11 Tháng 5 Ngày là tựa phim nối sóng Mùa Hoa Tìm Lại trên kênh VTV3. Khác với câu chuyện về vùng quê Bắc Bộ thanh bình, 11 Tháng 5 Ngày lấy bối cảnh thủ đô có phần sầm uất hơn, nhưng vẫn không khoả lấp đi các dấu ấn văn hoá của người Việt nói chung và người dân Bắc Bộ nói riêng.
Chỉ sau hai tập phim, mình chợt nhận ra các đặc trưng văn hoá được thể hiện trong 11 Tháng 5 Ngày còn rõ ràng hơn nhiều so với Mùa Hoa Tìm Lại. Chỉ có điều nó lại xuất phát từ những con người thành thị, bất kể các vấn đề là cũ hay mới.
Ở đây, khi nói đến “dấu ấn văn hoá", mình muốn nói đến tất cả những đặc trưng về lối sống, suy nghĩ, quan niệm, cách ứng xử giữa người với người, giữa gia đình với gia đình. Có thể tích cực, có thể tiêu cực hoặc thậm chí là cực đoan, nhưng điều quan trọng là hiếm bộ phim nào mang màu sắc tươi sáng, hiện đại và nói nhiều đến những người trẻ lại có thể gói ghém tất cả một cách gọn gàng và đắt giá như vậy.
Trong tập phim đầu tiên, khi Tuệ Nhi (Khả Ngân) bay từ trong Nam ra Hà Nội và trở về nhà mà không báo trước để tạo bất ngờ cho người yêu lẫn gia đình, bà nội cô đã có những biểu hiện không hài lòng với cháu gái. Dù rất thương Nhi, nhưng bà lại vô cùng nghiêm khắc, vì vậy bà không đồng ý việc Nhi trở về mà không thông báo với mọi người trong gia đình.
Nét văn hoá “đi thưa về trình” của người Việt được thể hiện rất rõ ở chi tiết này. Đương nhiên, việc chào hỏi người lớn khi đi xa về là điều tất yếu, nhưng vẫn phải báo tin trước khi về để thể hiện sự tôn trọng cũng vô cùng cần thiết trong quy chuẩn ứng xử của con người Việt Nam.
>> Xem thêm: 11 Tháng 5 Ngày: Khả Ngân vừa tạo nghiệp đã bị quật ngay tập đầu tiên
Kế đó khi vào bàn ăn cùng gia đình Thuận (Tuấn Tú) - người yêu của Tuệ Nhi thì cô đã lập tức bưng bát, cầm đũa ăn mà không mời người lớn. Điều này lại bị bà nội nhắc nhở vô cùng nghiêm khắc. Trên mâm cơm, người Việt rất xem trọng lời mời bởi nó không chỉ cho thấy sự tôn trọng người khác mà còn thể hiện bạn đã được gia đình dạy dỗ tốt ra sao.
Ở điểm này, có lẽ người miền Nam sẽ thoáng hơn một chút. Với tính khí hào sảng của con người Nam Bộ, bạn có thể “tổng mời” tức là chỉ cần một câu mời hết cả nhà, nhưng với các gia đình miền Bắc, bạn phải mời từng người một, từ lớn đến nhỏ theo thứ tự rõ ràng. Đó cũng là lý do khi được bà nội nhắc nhở, Tuệ Nhi lên tiếng mời cả nhà bà lại tỏ thái độ ngao ngán, không vui.
>> Xem thêm: 11 Tháng 5 Ngày vừa chiếu đã gây ức chế vì nhân vật của Khả Ngân
Thời nay, việc hai người trẻ cưới xin đã dần được cá nhân hoá nhưng theo mình biết thì với các cụ ngày xưa, đó là dịp trọng đại của hai gia đình, của những người lớn. Việc con cái họ thành gia lập thất sẽ đại diện cho bộ mặt gia đình và đôi trẻ sẽ không có quyền quyết định gì trong đám cưới, thậm chí người sắp cưới đôi khi cũng không biết mặt.
