Dragon Ball Super: Super Hero đã mang đến cho mình một trải nghiệm ổn áp khi được quay về với những ký ức tuổi thơ. Tuy không đến mức gọi là xuất sắc nhưng dường như Dragon Ball Super: Super Hero đã phá vỡ mọi định kiến của mình với CGI Anime (Công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính). Đồ họa trong Dragon Ball Super: Super Hero được nâng cấp lên một tầm cao mới sau hàng chục năm trở lại nhưng vẫn giữ được chất riêng và gam màu hoài cổ riêng biệt.
Dragon Ball là một trong những loạt phim nổi tiếng nhất trong tuổi thơ của mình. Nó được làm từ bộ truyện tranh gốc phát hành từ khoảng năm 1984 đến 1995. Nhìn vậy thôi chứ thương hiệu này đã phát triển mạnh mẽ được hơn 3 thập kỷ rồi đó nha. Với lần trở lại này, mặc dù không quá rình rang, phô trương nhưng mình nghĩ cũng có thể là một sự nhá hàng trở lại khá đáng kỳ vọng.
Tập phim mà chúng ta được thưởng thức ngoài rạp - Dragon Ball Super: Super Hero là kỷ nguyên mới nhất, cũng là tập thứ 21 của series đình đám này. Bộ phim trước đó được thực hiện là Dragon Ball Super: Broly, một trong những phim minh chứng cho sự ấn tượng của thể loại hoạt hình 2D. Các trận chiến trong đó rất “cháy” và có một số cảnh vô cùng chân thật.
Vì đặc biệt quan tâm đến này nên trong bài viết mình sẽ không đi sâu quá nhiều về nội dung mà đánh giá tổng quan và đề cập đến ĩ xảo anime là chủ yếu nha.
Mặc dù bây giờ nhiều hãng phim hoạt hình đang dần chuyển đổi sang hoạt hình 3D đẻ tăng trải nghiệm chân thực nhưng với thương hiệu Dragon Ball mình thấy sự thay đổi này diễn ra khá chậm. Tuy nhiên mình lại thích sự “chậm mà chắc” này, dường như Dragon Ball đã có một lộ trình khác cho các tác phẩm của mình, khác hẳn với hướng đi của hoạt hình 3D phương Tây.
Thông thường những bộ phim tại Nhật Bản, mình để ý thường không cố gắng làm theo kiểu của những “ông lớn” như Pixar hay Disney. Thay vào đó, họ thường chuyển thể anime sang 3D một cách “thẩm mỹ” nhất có thể. Tất nhiên điều này không dễ, vậy nên mình thấy đa phần việc sử dụng kĩ xảo hiệu ứng chuyển động chỉ mang lại những hình ảnh động cứng nhắc cùng những màn tương tác vụng về và sự đặc tả chi tiết thiếu tới thiếu lui.
Tuy nhiên, Dragon Ball Super: Super Hero đã khiến mình khá bất ngờ khi phá vỡ công thức của anime CGI. Dragon Ball Super: Super Hero cho mình cảm giác như những tập truyện tranh được dựng lên theo mô hình 3D, nó “thật” và mang nét hoài cổ nhưng không quá cứng nhắc. Đặc biệt là nó chi tiết đến mức khó tin, dường như được dựng lại toàn bộ những gì có trong truyện một cách khá mượt mà.
>>> Xem thêm: Xếp hạng nhân vật trong Dragon Ball: Goku vẫn là siêu sao vô địch
Lần này trong Dragon Ball Super: Super Hero, những nhân vật khác có cơ hội chiếm sóng nhiều hơn, thậm chí là trở thành nhân vật chính để thay cho Goku và Vegeta. Theo đó, Piccolo đảm nhận vai trò chính yếu trong tập phim Dragon Ball Super: Super Hero. Đây cũng là nhân vật mình cảm thấy thú vị và có sự phát triển tính cách tốt nhất trong xuyên suốt cả bộ phim. Sự thay đổi từ thù thành bạn của Piccolo khiến mình có chút bất ngờ.
Mặc dù trong truyện, Piccolo có phần hơi mờ nhạt và bị lãng quên suốt phần sau của Z và Super nhưng khi lên phim thì mình thấy có vẻ “hào quang nhân vật chính” làm cậu có vẻ bảnh tỏn và bản lĩnh hơn hẳn.
Trong Dragon Ball Super: Super Hero, ngoài Piccolo thì Gohan cũng chiếm spotlight khá nhiều. Trước đó trong truyện, Gohan cũng được “push” khá nhiều trong thời kỳ đầu của Dragon Ball Z. Lúc đó anh như một chiến binh có tiềm năng vô hạn. Và một lần nữa, trong Dragon Ball Super: Super Hero, Gohan đã cho mình thấy được sự oai phong có thể gọi là bậc nhất trong toàn vũ trụ.
Nếu ai đọc truyện trước rồi sẽ biết về mối quan hệ và quá khứ của Piccolo với Gohan có rất nhiều điều thú vị. Nhưng mà mình nghĩ bạn nên tự mình khám phá sự thú vị này, mình chỉ nhắc sơ qua thôi nha.
>>> Xem thêm: Dragon Ball Super: Cuộc chiến nảy lửa, Pan và Hedo cute quá thể
Điều khiến mình cảm thấy thích thú với Dragon Ball Super: Super Hero nữa là có sự kết hợp giữa những pha hành động với các yếu tố hài hước. Những màn combat rất đã tai, đã mắt khiến mình tin rằng đó là trận chiến của những chiến binh thực thụ. Yếu tố hài hước cũng được thêm vào một cách nhẹ nhàng, tinh tế, dễ hiểu.
Tuy nhiên, Dragon Ball Super: Super Hero cũng có điểm yếu. Hai điểm yếu lớn nhất của Dragon Ball Super: Super Hero mình có thể thấy, một là việc phân tầng chính phụ rõ rệt tới mức vai phụ hoàn toàn mờ nhạt. Ngoài Piccolo và Gohan, những vai diễn còn lại đều chỉ làm nền.
Điều này cũng kéo theo vai phản diện có vấn đề. Phản diện của Dragon Ball Super: Super Hero không khiến mình có cảm giác giống như một phản diện lắm. Người thì ngớ ngẩn, người thì tấu hài nhiều hơn là làm nhiệm vụ còn người thì đơn thuần như một cỗ máy vô tri. Không ai thể hiện được sự xảo quyệt hay mưu mô gì đáng sợ cả.
Cũng như một số loạt phim khác, ở khúc đầu, Dragon Ball Super: Super Hero dường như cố gắng kéo khán giả lại gần bộ phim bằng cách setup thế giới quá kỹ kèm theo những cuộc hội thoại dài dòng, lê thê. Điều này không những khiến mình mất tập trung mà còn hơi chán. Giữa phim thì có phần hơi vội vã, cứu vớt lại đoạn cuối thì tạm ổn.
Nếu bạn nghĩ rằng chưa biết gì về loạt phim Dragon Ball trước đó sẽ không thể hiểu được bộ phim một cách trọn vẹn thì đừng lo. Thật sự Dragon Ball Super: Super Hero rất dễ hiểu. Mình thấy thời gian gần đây có khá nhiều thương hiệu ra rạp và họ đều đang cố gắng làm mọi thứ đơn giản, dễ hiểu nhất để tiếp cận nhiều khán giả, và Dragon Ball cũng đi theo hướng đó.
* Bài viết của Salonpas chia sẻ tại box Mọt phim Review
Nếu bạn quan tâm đến tin tức mới nhất về những bộ phim sắp chiếu , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim Dragon Ball Super: Super Hero? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây
Facebook - bình luận