Sống ở đời, người càng thông minh tài giỏi càng không bao giờ khoe khoang những gì mình đang có. Tôi hiểu một điều rằng, bây giờ càng phô trương thứ gì, tương lai sẽ càng dễ đánh mất đi chính thứ đó. Và có hai điều quan trọng trong cuộc sống mà càng không khoe khoang, ta lại càng có nhiều hơn.
1. Thứ nhất là sự giàu có của chính mình
Những người có thói quen tiêu xài hoang phí cũng thường bộc lộ một đặc điểm đó là thích khoe tài sản của mình cho thiên hạ thấy. Bởi họ muốn được người khác công nhận bản thân là người nhiều tiền của, nhiều vật chất. Tuy nhiên, người đời thường ghen tị nhiều hơn là khích lệ động viên. Chúng ta càng khoe của, càng thu hút sự ganh ghét trong tâm lý con người. Ai cũng muốn giàu, muốn sở hữu nhiều hơn người khác. Biết được điều này, chi bằng ta hãy ngừng phô trương tài sản mà thay vào đó, giữ kín những gì mình đang sở hữu cho mọi chuyện êm đẹp, thuận buồm xuôi gió.
Hãy giữ cho mình một vài sự khiêm tốn đối với những đồ vật thường dùng. Ví dụ như điện thoại đời mới nhất, hay chiếc xe xịn nhất trong phân khúc. Khi chúng ta càng điềm đạm với tiền bạc của cải, nó càng rèn luyện đức tính khiêm tốn của ta trong nhiều phương diện cuộc sống. Và đây là một tính tốt cần phát huy.
Chúng ta thường rất muốn thỏa mãn sự phù phiếm của bản thân bằng việc để cho thiên hạ biết được ta đang sở hữu những gì. Song, khi ta có nhiều tiền, nếu nhiều người biết, thì lợi bất cập hại. Bởi lúc đó sẽ khiến bạn bè gần xa lưu tâm và muốn vay mượn tiền của mình. Sự khoe mẽ bỗng nhiên trở thành rắc rối. Họ khó khăn mới tìm đến bạn để vay mượn. Nhưng khi bạn có rắc rối với tài chính, đi đòi lại tiền thì nhiều lúc không chỉ mất tiền mà còn mất luôn cả bạn. Họ sẽ nói rằng bạn là người giàu, người có của cải, nên cứ từ từ rồi tính.
Vậy nên, cách tốt nhất là ít mở miệng ra khoe tài sản của mình. Trước mặt người lạ, khoe khoang dễ mất danh dự, trước mặt người quen, phô trương thì nhiều lúc đánh mất luôn sự thân thiết. Đừng để lộ khả năng tài chính của bản thân là hành động tốt nhất.
2. Thứ hai là kiến thức mình cao hay thấp
Cũng giống như tiền bạc hay vật chất, kiến thức của chúng ta dù tăng lên thì vẫn luôn có giới hạn ở một mức độ nhất định. Ta có thể là chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế nhưng nói chuyện với một bác sĩ hay kỹ sư thì cũng giống như một học sinh giỏi toán nghe thầy giáo của môn khác giảng bài.
Nhiều người thường cho rằng kiến thức của mình đủ nhiều để thể hiện sự hiểu biết trước một đám đông có đủ thể loại. Đó là ếch ngồi đáy giếng. Bởi núi cao sẽ luôn có núi khác cao hơn. Lấy ví dụ khi chúng ta thuyết trình về một chủ đề chuyên môn của bản thân thì cũng nên thể hiện mức độ lịch sự và tôn trọng nhất định đối với các chuyên gia trong những lĩnh vực khác.
Chúng ta càng muốn khoe khoang thành tích hay kiến thức của bản thân, lại càng tạo ấn tượng xấu cho mọi người về độ hạn hẹp của chính mình. Một người thông minh sáng suốt sẽ không để người khác nhìn thấy sự khôn ngoan và trí tuệ thực thụ của mình, nhưng lại luôn biết chính xác mình muốn gì.
Tri thức là trí tuệ được đúc kết. Chúng ta không phát minh ra trí thức mà chỉ tích lũy chúng theo năm tháng. Người có học thường rất khiêm tốn. Người có hiểu biết sâu sắc sẽ không thể giả vờ những điều mình không biết. Nói chuyện mang tính chất khoe khoang không khác gì tự nhận mình nắm trọn biển đại dương kiến thức bao la. Vậy nên, tốt nhất là giữ lấy cho mình một chút sự khiêm nhường. “Sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu”. Khiêm tốn là đỉnh cao của một người có tu dưỡng.
Kết: Tóm lại, sống ở đời cần biết mình là ai. Dù chúng ta giàu có hơn người khác, hiểu biết sâu rộng hơn cộng đồng của mình, thì điều đó cũng chưa chắc là ta đứng trên họ, chứ chưa nói đến thịnh vượng hay hạnh phúc hơn họ. Vậy nên tôi luôn tự nhủ bản thân rằng hãy giữ sự khiêm tốn, bởi điều đó sẽ giúp ta rất nhiều trong xã hội này và đó cũng là đặc điểm nhận biết một người có tu dưỡng.
* Bài viết của Tiêu Dao chia sẻ tại box Cafe Danner
Cổ nhân dạy "càng khoe khoang, càng dễ mất", nếu bạn có những tâm đắc về sự khiêm tốn , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Facebook - bình luận