Mấy năm trở lại đây, thể loại phim anthology (hợp tuyển nhiều câu chuyện riêng rẻ trong một bộ phim) lại trở nên hot hơn bao giờ hết, đặc biệt là sự áp dụng tràn lan trong dòng phim kinh dị.
Vậy lối kể chuyện này có thật sự mang lại sự thú vị hơn cho dòng phim kinh dị không? Những bộ phim sau đây sẽ trả lời cho câu hỏi này.
1. Án Mạng Liên Hoàn Lúc Nửa Đêm (tựa gốc: Haunted Tales)
Bộ phim là tập hợp ba câu chuyện rùng rợn về 3 nhân vật. Đó là chàng doanh nhân trẻ Pete với chuyến taxi định mệnh, là Tiwa – nhà ngoại cảm và chuyến giải lời nguyền ám ảnh tại một khách sạn. Cuối cùng là câu chuyện về nhà văn Jess và tác phẩm “để đời” của mình.
Để mà nói, những phần phim nhỏ lẻ đã khai thác được một câu chuyện hoàn chỉnh, trọn vẹn cho riêng mình. Xem mỗi phần thì mình đều bị cuốn một cách lạ kỳ, nhưng vô hình chung đã gây hiệu ứng cho việc câu chuyện sau đã làm lu mờ câu chuyện trước.
Thú thật là khi xem xong Án Mạng Liên Hoàn Lúc Nửa Đêm thì mình chỉ mới mỗi câu chuyện cuối cùng về anh nhà văn Jess. Không phải vì nó hay nhất mà là do hiệu ứng làm phân tâm sự chú ý của anthology mang lại trong trường hợp nhà là phim không biết cách khai thác thể loại đó một cách hợp lý.
>>> Xem thêm: Chuyện Ma Đô Thị và những phim ma rùng rợn về truyền thuyết đô thị
2. Chuyện Ma Gần Nhà
Không cần nói nhiều thì ai cũng biết đến sức nóng mà Chuyện Ma Gần Nhà mang lại hồi đầu năm nay.
Không chỉ vì những hình ảnh ghê rợn mà bộ phim xây dựng, Chuyện Ma Gần Nhà cũng gây chú ý bởi lối kể chuyện hợp tuyển 3 phần phim độc lập, không liên quan gì đến nhau.
Phần phim thứ nhất kể về truyền thuyết đô thị rùng rợn của cô Mía, phần hai là câu chuyện của gã hề ma quái, cuối cùng là diễn tiến về nhà ngoại cảm bị ma không đầu đeo bám. Toàn những truyền thuyết đô thị nghe có vẻ rất thú vị nhưng bộ phim lại làm mình hoàn toàn thất vọng sau khi xem.
Chính sự vụng về của nhà làm phim đã tạo ra một tổng thể Chuyện Ma Gần Nhà thật rời rạc, phần phim riêng lẻ thì tham lam nhưng không giải quyết triệt để. Nhìn chung, đây là bộ phim thất bại toàn tập trong cách vận dụng lối kể chuyện mới mẻ này.
3. Chuyện Mà Đô Thị (tựa gốc: Goedam 2)
Chuyện Mà Đô Thị (tựa gốc: Goedam 2) là bộ phim mới nhất đã vận dụng lối kể chuyện anthology và cũng bị “fail” như mấy trường hợp trên.
Nói về phim, Chuyện Ma Đô Thị có điểm cộng lớn nhất ở phần hình ảnh, coi tới đâu là gai óc nổi rợn hết tới đó luôn. Người yếu bóng vía như mình là phải “nhắm mắt bịt tai” với mấy màn hù dọa của những con ma “đỏ lè đỏ lét” ám ảnh thật sự.
Nhưng bộ phim quả thật chỉ gây sợ được qua mặt hình ảnh thôi, còn những yếu tố về nội dung hay thông điệp thì hoàn toàn không được xử lý tốt. Điều này khiến mình cực kỳ thất vọng so với những cảm nhận hay ho về những nhận dạng ban đầu mình dành cho bộ phim.
Không chỉ là 3 câu chuyện, Chuyện Ma Đô Thị là sự “chơi lớn” khi tuyển tập tới 10 phần phim lận. Nhưng đương nhiên, càng nhiều thì càng rối và càng khó để tạo một sợi dây liên kết chung cho tất cả các câu chuyện.
Ta nói làm sơ sơ thôi, làm quá nó ô dề mà không nghe. Đây là một khuyết điểm lớn nhất mình thấy trong lối kể chuyện này nói chung, đặc biệt là Chuyện Ma Đô Thị nói riêng.
>>> Xem thêm: Chuyện “Ma” Đô Thị: Tuyển tập 10 câu chuyện ma Hàn Quốc
Nhìn chung, anthology là một thể loại thú vị nhưng mình chưa thấy được sự vận dụng hiệu quả của các nhà làm phim. Đây là một điều khá đáng tiếc cho lối kể chuyện phim “màu mỡ” này. Hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều bộ phim khai thác yếu tố này hay hơn chứ không “xu cà na” như Chuyện Ma Đô Thị hay những bộ phim kể trên.
Bài viết được Salonpas gửi về cho DienAnh.net
Cập nhật đầy đủ thông tin về Goedam 2 (Chuyện Ma Đô Thị) tại Thư Viện Phim nhé.
Facebook - bình luận