Trí nhớ là một loại tài sản vô giá và đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Một trí nhớ tốt sẽ mang lại nhiều giá trị trong học tập và công việc. Vậy phải làm thế nào để duy trì một trí nhớ? Các nhà khoa học chứng minh rằng: “Trí nhớ của mỗi người có thể rèn luyện để tốt hơn chứ không phải do bẩm sinh mà có”. Dưới đây là một vài cách để bạn có một trí nhớ “siêu đẳng”:
Bộ não cũng cần được rèn luyện liên tục để gia tăng trí nhớ
1. Hiểu rõ vấn đề
Để nhớ tốt, điều đầu tiên bạn cần làm là hiểu được toàn bộ nội dung cốt lõi của vấn đề. Khi đã hiểu sâu được nội dung, thông tin sẽ được mã hoá vào bộ nhớ dài hạn. Ngoài ra, bạn còn có thể sắp xếp các nội dung đó theo thứ tự để tạo thói quen cho bộ não. Nên nhớ, đừng ép bộ não tiếp nhận quá nhiều thông tin, việc nhồi nhét một cách máy móc chỉ giúp bạn nhớ tạm thời và hoàn toàn không thể duy trì được lâu dài nếu thông tin không được sử dụng đến.
2. Sự liên tưởng
Khi bạn đang tìm tòi, nghiên cứu một tài liệu mới, hay đọc một quyển sách mới, một cách để giúp bạn nhớ nhanh và lâu hơn đó chính là dùng sự liên tưởng.
Liên tưởng, tượng tượng đến những thứ đã quen thuộc
Hãy cố gắng vận dụng bộ não của mình và liên hệ vấn đề bạn đang quan tâm với những thông tin bạn đã biết. Chủ động thiết lập các mối quan hệ cho các sự vật, thông tin sẽ làm tăng khả năng ghi nhớ của bộ não. Việc liên tưởng không chỉ giúp bạn rèn luyện trí nhớ mà còn góp phần làm cho sự liên tưởng của bạn trở nên phong phú, sinh động hơn.
3. Nhắc lại vấn đề
“Mưa dầm thấm lâu” là phương pháp rèn luyện trí nhớ hữu hiệu nhất. Nghiên cứu cho thấy nếu bạn nạp thông tin mới mà không sử dụng, trong vòng 1 tiếng đầu, chúng sẽ mất đi một nửa. Sau 24 giờ, lượng thông tin thất thoát sẽ tăng lên tới 70%. Con số sau 1 tuần là 90%, nghĩa là hầu hết thông tin bạn học được đã biến mất khỏi bộ nhớ.
Liên tục nhắc lại những vấn đề quan trọng
Để cải thiện việc tiếp thu và lưu giữ kiến thức, thông tin mới cần phải được củng cố và lưu trữ an toàn trong bộ nhớ dài hạn của bạn. Vì vậy việc lặp đi lặp lại một thông tin nhiều lần và liên tục sẽ giúp bạn ghi nhớ được lâu nhất. Tuy nhiên, hãy ghi nhớ việc hiểu rõ được bản chất vấn đề cũng rất quan trọng, đừng chỉ lặp lại như một cái máy, điều này sẽ làm ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng ghi nhớ của não bộ.
4. Đặt câu hỏi
Khi đối diện với một lượng thông tin mới, thay vì làm theo và cố gắng ghi nhớ những nội dung có sẵn, hãy thử sáng tạo thêm bằng cách tự đặt ra vấn đề và cố gắng giải quyết nó. Việc này sẽ bắt buộc não bộ của bạn phải linh động để tìm hướng trả lời cho chính câu hỏi của bạn. Đây vừa là cách giúp bạn ôn lại kiến thức cũ vừa giúp bạn ghi nhớ được thêm nhiều nguồn thông tin mới.
Đặt câu hỏi giúp kích thích bộ não giải quyết vấn đề từ đó nhớ lâu hơn
5. Giữ vững tinh thần lạc quan
Giữ cho tinh thần luôn khỏe mạnh là cách để nuôi dưỡng bộ não bởi bạn sẽ không thể tập trung ghi nhớ nếu đang ở trong trạng thái bồn chồn, căng thẳng. Các kiến thức mà bạn đã ghi nhớ được sẽ bị mất đi và dần bị đảo lộn nếu tâm trạng bạn không ổn định. Vậy nên hãy luôn giữ cho mình sự lạc quan, nhìn mọi thứ theo chiều hướng tích cực dù trong hoàn cảnh bạn nhé!
6. Tích cực tham gia các hoạt động thể chất.
Theo các bác sĩ, các hoạt động thể chất làm giảm đề kháng insulin, giảm viêm và kích thích giải phóng các yếu tố tăng trưởng - các hóa chất trong não ảnh hưởng tới sức khỏe tế bào não. Các hoạt động thể thao sẽ giúp cải thiện trí nhớ, cải thiện chức năng điều hành của não bộ, tránh làm sa sút trí tuệ... Ngoài ra, hoạt động thực tế cũng là cách để bộ não thư giãn sau nhiều giờ làm việc căng thẳng.
Thể dục thể thao không những nâng cao sức khỏe mà còn cải thiện trí nhớ
7. Ăn uống khoa học
Lượng thức ăn nạp vào cũng rất quan trọng đến sự phát triển của não bộ. Hãy tạo cho mình một thói quen ăn uống lành mạnh, tránh nạp nhiều đường vào cơ thể. Tiêu thụ quá nhiều đường có thể làm gia tăng các vấn đề sức khỏe của não bộ như rối loạn nhận thức, các vấn đề về ghi nhớ hay thậm chí là nguyên nhân mắc bệnh alzheimer.
8. Luôn ngủ đủ giấc
Cuối cùng, giấc ngủ sẽ là yếu tố quyết định chất lượng ghi nhớ, là một sự trợ giúp mạnh mẽ trong việc ghi nạp các kiến thức. Các nhà khoa học cho biết, trong khi ngủ, bộ não sẽ củng cố các thông tin được tiếp nhận trong ngày vào trí nhớ dài hạn. Trong khi đó, một giấc ngủ trước khi học kiến thức mới cho phép não bộ của bạn trở nên sáng suốt hơn.
Ngủ đủ giấc giúp phục hồi năng lượng và tăng cường sức khỏe tinh thần
Kết: Trên đây là một số cách rèn luyện trí nhớ mà tôi tổng hợp lại, giúp bạn có một trí nhớ như các siêu trí tuệ Việt Nam. Hãy chọn ra phương pháp phù hợp với bản thân và dành thời gian cho việc rèn luyện trí nhớ mỗi ngày, nó không chỉ giúp cho công việc của bạn được thuận lợi mà còn là cách làm cho cuộc sống của bạn thoải mái hơn.
*Bài đóng góp của thành viên mạng xã hội DienAnh.Net.
Facebook - bình luận