Tại sao chúng ta không nên ruồng bỏ và phủ nhận nỗi đau trong đời mình? Bởi nỗi đau khổ là một chất liệu tạo nên cuộc sống chúng ta đang có. Chỉ khi bước chân vào cuộc sống và trải nghiệm dưới tư cách là những cá nhân đang đi tìm mục đích cuộc đời, chúng ta mới hiểu được rằng việc triệt tiêu khổ đau là điều không thể và càng không nên áp đặt bản thân phải tiêu diệt nó bằng mọi giá như thể khổ đau là kẻ thù của con người.
Đừng rũ bỏ nỗi buồn, vì nó cũng là chất liệu nuôi dưỡng tâm hồn
Chúng ta phải tự mình hiểu rằng niềm đau không chỉ vô thường đến rồi đi như hạnh phúc mà chính nỗi đau sẽ cho chúng ta cải thiện bản thân và ngày càng thăng hoa trong cuộc sống. Hãy luôn tâm niệm rằng một ngày của ta dù vui hay buồn thì cũng là một ngày, dù hạnh phúc hay khổ đau thì ta cũng đang trải qua hai bốn giờ quý giá mà tạo hóa ban tặng. Mặt khác, một vài nỗi đau có thể xảy đến để thúc đẩy chúng ta tiến về phía trước.
Nỗi đau thường xuất hiện một cách tự nhiên khi bản thân chúng ta đang tự tạo cho mình những năng lượng tiêu cực. Nó hay bị gán cho cái mác là triệu chứng rối loạn tâm lý hoặc tệ hơn nữa là nguyên nhân chính gây nên căn bệnh trầm cảm. Thực tế đúng là có càng nhiều đau khổ, khả năng trầm cảm càng cao.
Có trải qua cơn mưa rào mới thấu hiểu niềm hạnh phúc của ngày tươi sáng
Nhưng nếu chỉ là những nỗi buồn nhỏ lẻ xảy đến và không có dấu hiệu đáng lo ngại cho các chứng rối loạn tâm lý điển hình thì không đồng nghĩa với trầm cảm mà ngược lại, khổ đau còn tạo ra động lực thúc đẩy chúng ta tiến xa hơn trong việc kiến tạo những thành công tốt đẹp trong cuộc sống.
Tạo hóa tạo ra nỗi buồn không phải để trừng phạt con người mà để cảnh tỉnh và đánh thức chúng ta khỏi những cơn say ngủ của sự thỏa mãn. Chúng ta có thể đã ẩn náu quá lâu trong một mối tình viên mãn nên một vài trục trặc nhỏ xảy ra để ta phải ngẫm nghĩ cách thức giải quyết, tìm ra nguyên nhân gây nên mâu thuẫn trong một mối quan hệ. Nỗi buồn ở đây có thể là một ánh nhìn hờ hững từ nửa kia của ta, từ đó ta chọn cho mình cách trân trọng, đối xử tốt hơn với người bạn đời đang bên cạnh.
Nỗi đau cũng là nền tảng giúp chúng ta trưởng thành
Chúng ta cũng có thể đã quá tự tin vào bản thân trong một mối quan hệ bạn bè song phương thuần túy rồi một mâu thuẫn nhỏ xảy đến đem lại cho ta và người bạn những nỗi bất an, bực tức, hằn học nhau không đáng có. Vì lẽ đó, nỗi buồn sẽ dạy cho chúng ta một bài học về cách trân quý những suy nghĩ và hành động khác biệt của người bạn đang bên cạnh ta, từ đó hai người sẽ ngày càng hiểu rõ tâm tư tình cảm của nhau để cùng thắt chặt hơn tình bằng hữu mật thiết.
Nỗi buồn khơi gợi cho con người một động lực hàn gắn. Đó có thể là tình bạn hoặc tình yêu và đôi lúc cũng là những thách thức cho người hướng nội tiến gần hơn với các hoạt động xã hội nhằm tạo ra giá trị cá nhân đối với cộng đồng. Ta không thể sống mãi với cái vỏ bọc tiêu cực mà tâm thức tạo ra cho một bản thể hướng nội. Sẽ đến lúc ta phải thay đi lớp áo đã từ lâu che phủ giá trị nội tại của mình và đưa bản thân đến gần hơn với cộng đồng.
Chúng ta trở nên thân thiết hơn sau khi trải qua nỗi buồn và mối quan hệ được hàn gắn
Ngoài những nỗi buồn vu vơ về những xích mích của chúng ta với đối phương trong một vài mối quan hệ thân mật, còn có một nỗi buồn nặng nề hơn mang tên chia xa, đặc biệt là khi không bao giờ còn có cơ hội được gặp lại người ta từng gắn bó nữa. Nhưng sự chia xa cũng là cơ hội để thức tỉnh con người khỏi sự ràng buộc với bất kỳ cá nhân nào khác.
Tạo hóa dạy chúng ta biết được rằng không có gì trên đời này tồn tại vĩnh cửu vì thế hãy học buông bỏ. Đầu tiên là buông bỏ dục vọng chiếm hữu một thứ gì hay một ai đó mãi mãi. Sau đến là buông bỏ cội rễ của tội lỗi là tam độc: tham lam, sân hận, si mê. Cuối cùng là buông bỏ tất cả các sự vật hữu vi vô thường của cõi giới con người để từ đó có khả năng vượt thoát ra khỏi vòng kìm tỏa đau khổ của sinh mạng bị luân chuyển qua từng kiếp sống.
Tạo hóa dạy chúng ta học cách buông tay để đạt được hạnh phúc đích thực
Kết: Nỗi buồn phát sinh từ sự mất mát đem đến cho chúng ta một vũ trụ quan hoàn toàn mới mẻ. Từ trong sâu thẳm của ý thức, ta không bao giờ nghĩ một ai đó đã gắn bó quá thân thiết với ta từ lâu phải rời xa ta vĩnh viễn. Nhưng thực tại lại luôn khắc nghiệt như vậy. Nó buộc ta phải học cách chấp nhận mọi việc theo lẽ tự nhiên. Vậy nên tạo hóa “ban tặng” nỗi đau này cho con người không gì khác ngoài mục đích trao cho ta sức mạnh sống cùng nỗi cô độc. Hãy coi khổ đau là người bạn đồng hành cùng góp mặt với hạnh phúc trong cuộc đời để từ đó tập sống buông bỏ và luôn được bình an.
Facebook - bình luận