Lối Về Miền Hoa là một bộ phim hiếm hoi làm về nông thôn Việt, phim không chỉ đơn thuần đề cập đến một vấn đề mà đó là một bức tranh muôn màu muôn vẻ của làng quê Bắc bộ với nhiều vẫn đề nổi cộm khác nhau. Dưới góc nhìn đa chiều, chúng ta đã được thưởng thức trọn vẹn những gì đặc trưng nhất, từ chuyện làm nông của cả làng đến chuyện tình yêu đôi lứa. Tất cả đã mang đến sự hấp dẫn cho một bộ phim truyền hình tưởng chừng chỉ có sự khô khan.
>>>Xem thêm: Lối Về Miền Hoa: Tình yêu Nghĩa - Phương, từ thấu hiểu đến thừa nhận
Tôi phải nói thật là khi xem những tập đầu tiên của Lối Về Miền Hoa thì tôi không có quá nhiều sự thích thú dành cho phim, điều ấn tượng duy nhất lúc ấy là sự dí dỏm của chú Lâm (Thanh Bình). Nhưng càng xem thì tôi lại bị cuốn hút bởi nhiều điều khác nhau và tất cả đã góp phần tạo lên một bức tranh tả thực làng quê quá hoàn mĩ, sau đây là một số điểm ấn tượng của bức tranh ấy.
Chuyện người trẻ chọn quê hương là nơi khởi nghiệp
Chắc chắn rồi đây cũng là chủ đề chính của bộ phim, giữa lúc những bạn trẻ đa phần đều chọn phương án là sau khi học xong đại học sẽ bám trụ lại thành phố để kiếm kế mưu sinh. Vì ở thế hệ trẻ như chúng tôi, mọi người đều nghĩ sẽ rất khó khăn nếu quay về mảnh đất mình đã sinh ra để lập nghiệp. Ở vùng quê thứ gì cũng thiếu thốn, chưa kể nói về độ phát triển cũng không thể bằng thành phố được, ở nơi đầu cầu kinh tế thì cơ hội có nhiều hơn, dễ dàng chọn được công việc mình mong muốn.
Thì bộ phim lại như mang đến một làn gió mới thổi vào những người trẻ, làm cho chúng tôi bừng tỉnh hóa ra khởi nghiệp ở nông thôn cũng có nhiều điều hay. Được bà con làng xóm giúp đỡ, mang kiến thức của mình học được để áp dụng vào những công việc ở thôn quê. Và còn một điều quan trọng hơn hết là ta sẽ được ở cạnh gia đình, với tôi đó là nguồn động lực lớn nhất để hương về quê hương. Dù có kiếm được nhiều tiền ở thành phố rồi gửi về quê, cũng không bằng những phút giây ở cạnh gia đình mình, cùng ăn bữa cơm đạm bạc nhưng vui vẻ.
Đương nhiên là chuyện khởi nghiệp thì dù ở đâu cũng sẽ gặp những bất cập khó khăn, vì những người trẻ còn thiếu quá nhiều thứ, chưa từng trải cũng chẳng có kinh nghiệm thực tế. Nhưng khi chúng ta khởi nghiệp ở quê thì ta sẽ có một hậu phương vững chắc, cha mẹ cũng không phải có những ngày chờ tháng đợi, lo lắng cho con cái. Cha mẹ đã vất vả vì chúng ta cả đời, giờ có ở sát bên thì họ cũng chẳng thể hiểu hết được là con đang làm gì, nhưng chí ít vẫn được nhìn thấy chúng ta và tôi tin là cha mẹ thì lúc nào cũng ủng hộ con cái hết mình cả về tinh thần lẫn vật chất.
Phản ánh chân thực những mặt tối đang xảy ra tại làng quê Việt
Có quá nhiều vấn đề “tối” được đề cập đến trong bộ phim. Là vấn nạn dùng những chế phẩm hóa học trong nông nghiệp của những người nông dân mang hệ tư tưởng cũ, chăm sóc nông nghiệp vốn khó khăn nên thứ gì họ cũng muốn có tác dụng nhanh và rẻ. Hệ quả là người nông dân dần kiệt quệ về sức khỏe, đất đai bị ô nhiễm rất khó để khôi phục nguyên trạng, ảnh hưởng xấu cứ kéo dài mãi đến cả những thế hệ sau.
