Lười có rất nhiều loại, lười ở đây không mang ý nghĩa phổ thông mà lại chính là thái độ sống lạc quan, ung dung, tự do tự tại. Và lười đúng thời điểm là điều mà không phải ai cũng làm được. Chữ “lười” thường sẽ đi kèm với những điều tiêu cực. Tuy vậy, lười sân si, lười so đo tính toán chi li... thì lại là một chuyện rất đáng mừng. Tránh xa khỏi những điều phiền nhiễu, thị phi, con người ta sẽ có một cuộc sống nhàn hạ, dễ thở hơn.
Muốn sống an nhàn, bình lặng thì nên học cách “lười sân si” và “lười toan tính”
1. Lười động khẩu: Tránh thị phi
Tự ngẫm lại bản thân khi nhàn rỗi tốt hơn việc đàm tiếu, nói lời không hay sau lưng người khác. Những mâu thuẫn dù lớn hay nhỏ, đa số đều xuất phát từ những lần tán gẫu tưởng chừng như vặt vãnh, ngắn ngủi.
Tuân Tử nói: “Nói năng hợp lý, đó gọi là hiểu biết; im lặng đúng lúc, đó cũng là hiểu biết”. Ngôn ngữ là thứ có thể thể hiện rõ nhất mức độ tu dưỡng của một người, nói năng hợp lý là một loại trí tuệ, mà im lặng đúng lúc cũng là một loại trí tuệ. Khi bàn tán về người khác, nếu bạn không biết giữ miệng, nói mà không suy nghĩ, nghĩ gì nói nấy, tất nhiên rất dễ khiến người khác chán ghét.
Tai họa từ miệng mà ra, biết lúc nào cần im lặng thì mới mong cuộc sống bình an
Người biết giữ miệng, làm gì cũng chừa lại đường lui cho mình bất kể trong trường hợp nào, họ đều có thể làm yên lòng người khác, tự nhiên đi tới đâu cũng sẽ được chào đón. Lười buôn chuyện thị phi thì cuộc sống sẽ dễ chịu hơn, học cách giữ miệng thì cuộc đời này sẽ không còn điều gì phải hối hận. Điều không nên nói thì không nói, điều không nên hỏi thì không hỏi, hiểu ý mà không vạch trần, nhìn thấu mà không nói ra, đó là bậc đại trí.
2. Lười động tay: giảm thù ghét
Làm người thì nên hoàn thành tốt phần việc của mình, tránh bao đồng đến công việc của người khác. Mỗi người cần có cuộc sống riêng, ai cũng có vấn đề cần giải quyết, hà cớ gì lại vơ thêm chuyện của người khác vào mình. Kiểu người chỉ tay năm ngón là kiểu người không ai muốn kết bạn nhất. Bởi mỗi người có một cách sống riêng, không phải chuyện của mình thì chớ góp ý nhiều lời gây phiền nhiễu tới cuộc sống của người khác.
Chuyện gì giải quyết được bằng lời nói thì đừng nên động tay chân, tránh thù ghét
Cuộc đời ai người nấy trải nghiệm, bạn không thể tự quyết định số phận hay hướng đi của họ dù cho có thân thiết đến mấy. Hãy cứ để họ tự chiêm nghiệm cuộc sống riêng, đừng bao đồng kẻo rước họa vào thân. Trong mỗi gia đình, hàng ngày cũng chớ hoa tay múa chân, lên giọng chỉ đạo người cùng nhà. Ai cũng cần có không gian riêng, làm vậy chỉ càng tạo thêm khoảng cách và mâu thuẫn khó nói giữa các thành viên.
Mối quan hệ của con người đẹp nhất là khi duy trì khoảng cách phù hợp, mỗi người cần có một khoảng không gian cá nhân, một lãnh thổ của riêng mình. Không ai phạm ai, chuyện ai nấy quyết, đấy là cách duy trì các mối quan hệ bền vững, tốt đẹp. “Lười” một chút phúc khí nhiều thêm một phần, biến nguy thành an, gặp dữ hoá lành. “Lười” đúng chỗ là một loại trí tuệ, tu dưỡng tâm hồn, cho cuộc sống thăng hoa, nhẹ nhàng hơn.
Chuyện trò để cùng thấu hiểu và dành cho nhau những khoảng lặng trong đời
3. Lười toan tính: giảm nặng lòng
Có hai kiểu người điển hình trên đời: một kiểu người sống nhẹ nhàng bình yên, không màng vật chất; kiểu còn lại luôn xem trọng tiền bạc, của cải. Những người như vậy thường luôn so đo tính toán chi li từng chút một. Họ luôn cảm thấy ghen tị với sự thành công của người khác, luôn tìm mọi cách để đoạt lấy và sẵn sàng đánh đổi bằng bất cứ giá nào, vì vậy, tìm kiếm sự thanh thản, hạnh phúc trong cuộc sống của họ là rất hiếm.
Lòng tham của con người là vô đáy, biết cảm thấy đủ đúng lúc, kiềm chế được những ham muốn vật chất tầm thường, chỉ có như vậy ta mới có được sự cân bằng cho cuộc sống. Cuộc sống không nên so đo, tính toán, chỉ cần hạnh phúc, bình an là điều mà mọi người đều mong muốn. Đừng vì danh lợi, giàu sang, hơn thua tranh giành với người khác mà đánh mất bản thân. Hãy cảm thấy vui mừng cho hạnh phúc của người khác thay vì cảm thấy mất mát, tự ti.
Đừng quá so đo tính toán với người mà ta quan tâm để giảm gánh nặng trong lòng
Điều đó hoàn toàn không đem lại hạnh phúc cho bản thân mà còn tự làm khổ chính mình. Chúng ta luôn ở trong trạng thái u buồn, phiền muộn là bởi lòng chứa đựng quá nhiều những mưu mô, toan tính. Đời người ngắn ngủi, đừng toan tính thiệt hơn, ôm hết vào người chỉ làm bạn thêm phiền muộn. Tại sao ta không thử cởi mở tấm lòng, xem nhẹ được mất, thành bại. Nghĩ thoáng một chút, giản đơn thêm một chút, cuộc sống ta sẽ càng thêm vui vẻ.
*Bài đóng góp của thành viên mạng xã hội DienAnh.Net.
Facebook - bình luận