Tôi cho rằng sau tuổi 30, cuộc sống và sự nghiệp của mỗi người sẽ dần khác nhau. Có người đã có chỗ đứng nhất định cho riêng mình, có người đã theo đuổi được đam mê nhưng cũng có người chỉ mới bắt đầu tìm kiếm cơ hội khác cho bản thân ở những cánh cửa mới.
Mark Zuckerberg - nhà sáng lập Facebook trở thành tỷ phú năm 23 tuổi và là một trong những tỷ phú trẻ tuổi nhất thế giới. Sau Zuckerberg, nhà đồng sáng lập kiêm CEO của ứng dụng mạng xã hội Snapchat đã trở thành tỷ phú ở tuổi 25 (2015). Cái tên thứ ba cũng là một gương mặt quen thuộc khác. Đó là người đồng sáng lập Google, Larry Page - người trở thành tỷ phú ở tuổi 30, hiện 47 tuổi và có tổng giá trị tài sản ròng là 66,8 tỷ USD. Theo sau họ là người đồng sáng lập Microsoft, Bill Gates và người sáng lập Amazon, lần lượt trở thành tỷ phú ở tuổi 31 và 35.
Trái ngược với các vị tỷ phú trẻ tuổi, Warren Buffett trở thành huyền thoại của giới tài chính ở tuổi 55, khi những người khác đã có được những thành công nhất định.
Như bạn có thể thấy, vạch xuất phát của mọi người là khác nhau. Điều cần làm là chuẩn bị như thế nào để nắm bắt cơ hội thay đổi. Jack Ma từng nói: "Ở giai đoạn 20 đến 30 tuổi, bạn nên theo một ông chủ tốt và gia nhập một công ty tốt để học làm việc đúng cách. Từ 30 đến 40 tuổi, nếu bạn muốn tự mình làm điều gì đó, hãy cứ làm. Bạn vẫn có thể đủ khả năng để thua, để thất bại”.
30 tuổi chưa chắc đã thành công. Nhưng để con đường sự nghiệp của bạn phát triển mạnh mẽ trong tương lai thì trong giai đoạn này, chúng ta cần thực hiện 4 điều sau:
1. Khám phá những gì bạn yêu thích
“Hai mươi năm sau lúc này, bạn sẽ thấy thất vọng vì những điều mình không làm hơn vì những điều mình đã làm. Vậy nên hãy tháo nút dây. Hãy cho thuyền rời khỏi bến cảng an toàn. Hãy căng buồm đón gió. Tìm tòi. Ước mơ. Khám phá.” - Helen Keller. Nếu còn trẻ, hãy cho bản thân cơ hội để mở mang cuộc sống bởi bạn đang ở độ tuổi may mắn nhất, có sức trẻ và năng lượng để học hỏi.
J. Kelly Hoey, chuyên gia nghề nghiệp tại New York khuyên bạn nên thực hiện những dự án mới để mở rộng các kỹ năng cá nhân. Cô cũng khuyến khích người trẻ nên thử sức ở nhiều vai trò hơn để tìm kiếm điểm mạnh và phát triển theo cách riêng.
Chỉ khi bạn có cơ hội va chạm thực tiễn với nhiều lĩnh vực khác nhau, bạn mới có thể phát huy hết điểm mạnh của mình. Ở giai đoạn đầu của sự nghiệp, việc tích cực theo đuổi sự tò mò nghề nghiệp và tìm kiếm nhiều kinh nghiệm làm việc sẽ giúp tương lai của bạn trở nên rộng mở, vì vậy hãy biết nắm bắt cơ hội.
2. Mở rộng các mối quan hệ
Khi bước ra đời, điều bạn cần là các mối quan hệ. Nếu bạn muốn phát triển sự nghiệp, sự gắn kết với đồng nghiệp, đối tác hay thậm chí với sếp là điều cần thiết. Đừng quên mở rộng mạng lưới quan hệ ở cả bên trong lẫn bên ngoài nơi làm việc. Luôn giữ liên lạc với những người thầy, những người bạn cũ đồng thời kết bạn với những người bạn có cùng lĩnh vực, cùng sở thích hay đam mê. Nếu biết cách xây dựng các mối quan hệ, bạn sẽ dễ dàng nhận được sự trợ giúp để đi đến thành công.
3. Định hình thương hiệu cá nhân
“Những đổi mới lớn chỉ xuất hiện khi con người không sợ làm điều khác biệt”. – Georg Cantor. Xây dựng cho mình thương hiệu cá nhân là chìa khóa mở mọi cánh cửa ở độ tuổi 30. Thực tế, các tập đoàn lớn trên thế giới đều có một điểm khác biệt để trở nên nổi bật so với các đối thủ cạnh tranh của họ.
Trong một môi trường có rất nhiều người giỏi, thì sự khác biệt chính là yếu tố then chốt giúp bạn thành công. Học cách suy nghĩ khác đi, phát huy những đặc điểm nổi bật của bản thân, đây sẽ là nền tảng vững chắc cho những bước nhảy tiếp theo của bạn.
4. Đặt ra mục tiêu để theo đuổi đến cùng
Cuộc sống của bạn sẽ rất tẻ nhạt và nhàm chán nếu mỗi sáng thức dậy, bạn trống rỗng và không biết mình cần phải làm gì. Mục tiêu chính là thứ bạn cần để không bị lạc lối trước những cám dỗ và cũng chính là động lực để bạn hướng về tương lai. “Nếu bạn không có mục tiêu cụ thể, bạn sẽ chẳng đạt được gì” –Zig Ziglar. Một lời khuyên cho bạn đó là hãy đặt ra các mục tiêu cụ thể để đo lường sự tiến bộ hàng ngày của mình.
Sắp xếp các mục tiêu một cách hợp lý, từ quan trọng đến kém quan trọng hơn. Đặc biệt khi bạn 30 tuổi thì việc cân bằng giữa công việc. "Khi bạn đặt mục tiêu, hãy nhớ đừng giới hạn bản thân ở một mức lương hoặc vị trí nhất định. Ở tuổi 30, bạn có thể đã trải qua nhiều loại môi trường làm việc khác nhau. Vì vậy, cân bằng giữa công việc và cuộc sống và tìm việc có mục đích là rất quan trọng."
Kết: Nên nhớ rằng: Không bao giờ quá muộn để bắt đầu. Vì vậy khi đọc được những điều này, tôi hi vọng bạn sẽ ngay lập tức đi tìm những cơ hội mới và nỗ lực xây dựng chuyên môn, thành công sẽ sớm mỉm cười với bạn.
* Bài viết của Tian Yi chia sẻ tại box DAN FC
Đời người là cuộc hành trình vượt qua thử thách, nếu bạn có những tâm đắc về cuộc sống, về sự nghiệp , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Facebook - bình luận