Là chuyện mua bán những cây lan var đột biến, hiện tại vẫn còn đang âm ỉ làm xôn xao trên khắp cả nước. Những “thương vụ bạc tỉ” được sinh ra từ những cái cây, ki lan bé cỏn con nhưng đem lại siêu lợi nhuận cho chủ nhân, nhưng tất nhiên làm giàu nhanh như vậy sẽ kéo theo hàng loạt vụ “lùa gà”. Như trong phim thì Lợi (Trọng Lân) ăn ngay một màn xí gạt của tên Mạnh (Tuấn Cường).
Tất cả như một lời cảnh tỉnh hết sức đáng giá cho những người đang tự đưa mình vào những kế hoach vô hình mà không hề hay biết. Bộ phim còn rất cố gắng gửi đến thông điệp “nói không với những chế phẩm hóa học”, những bình thuốc trừ sâu hay thuốc bảo vệ thực vật cần phải được vứt bỏ ngay hôm nay và thay thế bằng những chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường.
“Những chiếc camera chạy bằng cơm” – Đặc trưng không thể thiếu của người Việt
Những cô hàng xóm được mệnh danh là “những chiếc camera chạy bằng cơm” cực kì chất lượng, một thứ mà chắc chỉ Việt Nam mới có. Đương nhiên là ở thành phố hay thôn quê thì cũng có những người hàng xóm như thế, nhưng ở vùng nông thôn thì mọi thứ được hiện lên rõ hơn. Sự gắn kết của mọi người nhiều hơn, ví dụ bạn đi về quê thì bạn sẽ nhận ra một điều là trong một phạm vi rộng lớn nhưng ai cũng biết nhau, từ tên tuổi, thói quen cho đến tính cách, lí lịch.
Thế nên đi đến đâu chúng ta cũng không thể thoát khỏi “tai mắt” của hàng xóm, điều này đôi khi bắt nguồn từ sự quan tâm tốt đẹp của mọi người trong làng dành cho nhau, nhưng thứ gì làm quá thì cũng không tốt và nó sẽ biến chất thành soi mói, tọc mạch, nên việc “chuyện nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường” là điều xảy ra như cơm bữa.
Cũng vì thế nên bao nhiêu cái xấu, cái tốt của một người đều được họ truyên tai nhau hết cả, như Nghĩa (Tô Dũng) được cả làng quý mến vì học sâu, hiểu rộng, cậu còn có thêm cái danh kĩ sư nông nghiệp nên mặc nhiên hóa thành tấm gương sáng để các bà mẹ dạy con là hãy học theo anh Nghĩa kìa, vừa giỏi dang, vừa hoạt bát. Ở chiều hướng ngược lại thì Lợi lại như một điều gì đó tệ hại được họ đem ra để răn đe con cái, dù Lợi đã cố gắng thay đổi rất nhiều nhưng những “vệt đen” trong quá khứ khiến xóm làng vẫn cứ nghĩ xấu cho cậu.
Hay chẳng nói đâu xa, ngay cả chú Lâm, người có một quá khứ bất hảo, sau bao năm vẫn bị người ta đồn đoán những điều không tốt. Nhưng chú vẫn cứ sống vui, mặc kệ cái sự đời nhiễu nhương ngoài kia nói gì về mình, tất cả chỉ được chú thể hiện bằng hành động. Minh chứng rõ ràng nhất là chú đã thuyết phục được Nghĩa cho chú lấy chị Hoa làm vợ, một điều tưởng chừng như không thể và Lợi cũng đã học theo bố, dần đàn cho mọi người thấy cậu không phải là một người tệ hại như mọi người vẫn nghĩ.
