Có thể nói, thể loại anthology (tuyển tập) đang dần trở nên quen thuộc với dòng phim kinh dị. Chuyện “Ma” Đô Thị là một tác phẩm điện ảnh kế thừa nhiều ưu điểm cũng như hạn chế của thể loại này. Do kết cấu gồng gánh số lượng 10 truyền thuyết kinh dị, phim không tránh khỏi việc chất lượng chưa đồng đều giữa các truyện và gây cảm giác nhàm chán.
Chuyện “Ma” Đô Thị (Goedam 2) là phần tiếp theo của Goedam từng làm mưa làm gió một thời trên Netflix. Phim là tổng hợp 10 truyền thuyết đô thị đương đại lấy bối cảnh ở Seoul. Nhìn chung, Xì Bàng cũng không quá lạ lẫm với thể loại này vì đã sơ sơ hiểu được đặc trưng riêng của nó qua các phim như Chuyện Ma Gần Nhà và Án Mạng Liên Hoàn Lúc Nửa Đêm.
>>> Xem thêm: Chuyện "Ma" Đô Thị: Nặng đô hơn phần 1, coi xong hết dám ngủ
Phim gồm 10 truyện hoàn toàn không có liên quan đến nhau kéo dài trong 117 phút. Các truyện đó bao gồm: Đường Hầm, Cô Gái Đầm Đỏ, Sâu Răng, Song Hồn, Tiếng Động Phòng Bên, Thanh Lý Nội Thất, Minh Hôn, Kẻ Cắp Gương Mặt, Mannequin và Trò Chơi Sinh Mệnh.
Theo mình thì Sâu Răng và Mannequin là hai truyện có nét mới lạ nhất và có kết cấu hoàn chỉnh nhất trong tuyển tập kinh dị này.
Đầu tiên, phim có ưu điểm là đề cập đến nhiều vấn đề bức bối trong xã hội hiện đại như sống ảo, câu like, LGBT, mannequin. Các ngóc ngách trong đời sống đô thị được soi chiếu từ chốn văn phòng công sở khắc nghiệt với các cuộc tuyển dụng hay ngành công nghiệp làm đẹp và cả trên thế giới của mạng xã hội.
Từng ngóc ngách thường nhật ấy được xây dựng rất bình thường nhưng luôn gợi ra cảm giác bí ẩn đằng sau đó với những gam màu sáng tối. Ánh sáng sử dụng trong phim cũng là một điểm cộng khi được dùng để tương phản thế giới người sống và người ở cõi bên kia.
Nhắc đến phim kinh dị thì không thể nhắc đến jumpscare, và nói thật là phim sử dụng ít nhưng đoạn nào đoạn nấy mình đều thấy sợ và hãi hùng. Từng hồn ma bóng quế hiện lên với tóc tai lòa xòa, chìm đắm trong siro dâu kinh điển trong phần Cô Gái Đầm Đỏ và Sâu Răng đã khiến mình quắn quéo trong rạp.
Thể loại zombie đặc trưng của phim kinh dị Hàn cũng được góp mặt và tạo hiệu ứng khá ghê ở câu chuyện Sâu Răng.
Chuyện “Ma” Đô Thị có lẽ là phim chứng minh được thực lực không phải dạng vừa của dàn idol xứ kim chi. Các tên tuổi idol như Arin, SHOWNU, Alexa,… ban đầu khiến mình hơi nghi ngờ về khả năng diễn xuất nhưng khi xem phim họ đã chứng mình điều ngược lại. Dàn idol này không những visual đỉnh mà còn diễn xuất ổn áp đến không ngờ.
Mình nghĩ việc chi bạo của đạo diễn để mời 10 idol thuộc gen Z này cho phim là một ý tưởng rất phù hợp. Bởi lẽ, người làm nên không khí đô thị không ai khác hơn là những người trẻ. Sự mới mẻ của những khuôn mặt này đã trở thành điểm nhấn cho phim.
Tuy nhiên, Chuyện “Ma” Đô Thị vẫn không tránh khỏi những hạn chế cơ bản của các phim đi trước thuộc thể loại này. Anthology horror là một thể loại thách thức là làm phim bởi sự phân bố nhịp điệu và cân bằng chất lượng của các tiểu truyện.
10 câu chuyện hoàn toàn không có sự đồng đều về mặt nội dung mặc dù thời lượng là ngang nhau. Chưa kể đến việc các truyện hay dở xen lẫn nhau khiến mình thấy 117 phút dài lê thê không thể tả. Nếu số lượng phim tiết chế xuống thành 3 hay 5 thì có lẽ mỗi phần sẽ được chăm chút và có sức hút hơn nhiều.
Do mỗi truyện chỉ có thời lượng ngắn (từ 10 đến 15 phút) nên nhiều truyện kết thúc chóng vánh, thậm chí không thành kết cấu mà chỉ như một tình huống đời sống bình thường. Cái kết của Kẻ Cắp Gương Mặt, Tiếng Động Phòng Bên, Thanh Lý Nội Thất là minh chứng điển hình cho hạn chế này.
Xem phim xong mình bồi hồi nhớ lại những lần kiểm tra 15 phút ngày xưa, khi đọc đề chưa hiểu thì đã hết giờ làm bài. Xem từng câu chuyện mình cũng chưa kịp bắt nhịp thì đã hết mất tiêu. Từng phần phim trôi qua cái vèo và nếu bỏ lỡ là coi chừng không hiểu luôn.
Phim cũng mắc lỗi ôm đồm khi cài cắm quá nhiều ý tưởng mà chẳng có một bài học hay thông điệp nào rút ra. Những sự bay màu trong đô thị đôi khi diễn ra một cách ngẫu nhiên, vô lí mà chẳng có nguyên do hay bất kì sự giải thích nào.
>>> Xem thêm: Chuyện “Ma” Đô Thị: Chơi lớn, mời 10 ngôi sao Kpop đóng phim ma
Ví dụ như ở Song Hồn, việc cô bé học sinh trung học chọn rời bỏ cuộc sống thực sự chưa thuyết phục và cũng chưa trình bày được lí do rõ ràng thì đã hết phim. Anh chàng làm thêm trong Mannequin cũng trở thành trò đùa cho số phận khi trót nhìn vào đôi mắt của “kẻ không nên nhìn”.
Phim cũng có một vài truyền thuyết đã quá quen thuộc với văn hóa Á Đông nên mình dễ đoán được toàn bộ tình tiết sau đó như Minh Hôn, Trò Chơi Sinh Mệnh, Song Hồn. Hoàn toàn không có sự sáng tạo nào ở 3 truyện trên mà đơn giản chỉ là tái hiện lại những chất liệu sẵn có. Và không chỉ có khu vực Á Đông, đặt vào bất kì bối cảnh nào thì những chuyện kinh dị này cũng có thể xảy ra được.
Chuyện “Ma” Đô Thị với mình như một đĩa salad thập cẩm chẳng đâu vào đâu. Việc ôm đồm số lượng và chất liệu đã khiến bộ phim trở nên vô thưởng vô phạt về tổng thể. Phim sẽ hay hơn nếu được khai thác một cách kĩ lưỡng về nội dung và không vắt chân lên cổ để chạy KPI cho từng phần nữa.
Nếu bạn đã xem phim, hãy comment ý kiến bên dưới cho mình biết nhé.
*Bài viết của Xì Bàng gửi về DienAnh.Net
Xem đầy đủ thông tin và review hay về Chuyện “Ma” Đô Thị tại Thư Viện Phim và Phim Hay Sắp Chiếu nhé.
Facebook - bình luận