Nếu ta hiểu hạnh phúc như là một quá trình cân bằng nội tâm, không buồn, không vui, không lo âu, sợ hãi và không hi vọng cũng không thất vọng thì thiền định sẽ thực sự giúp chúng ta hạnh phúc. Khi đó tâm trí ta lại trở về với hình tượng của một chiếc hộp trống rỗng, không chứa đựng phiền não và những vướng mắc vào một hay nhiều đối tượng bên ngoài.
Thiền định là liều thuốc cực kỳ hữu hiệu nhưng hoàn toàn miễn phí
Chúng ta cảm thấy bất an với một vụ máy bay rơi trên bầu trời châu Âu trong khi lại đang sống ở cách xa nơi đó khoảng mười ngàn cây số. Ta bắt đầu hình dung về việc mình sẽ có mặt trên một chuyến bay nào đó trong tương lai và ngồi yên bất động không thể thở được khi cơ trưởng đột nhiên thông báo phi cơ gặp sự cố kỹ thuật và không thể hạ cánh.
Ta thấy chính mình như là nạn nhân khi truyền thông rầm rộ đưa tin về sự hỗn loạn ở Trung Đông xa xôi trong khi ta đang đi du lịch ở tận châu Đại Dương cách đó chừng nửa vòng Trái đất và ta bắt đầu lo lắng, hoảng sợ về an ninh ở tại nơi ta đang sinh sống.
Tin tức về bất kỳ chuyến bay gặp trục trặc cách xa hàng nghìn cây số nào cũng khiến ta lo lắng
Trải qua quá trình tiến hóa hàng triệu năm, thiên nhiên đã dạy cho con người cách để thoát ra khỏi những mối nguy hiểm thường trực bằng giác quan nhạy bén ẩn sâu trong tiềm thức. Một con sói đang chết đói có thể là một hung thần. Một cơn địa chấn nhẹ có thể là dấu hiệu chuẩn bị tạo nên động đất. Hoặc trong bóng tối, con người phải ngụ mình ở sâu trong hang động để tránh đi những mối đe dọa từ dã thú hay từ một người thợ săn nào đó lầm tưởng rằng đồng loại của mình là động vật.
Đó là bản năng sinh tồn của con người. Thậm chí có nguyên cả một hệ thống tinh vi chuyên xử lý những trường hợp nguy hiểm với khả năng cao đe dọa sự tồn tại của chúng ta. Hệ thống này liên kết những sợi thần kinh phụ trách thị giác với amygdala (hạch hạnh nhân) – trung tâm xử lý các yếu tố gây tạo cảm xúc ở con người, và sợ hãi chính là cảm xúc mạnh mẽ nhất tồn tại trong quá trình nhận thức mà chúng ta đang có.
Bản năng của chúng ta là trốn chạy khỏi những mối nguy hiểm đến sự sống
Thiền định, ngoài những nhiệm vụ cao cả được hướng đến trong truyền thống tâm linh của Phật giáo và một số tôn giáo khác thì còn có một vai trò đơn giản hơn được áp dụng trong trường hợp này, đó là giảm thiểu sự kết nối “khu vực xử lý cái tôi” của chúng ta với “trung tâm sợ hãi” amygdala, nghĩa là thiền định sẽ tích cực hạn chế sự gắn kết giữa lo lắng hay sợ hãi và cái bản ngã tầm thường của con người.
Trước tiên chúng ta cần hiểu bản ngã là gì. Con người có xu hướng đối chiếu những sự việc xảy ra bên ngoài với bản thân của mình và đó là lúc để bản ngã (hay cái tôi) của chúng ta được bộc lộ rõ ra.
"Cái tôi" của chúng ta thường lớn hơn những gì được thể hiện ra bên ngoài
Ta thường cho mình là trung tâm của vũ trụ, là tâm điểm để người khác phải hướng vào và coi trọng. Chúng ta nhìn nhận sự việc qua lăng kính của riêng bản thân, còn người khác thấy sự việc đó diễn ra như thế nào thì cũng mặc kệ vì chúng chẳng ảnh hưởng gì đến cách mà ta cảm nhận về ngoại cảnh. Từ đó sẽ xảy ra những cảm tính chủ quan được bộc lộ thông qua biểu cảm của chúng ta mà hai trạng thái lo âu, sợ hãi là tiêu biểu nhất.
Chúng ta lo lắng rằng không biết người khác đang nghĩ gì về mình, họ đang phán xét những sai trái gì từ hành động của mình hay họ đang có mưu kế gì để hủy hoại sự thành công của mình. Ta lo rằng mình sẽ mất đi vị trí quan trọng trong lòng một ai đó và bắt đầu nghi ngờ người khác, nghi ngờ chính bản thân mình.
Chúng ta cũng sợ hãi những chuyện kinh thiên động địa của thế giới sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống bình an của mình kể cả khi nó đang xảy ra ở tận đâu đó ngoài sao Hỏa (như việc tìm thấy dấu tích của sự sống) trong khi ta vẫn đang tồn tại dưới bầu khí quyển của Trái đất.
Sự lo lắng và bất an thường xảy đến khi chúng ta nghĩ về những thứ mình không thể kiểm soát
Trên thực tế, phần lớn là đang không có chuyện gì to tát xảy ra mà ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của chúng ta cả và chúng ta vẫn đang tồn tại đơn giản như cách mà ta được sinh ra để sống một cuộc đời đẹp đẽ. Những suy nghĩ của người khác về chúng ta chỉ là một ảo tưởng trách nhiệm đối với bản thân và tác động của những sự kiện trên thế giới lên một cá nhân cũng là một loại ảo tưởng khác, ảo tưởng về sự ảnh hưởng.
Thiền định thường xuyên hơn sẽ giúp chúng ta loại bỏ dần bản ngã ra khỏi tâm trí, kéo giãn sợi dây kết nối giữa trung tâm sợ hãi và cái tôi bản năng, từ đó ta có thể nhìn nhận mọi việc trên phương diện khách quan hơn, cảm nhận những thay đổi một cách trọn vẹn và bao quát, chứ không còn đánh giá sự kiện bằng con mắt cá nhân chủ quan và cho rằng bản thân mình là trung tâm của mọi hiện tượng xảy ra trên thế giới.
Thiền định thường xuyên giúp loại bỏ trạng thái tâm lý tiêu cực dễ dàng
Kết: Tác dụng của thiền định đơn giản là làm giảm cái tôi của chúng ta xuống mức thấp nhất để có thể bộc lộ mạnh mẽ ra bên ngoài và dần loại bỏ nó ra khỏi tâm trí, giúp chúng ta tránh phải làm quá mọi việc lên, từ đó suy xét những gì đang xảy ra xung quanh cuộc đời mình với một thái độ bình thản, tĩnh tại.
Facebook - bình luận