Từ khi dự án phim Bóng Đè được công bố, sức nóng của bộ phim dường như chưa bao giờ có dấu hiệu hạ nhiệt. Phần nhiều sự trông đợi đặt vào đạo diễn tên tuổi Lê Văn Kiệt - bảo chứng siêu phẩm phòng vé Hai Phượng và dàn diễn viên quy tụ khá khủng gồm Quang Tuấn, Diệu Nhi, Lâm Thanh Mỹ, Mai Cát Vi. Tuy nhiên, với kịch bản còn khá nhiều sạn, liệu những tên tuổi này có vớt vát được phần nào?
Câu chuyện Bóng Đè kể về ba cha con là Thành (Quang Tuấn), Linh (Lâm Thanh Mỹ) và Yến (Mai Cát Vi) dắt díu nhau về nhà thờ tổ sống sau khi mẹ mất. Vì cả gia đình bị bóng đè toàn tập nên Thành đã mời bác sĩ tâm lí là Hạnh (Diệu Nhi) đến để chữa bệnh cho các con. Tuy nhiên, càng chữa càng ra bệnh, Hạnh từ bác sĩ tâm lí lại trở thành bác sĩ tâm linh trước những hiện tượng khó lí giải bên trong ngôi nhà này.
Đầu tiên, phải nói đến dàn diễn viên với những khuôn mặt điện ảnh không còn xa lạ với khán giả. Chất lượng dàn diễn viên tương đối đồng đều tuy nhiên kịch bản lại khiến họ trở nên một màu, cách diễn vì thế cũng trở nên kém đa dạng. Cách xây dựng hình tượng nhân vật làm mình cảm thấy bực bội phần vì còn quá một màu, một vài nhân vật khác thì mâu thuẫn một cách khó hiểu.
Với nhân vật Thành do Quang Tuấn thủ vai, từ poster phim mình đã thấy anh trợn tròng mắt. Cách trợn tròng này theo anh từ Thất Sơn Tâm Linh qua đến Bằng Chứng Vô Hình và giờ hiển nhiên được lặp lại trong Bóng Đè. Đây có lẽ là lối diễn đặc trưng của anh khi được mệnh danh là “ông hoàng phim kinh dị”, tuy nhiên nó lại khiến người xem vô cùng nhàm chán. Với khung cảnh âm u của gia đình bị bóng đè toàn tập, Thành đã có thể thể hiện biểu cảm đa dạng hơn cho người xem qua nụ cười nhếch mép hay những màn co giật kinh điển.
Nhân vật này còn khiến người xem bực bội bởi sự gắt gỏng xuất phát từ sự bất lực của người đàn ông trong gia đình. Các lời thoại của nhân vật Thành tràn đầy mâu thuẫn và có phần sến sẩm với mình. Khi vừa về quê, biết rằng chỉ còn ba cha con nên anh đã dặn Linh và Yến rằng: “Ba cha con mình phải chăm sóc nhau” vậy mà sáng hôm sau, anh đã lập tức phóng đi như một cơn gió lên huyện để mặc hai cô con gái ở nhà dọn dẹp và bị hù sấp mặt.
Chưa kể đến ở vài đoạn mình thấy khá thương cho Linh khi phải nghe đi nghe lại câu nói: “Con phải chăm sóc em, con phải chăm sóc em…” nhiều lần của cha mình.
Cô bé Yến cũng là nhân vật vướng khá nhiều tình tiết phi lý trong cách xây dựng nhân vật. Đầu phim, Yến tỏ ra khá gai góc trong từng câu chữ khi đáp trả với cha và chị mình, vậy mà khi mê man lại sợ sệt đến lạ kì. Lúc tỉnh khỏi cơn mê, cô tỏ ra bình thản, luôn cố tỏ ra những giấc mơ chả có gì là đáng sợ. Sau lần thấy chị bị bóng đè ở võng, Yến đã có chuyển biến tâm lí khi quyết tâm bảo vệ chị, vậy mà đùng một phát khi thấy cha mình “lên đồng” ở căn gác lại bỏ chị để chạy mất tiêu.
>>> Xem thêm: Bóng Đè: Thành công trong bước đầu khơi gợi sự tò mò của khán giả
Điểm trừ lớn nhất của phim có lẽ việc lạm dụng các màn jump-scare và âm thanh quá lớn. 101 phút trôi qua là 101 phút khiến người xem ngợp thở. Các màn jump-scare chỉ mang tính chất minh họa nhằm hù dọa cho hết hồn chơi chứ chẳng có ẩn ý hay tác dụng gì phía sau.
Tuy nhiên, không khí cũng gợi ra vài phần đáng sợ với các đường hầm tối, hành lang, ban công cũng như nhà vệ sinh không bật đèn. Hình tượng ma trong phim được xây dựng bằng kỹ xảo phải nói là quá “giả trân” khiến mình không khỏi bật cười khi nhìn thấy con ma. Có lẽ thay vào đó cho người thật hóa trang hoặc dùng live-action kết hợp đồ họa sẽ thuyết phục hơn.
>>> Xem thêm: Bóng Đè: Phim dựa trên câu chuyện tâm linh có thật của đạo diễn
Motif “bỏ phố về rừng” rồi gặp ma cũng không phải là motif quá mới mẻ của phim kinh dị Việt Nam. Bóng Đè có nhiều tình huống khá vô lí khi với căn bệnh tâm lí nghiêm trọng như bóng đè mà lại cho con về vùng quê hoang vắng với những người tâm thần khác thoắt ẩn thoắt hiện để chữa bệnh.
Chuyên gia tâm lí Hạnh thì khiến mình không hiểu được là người tốt hay xấu qua đoạn ghi âm rùng rợn mà cô cho Yến nghe mỗi khi ngủ. Hạnh càng ra sức chữa và thay đổi liệu pháp thì cô bé lại càng trở nặng hơn, thậm chí là bóng đè qua luôn cho cô chị là Linh. Kết phim cũng là một đặc sản không mới của phim kinh dị Việt khi hù đã đời rồi khẳng định không có ma, ma là người sống và do các bệnh nhân tưởng tượng ra.
Về đoạn kết, phim còn hạn chế khi đầu voi đuôi chuột. Nếu ở phần mở bài, phim sử dụng những thước phim tài liệu để dẫn nhập tiền đề về bệnh lí bóng đè thì cuối phim kết thúc nhanh khó hiểu. Chưa kể đến phân cảnh trên sân thượng đấu tranh với quỷ dữ cộp mác The Conjuring 2 của James Wan cũng gặp hạn chế tương tự khi Thành không ra đi mà chỉ gãy chân từ độ cao đáng kinh ngạc đó. Cô Hạnh gần như bị đạo diễn bỏ quên, đến phần after-credit thì đạo diễn mới nhớ để “giải cứu”, kết cục nhân vật này ra sao thì cũng chẳng ai rõ và cũng chẳng bỏ ngõ được điều gì.
Với những hạt sạn kể trên, Bóng Đè là bộ phim quy tụ dàn diễn viên khá thực lực nhưng với kịch bản còn chưa chặt chẽ đã khiến các nhân vật trở nên khá mâu thuẫn. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, xét trên mặt bằng chung của phim kinh dị Việt Nam, Bóng Đè có lẽ vẫn xứng đáng để kéo khán giả đến rạp bởi các cảnh quay thiên nhiên đẹp mắt và thông điệp về tâm lí còn mới mẻ.
Bài viết được Xì Bàng gửi về cho DienAnh.net
Cập nhật đầy đủ thông tin về Bóng Đè tại Thư Viện Phim nhé.
Facebook - bình luận