Tôi thường được mọi người khuyên rằng: “Biết tiết kiệm từ sớm là tạo đường lui cho bản thân.” Bởi vì “ăn bất tận, dùng bất tận, sẽ không tính đến cuối đời”. Vì vậy, bạn hãy chọn làm người thông minh trong thời kỳ hiện đại bằng cách tiết kiệm từ sớm.
1. Tư tưởng “Mình còn trẻ, mình còn thời gian”
Nhiều người trẻ có lối suy nghĩ: “Mình còn trẻ, thời gian dư dả” nên không có nhận thức về tiền tiết kiệm. Bạn không thể trông chờ vào tuổi sau 30 ổn định, đi vào quỹ đạo nếu không làm gì từ năm 20 tuổi. Đúng là tuổi trẻ để vui chơi, tận hưởng cuộc sống. Nhưng tiết kiệm càng sớm, nghĩa rằng bạn càng có nhiều năm tích luỹ, số tiền dần tăng lên.
Có thể thấy tình trạng phổ biến hiện nay là các bạn trẻ kiếm được bao nhiêu thì tiêu xài hết bấy nhiêu, không có kế hoạch tương lai mà chỉ chăm chút cho niềm vui nhất thời. Hiện tại có thể cảm thấy thoả mãn, vui vẻ nhưng về sau lại không có dự trữ.
Chuyên gia lập kế hoạch tài chính Michael Kitces cho rằng, tư tưởng “Kiếm được nhiều tiền thì tội gì không chi tiêu nhiều” cần được điều chỉnh càng sớm càng tốt. Chủ nghĩa tiêu dùng đã trở thành trào lưu với các bạn trẻ. Tuy nhiên đừng để nhu cầu của mình đi qua giới hạn.
2. Tầm quan trọng của việc tiết kiệm tiền
Đợt dịch Covid kéo dài vừa qua giống như hồi chuông cảnh tỉnh. Nếu không có khoản tiết kiệm để sử dụng trong trường hợp ốm đau, có việc bất ngờ thì sẽ vô cùng vất vả. Không bàn đến những vật phẩm như quần áo, đồ dùng, nhiều người ngay cả bữa cơm còn chưa đảm bảo đầy đủ. Thời gian dịch bệnh càng kéo dài, tôi càng nhận ra rằng kiếm được tiền quả thật không dễ dàng.
Hãy tưởng tượng đến những hoàn cảnh bạn muốn mua tặng bố mẹ món quà nhân dịp đặc biệt nào đó nhưng lại không có tiền trong người đủ để chi trả. Hay là cần tiền để dựng xây sự nghiệp nhưng lại không một xu dính túi. Nhìn cơ hội cứ trôi tuột qua tay, lúc đó chỉ biết cảm thấy không cam lòng.
3. Làm thế nào để tiết kiệm tiền hiệu quả?
Thực tế, có thể thấy được lối sống và tầm nhìn khác nhau giữa người tiết kiệm tiền, và người biết tiêu tiền. Cuộc sống luôn có những bất trắc xảy ra bất ngờ. Người biết suy nghĩ, lên kế hoạch sẽ dành dụm tiền lương từ 3-6 tháng phòng khi có khó khăn thì vẫn duy trì được cuộc sống của mình.
Nhiều người đã thử tiết kiệm nhưng không thành công. Lí do có thể nằm ở phương thức tiết kiệm không đúng hoặc là quá trình không thực hiện hiệu quả. Muốn tiết kiệm tiền, đầu tiên phải thay đổi cách thức dùng tiền, đặt ra kỷ luật với bản thân.
Ví dụ, sau khi nhận lương, hãy trừ đi khoản tiền bạn muốn tiết kiệm. Rồi lên kế hoạch chi tiêu với số tiền còn lại. Với cách này, bạn phải có chỗ để cất đi khoản tiết kiệm. Đảm bảo rằng ngoại trừ tình huống nguy cấp, bạn không thể đụng vào đó. Sau đó, về lâu dài, bạn có thể tích góp gửi ngân hàng có kỳ hạn. Đây là cách thiết thực và phù hợp với người trẻ tuổi hiện nay.
Hãy thiết lập quy định kiểm soát bản thân tránh xa những cám dỗ mua sắm, kiên trì mục tiêu của mình. Có thể nói rằng, với người trưởng thành thì tiết kiệm được coi là sự kỷ luật tự giác. Đừng để bản thân rơi vào cảnh vay tiền, xin tiền mới biết sợ và cảnh giác.
Chính vì vậy mà, khi còn trẻ, đừng ngại khó, ngại khổ học hỏi và tìm cách tăng cao thu nhập, mở khoản tiết kiệm và cân nhắc suy xét khi bỏ tiền mua đúng chỗ. Học hỏi từ những người làm giàu thành công thấy được họ luôn tìm cách bỏ tiền vào cổ phiếu của công ty giá tốt. Còn hơn là chăm chút những món đồ hàng hiệu xa xỉ.
Kết: Vì thế bạn nên nhớ rằng, phải biết chừa đường lui cho bản thân. Có thể thời gian đầu xảy ra nhiều khó khăn, nhưng hãy luôn kiên trì. Quản lý tài chính tốt, biết đầu tư cho bản thân chính là đường lui tốt nhất của bạn. Mong những bạn trẻ nhận thức được vấn đề này, bắt đầu phát triển bản thân và thực hiện những điều mình mong muốn.
* Bài viết của Tiêu Dao chia sẻ tại box DAN FC
Tiền chưa chắc mang lại hạnh phúc nhưng muốn hạnh phúc cần phải có tiền. Nếu có chia sẻ hay về nghĩ giàu làm giàu, tự do tài chính , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Facebook - bình luận