May mắn thay ở 11 Tháng 5 Ngày thì không cực đoan đến vậy. Gia đình của Thuận và Tuệ Nhi chỉ đang không cho đôi trẻ quyết định một số vấn đề của hôn lễ mà thôi. Cũng là một kiểu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” nhưng ở mức độ vẫn chấp nhận được.
>> Xem thêm: Tuệ Nhi (11 Tháng 5 Ngày) và những cô nàng đáng ghét của màn ảnh Việt
Đặc biệt, một vấn đề nhức nhối mình thấy nhiều trong cuộc sống và ngay cả trên phim Việt nói chung đó là quan niệm trọng nam khinh nữ. Nhìn lại lịch sử, với 1000 năm bị giặc phương Bắc đô hộ thì quan niệm này đã thâm căn cố đế trong nếp nghĩ của nhiều người, đặc biệt là những người thuộc thế hệ đi trước. Mình cũng không quá bất ngờ khi vấn đề này được chọn làm chìa khoá mở ra vô vàn bi kịch trong các bộ phim, bởi trên thực tế nó cũng mang đến rất nhiều câu chuyện thương tâm.
Nói đến đây, có lẽ bạn cũng hiểu vì sao mẹ Thuận không muốn anh ra riêng sau khi lấy vợ và vì sao bà nội Tuệ Nhi muốn cô bỏ hết công việc trong Nam sau khi cưới để tập trung làm dâu, làm vợ, sinh con đẻ cái, an phận làm người phụ nữ gia đình. Bởi Thuận là con trai duy nhất của gia đình và điều này trong mắt mọi người là một cái gì đó thật quý giá.
Mình đoán rằng cũng chính tư tưởng trọng nam khinh nữ đã dẫn đến sự ra đi của mẹ Tuệ Nhi và khiến mối quan hệ giữa hai bà cháu trở nên căng thẳng. Bởi lẽ bố của cô cũng là con trai độc đinh của bà nội, việc bà muốn tìm người nỗi dõi, tìm một đứa cháu trai cũng không có gì lạ.
Thêm vào đó, ở cuối tập 2 thì Tuệ Nhi đã bị cả dòng họ nhà chồng “đánh úp”. Mẹ chồng tương lai giao cho cô gọt bưởi mời các người cô nhưng vốn là tiểu thư nên Nhi đã phá tan mọi thứ. Và nếu bạn để ý thì bấy giờ Thuận vẫn ngồi yên chứ không hề phụ giúp người sắp làm vợ anh. Theo mình biết, một số gia đình người Bắc không để đàn ông xuống bếp và làm việc nhà, cho nên đó có thể là nguyên nhân khiến Thuận tỏ ra vô cùng lúng túng khi Nhi vụng về làm hỏng tất cả trong ngày ra mắt.
Bạn sẽ dễ dàng nhận ra những nét văn hoá truyền thống cùng đặc trưng trong lối sống người Việt thể hiện rất rõ ở các thế hệ đi trước trong phim: bà nội Tuệ Nhi, mẹ của Thuận. Đương nhiên mình không phán xét tốt - xấu ở đây, mình chỉ bàn đến chuyện nó có còn phù hợp trong bối cảnh hiện tại với từng gia đình cụ thể hay không mà thôi.
>> Xem thêm: 11 Tháng 5 Ngày: Tuấn Tú chuẩn chồng người ta, khiến chị em rụng tim
Với mình, việc truyền tải các yếu tố văn hoá vào phim ảnh một cách tự nhiên là việc rất khó làm và đan xen những đặc trưng tích cực - tiêu cực vào nhau để người xem lọc lựa, chiêm nghiệm lại còn khó hơn. Đến thời điểm này, sau hai tập phim đầu tiên thì 11 Tháng 5 Ngày vẫn đang làm tốt. Bạn có nghĩ vậy không?
*Bài viết của Jin Yin trên DienAnh.Net.
Theo dõi DienAnh.Net để cập nhật những tin tức phim ảnh mới và chính xác nhất.
Facebook - bình luận