng để học theo.
Tiền kỳ thực rất quan trọng, nhưng đừng vì đồng tiền mà bỏ quên tình nghĩa
Nhưng ngược lại, say mê quyền lực, danh vọng sẽ làm họ quên đi những gì mà mình đang có, tham muốn kiếm thêm mà không cần quan tâm đến cảm nhận của người khác. Đây cũng chính là nguyên nhân của những đau khổ.
“Tiền bạc chưa bao giờ và sẽ không bao giờ khiến con người hạnh phúc, trong bản chất nó không có gì có thể tạo ra hạnh phúc. Một người càng có nó nhiều bao nhiêu càng muốn nó nhiều bấy nhiêu” - Benjamin Franklin.
Có đôi lúc, dù vẫn nhận thức được ham muốn nào cần từ bỏ, nhưng ý chí lại không đủ mạnh để gạt bỏ nó. Nếu chúng ta không biết cách kiềm chế lòng tham, biết “đủ” với những gì mình đang có và tận hưởng cuộc sống hiện tại một cách trọn vẹn nhất, những suy nghĩ xấu xa sẽ có cơ hội nảy sinh. Ta sẽ mãi mắc kẹt trong vòng tròn luẩn quẩn của dục vọng không đáy.
Biết đủ dù nghèo khó cũng vui, còn không thì giàu sang vẫn buồn
Vì vậy tôi khuyên bạn rằng, dù trong bất kì hoàn cảnh nào, hãy luôn nhìn nhận mọi thứ theo chiều hướng tích cực hơn, biết ơn với cuộc sống hiện tại bởi điều bạn phớt lờ hiện tại lại chính là mơ ước của biết bao người. Nên mới có câu nói: “Đừng khóc vì không có giày đi bởi vì có người còn không có chân để đứng!”. Chỉ khi biết quý trọng những gì mình đang có, bạn mới có thể có được cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản.
*Bài đóng góp của thành viên mạng xã hội DienAnh.Net.
Facebook - bình luận