Đôi khi tôi tự hỏi, chúng ta có thực sự đang tồn tại dưới danh nghĩa là một con người hay đang sống và cống hiến cho từng thời khắc cuộc đời theo cách của những vị thánh? Chúng ta hiện hữu theo cách nào đều tùy thuộc vào tư tưởng nền tảng của ta và những hành động dựa trên quy cách của nền tảng đó.
Nhận thức về thực tại của chúng ta có đủ mạnh mẽ?
Trong “nhận thức về sự hiện hữu”, triết học Đông Tây kim cổ có những câu hỏi được đặt ra bởi những triết gia lớn nhỏ: “Tôi là ai và tôi từ đâu đến?”; “Tôi có ý nghĩa gì khi xuất hiện trong thế giới này?”; “Tại sao thế giới lại tạo ra tôi chứ không phải anh – em của tôi hay một ai đó khác?” v.v…
Và để lý giải cho những câu hỏi “không hồi kết” này, một triết gia vĩ đại nhất, bậc thầy của mọi bậc thầy, người mang tư tưởng thay đổi nhân loại, Siddhartha Gautama, chỉ cười với những đệ tử của mình và không hề mở miệng nói lấy một lời. Nụ cười mang hàm nghĩa: vũ trụ và ta là một.
Đức Phật chỉ mỉm cười và nói “vũ trụ và ta là một”.
Câu chuyện “Bông hoa và nụ cười với Ngài Ca Diếp”
Có câu chuyện thiền về bông hoa mà giới thiền tông ai cũng biết.
Một ngày kia, Phật đưa một cành hoa lên trước cử tọa 1.250 vị khất sĩ. Ngài không nói một lời nào. Ai cũng suy nghĩ nát óc để tìm hiểu ý của Ngài. Bỗng nhiên thấy Phật mỉm cười. Ngài mỉm cười vì một người trong đoàn khất sĩ đã mỉm cười với Ngài và với bông hoa. Người đó tên là Ma Ha Ca Diếp. Trong đoàn khất sĩ chỉ có một mình Ca Diếp mỉm cười và được đức Phật cười lại. Ngài nói: "Ta có chánh pháp nhãn tạng, niết-bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, pháp môn vi diệu, bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, nay ta Phó Chúc cho Ma-ha Ca-diếp. Nếu ngộ được diệu ý này thì gần Đạo không xa”.
Câu chuyện về Bông hoa và nụ cười của ngài Ca Diếp
Câu chuyện đã được bàn cãi sôi nổi trong giới thiền tông qua nhiều thế hệ và cho đến nay người ta vẫn còn đi tìm ý nghĩa của nó. Với tôi, tôi hiểu rất đơn giản. Khi có người nâng một cành hoa lên trước mắt bạn. Người ấy muốn bạn nhìn thấy bông hoa. Nếu đầu óc bạn bận bịu suy nghĩ thì làm sao bạn nhìn thấy bông hoa? Chỉ có người nào đầu óc không tính toán, người đó đang thảnh thơi thì mới có thể tiếp xúc được với bông hoa và mỉm cười.
Cho nên vấn đề là ở chỗ có mặt trong giây phút hiện tại, nếu không ta sẽ đánh mất tất cả. Khi một em bé đến với bạn và mỉm cười với bạn, nếu bạn không có mặt ở đó, nếu bạn đang bận suy nghĩ về tương lai hay quá khứ hay với bao nhiêu thứ khác trong cuộc đời, thì dù em bé đang có mặt cũng bằng như không có mặt đối với bạn. Cho nên nghệ thuật sống là biết trở về với chính mình để có thể thấy được em bé là một thực tại tuyệt vời. Lúc ấy bạn mới có thể thấy được nụ cười của em bé và ôm em bé vào lòng.
Chỉ có sống vô tư không toan tính, mới có thể thấy được vẻ đẹp của cuộc đời
Sống cho chính mình ngay trong thời khắc này
Chúng ta rất kém cỏi trong vấn đề nhận thức về sự hiện hữu của chính mình. Thay vì tập trung vào cách ta sống, khả năng tồn tại và phát triển của bản thân trong hiện tại và tương lai, ta lại chìm đắm ngâm mình trong quá khứ để liên tục đưa ra những phân tích và định giá trị cho bản thân và người khác rồi bắt đầu phép so sánh thiệt – hơn. Ta cũng bỏ quên khả năng tập trung sống cho đúng với mục đích và giá trị của mình ở hiện tại để theo đuổi những sự vật cụ thể cũng như trừu tượng tầm thường trong khi chúng không thực. Đó là điểm thiếu sót trong nhận thức cơ bản.
Người có được một tầm quan sát bao quát về thế giới, một hiểu biết sâu sắc trong thực tại là người cực kỳ cô đơn. Họ có trí tuệ và kiến thức rộng mở, tuy nhiên lại chỉ nói được một phần về tầm hiểu biết của mình cho người khác bởi bất đồng và hạn chế trong cách nhận biết vấn đề của người nghe.
Sống trong hiện tại: Không có gì quý giá hơn khoảnh khắc này
Họ cảm thấy không ai có đủ sâu sắc để thấu đạt được cách diễn giải về con người và vũ trụ của họ. Họ có tư duy và nhận thức rất đặc biệt về thực tại, về sự hiện hữu của bản thân trước người khác và trước cả tự nhiên bao la vô cùng.
Người có nhận thức thực tại đủ sâu thường gặp phải một vấn đề tâm lý mà chỉ có người tương đồng ở cấp bậc ấy mới hiểu được, đó là tư duy vô thức. Họ như người mất hồn khi đang tập trung suy nghĩ và điều đó khiến bản thân họ trở nên bay bổng, tiếp cận đến một cấp bậc cao hơn về sự tồn tại ở trạng thái tâm linh.
Tóm lại, người có khả năng nhận thức thực tại càng sâu, người đó càng có ít bạn và hết mực cô đơn bởi họ cảm thấy ít ai hiểu được mình. Bù lại, trí tuệ của họ sẽ phát triển rất mạnh theo một hướng hoàn toàn khác với người thường và nhờ đó họ có thể giúp đỡ được người khác dễ dàng hơn trong các vấn đề thuộc phạm trù tâm linh.
Người suy nghĩ trầm tư có một nhận thức về thực tại rất sâu sắc
Vậy làm thế nào để tăng khả năng nhận thức về sự hiện hữu của bản thân? Theo tôi thì đó là hãy tập trung sống cho chính mình ngay trong hiện tại. Hãy nghĩ cho thật kỹ trước khi nói, hiểu thật sâu một vấn đề trước khi làm và tập tính kỹ lưỡng trong mọi hành động. Các thói quen này gắn liền với một con người tâm linh có bản năng mạnh trong các đức tính từ bi, nhẫn nhục, chăm chỉ, kỷ luật và đức hạnh.
*Bài đóng góp của thành viên mạng xã hội DienAnh.Net.
Facebook - bình luận