Những nhân vật “đặc biệt” như chú Lâm – chị Hoa, luôn là nơi để người ta gieo những lời đồn “tam sao thất bản"
Có thể nói ở mỗi một làng lại xuất hiện một số “người đặc biệt”, họ đặc biệt ở đây không phải vì thói hư tật xấu, tài năng mà là có một hoàn cảnh đặc biệt, khác với phần còn lại. Bỗng dưng một ngày, họ lại trở thành “trung tâm” của những tin đồn vô căn cứ. Trong Lối Về Miền Hoa thì chú Lâm và chị Hoa là hai nhân vật được chọn để nói lên diều này, như đã nói ở trên thì chú Lâm là trong quá khứ là một “tay anh chị” khét tiếng, lại góa vợ sớm nên người ta đồn đoán rằng “sau khi vợ ra di thì chú mới hoàn lương”. Chú đã xác nhận: “Ở đời thì đâu ra nhiều chuyện ly kỳ đến thế” nhưng những lời đồn cứ thế vang xa đến Lợi là con trai chú vẫn phải thắc mắc về quá khứ của bố.
Chị Hoa, người quyết định ở vậy để chăm lo cho em trai là Nghĩa. Chị cũng tương đồng như chú Lâm vậy, nếu chú là bố đơn thân thì chị cũng chẳng dễ dàng hơn là bao khi thân gái một mình chăm sóc cho em. Để rồi người ta lời ra tiếng vào, gán ghép chị với đủ người đàn ông làng trên xóm dưới, thậm chí tôi còn nghĩ những lời người ta đồn còn độc địa hơn thế nhiều. Không lấy chồng cũng bị nói, nhưng lấy chồng rồi cũng chẳng được yên, khi người chị chọ lại chính là chú Lâm, người đàn ông góa vợ giàu nhất làng.
Người ta đồn chị lấy chú vì mớ tài sản kếch xù kia, vì đâu ai chưa chồng chịu lấy một người góa vợ, còn mang bệnh trong người. Nhưng miệng đời muôn đời là thế, người ta đâu thể tường được việc bên trong và cứ đưng ngoài phán như là tường tận lắm vậy.
Tình yêu đôi lứa ở thôn quê
Bức tranh nào cũng có những mảng tối và mảng sáng, sau hai điều không mấy tích cực thì ở cuối bài viết tôi muốn mang đến cho mọi người một gam màu hồng, màu của tình yêu. Tưởng chừng như không liên quan đến bức tranh làng quê nhưng nó lại là một thứ không thể thiếu, hẳn là các bạn không thể nào quên chú Lâm đã cố gắng thế nào để có được trái tim của chị Hoa, hay Lợi – Thanh (Anh Đào) sau bao hiểu lầm đã đến được với nhau, gây ấn tượng với nụ hôn làm bao trái tim của những khán giả như tôi phải thổn thức, Bão (Mạnh Quân) – Tố (Hàn Trang), cặp đôi mới nghe tên thôi đã thấy được sự dữ dội.
Tình yêu của những đôi ở làng quê mang đặc trưng của sự giản dị, không là những món quà xa xỉ mà đó là những thứ mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn. Tình cảm thì cứ thế nảy sinh theo từng ngày ở cạnh nhau mà không cần ai nói với nhau lời nào, cứ bước ra chạm mặt, bước vào lại thấy nhau thì không phải lòng nhau cũng uổng phải không nào. Thứ tình yêu nhẹ nhàng nhưng bên trong mỗi người tôi lại cảm thấy sự mãnh liệt như ngọn lửa đang cố gắng bùng lên giữa đêm đông để sưởi ấm cho lòng người.
Chỉ còn Nghĩa và Phương (Quỳnh Châu) là chưa thể đến được với nhau, tôi hi vọng Nghĩa sẽ đi tìm người yêu mình và nói hết ra những tình cảm mà cậu cố gắng cất giữ bấy lâu để chúng ta có một cái kết viễn mãn cho một bộ phim yên bình như làng quê vậy. Đó là tất cả những ấn tượng của tôi về bức tranh làng quê trong Lối Về Miền Hoa, Nếu bạn còn ấn tượng với điều gì khác thì hãy để lai suy nghĩ của mình bên dưới phần bình luận nha.
>>>Xem thêm: Lối Về Miền Hoa: Đừng mãi sống buồn rầu, dù có chuyện gì hãy cứ vui…
Bài viết của Lindo trên DienAnh.Net
Nếu bạn cũng mê phim Việt thì theo dõi nhiều bài viết hơn tại đây nha! Còn muốn “hóng hót” tin tức hay ho về những phim khác thì nhanh tay click vào mạng xã hội DienAnh.Net để đọc thêm nhiều điều hay ho nha.
Facebook - bình luận