Đường Lên Đỉnh Olympia hay Ai Là Triệu Phú vốn là 2 chương trình kiến thức tổng hợp hàng đầu hiện nay, song vẫn xuất hiện những câu hỏi/đáp án "lạ lùng" khiến khán giả hoang mang, thí sinh ấm ức còn giới chuyên môn thì bó tay.
Đường Lên Đỉnh Olympia
Vốn là chương trình học thuật uy tín, Đường Lên Đỉnh Olympia là đấu trường tri thức lớn nhất tại Việt Nam. Chương trình yêu cầu người chơi tập trung cao độ bởi mỗi câu hỏi chỉ có duy nhất một đáp án chính xác. Ấy vậy mà không ít lần ban tổ chức phải "muối mặt" vì những lùm xùm xoay quanh các câu hỏi và câu trả lời.
1. “Muối” và “muối ăn” - Cái nào là đáp án đúng?
Trong trận chung kết năm thứ 11, ở vòng Tăng tốc, một loạt các dữ kiện được đưa ra để các thí sinh đoán đáp án cho câu hỏi: "Đây là gì?". Ba “nhà leo núi” cùng đưa ra câu trả lời là “muối” trong khi chỉ duy nhất Ngọc Oanh chọn “muối ăn”. Sau đó, cố vấn hóa học Nguyễn Đức Chuy cho rằng câu trả lời của Ngọc Oanh "mới là chính xác" vì 1 trong 5 gợi ý của đề bài xuất hiện hình ảnh người nông dân làm muối. Nhờ sự chấp thuận này mà Ngọc Oanh "lật ngược tình thế". Năm đó, Ngọc Oanh đã giành chức vô địch.
Ngay sau đó, hàng loạt tranh cãi xảy ra khi phía khán giả lại cho rằng "muối" hay "muối ăn" đều không phải đáp án chính xác và phù hợp nhất. Ban đầu phía MC đã công bố đáp án là "muối". Tuy nhiên sau khi có chuyên gia cố vấn lại đổi thành "muối ăn". Theo nhiều người, nếu đối chiếu với 1 gợi ý khác về tác phẩm Muối của rừng thì đáp án "muối ăn" là hoàn toàn "lệch tông". Và có sự thay đổi đáp án như thế cũng không phù hợp vì chương trình chính là bên ra câu hỏi nhưng lại không hề chắc chắn về câu trả lời.
2. Cùng câu hỏi và câu trả lời nhưng kẻ thua, người thắng
Góp phần vào "bộ sưu tập sạn" của Đường Lên Đỉnh Olympia là câu hỏi: "Tại những nơi nào trên Trái Đất có thể nói giờ nào cũng đúng?”. Trong cuộc thi Tuần 2, Tháng 1, Quý 3 vào ngày 5/3/2017, thí sinh Trần Bảo Nhân đã đưa ra câu trả lời là "Nam Cực và Bắc Cực".
Ấy vậy mà chương trình đã không công nhận đáp án của nam sinh. Trước đó, vào chung kết năm 2005, cùng một câu tương tự, thí sinh Lê Vũ Hoàng đã trả lời giống với Trần Bảo Nhân và được cho điểm, giúp cậu giành vòng nguyệt quế. Khán giả hoài nghi rằng tại sao cùng một câu hỏi, cùng một đáp án nhưng lúc thì đúng, lúc thì sai ? Cho tới nay, ban tổ chức vẫn chưa đưa ra thông tin đính chính về sự cố năm đó.
3. Đáp án thiếu sự chuẩn xác
Trong phần thi Tăng Tốc của chung kết năm 2012, ban tổ chức đã đưa ra câu hỏi đánh đố về cách cân bằng mặt trăng và ngôi sao khá phức tạp.
Không làm khó được những “nhà leo núi”, thí sinh Trần Lê Phương và Đặng Thái Hoàng đã chọn nhanh chóng chọn đáp án C là 6 và được cho điểm. Thế nhưng, khán giả lại không phục kết quả này vì theo như phân tích, các đáp án có sẵn đều sai. Câu trả lời chính xác nhất phải là 5,6666... thay vì số chẵn theo chương trình.
Kết quả chung cuộc, Đặng Thái Hoàng giành ngôi quán quân và á quân là Thân Ngọc Tĩnh. Các diễn đàn học thuật bắt đầu xôn xao bởi lẽ đáng ra Thái Hoàng phải bị trừ điểm cho câu hỏi trên. Nếu vậy, kết quả chung cuộc, anh sẽ về nhì sau Thân Ngọc Tĩnh. Thế nhưng, ban tổ chức vẫn quyết định không thay đổi kết quả. Nhiều hội nhóm, fanpage được lập ra nhằm ủng hộ Ngọc Tĩnh, đòi lại công bằng cho thí sinh.
4. Câu hỏi lắt léo nhưng thời gian suy nghĩ thì quá ngắn
Bên cạnh đó, chương trình còn cài cắm những câu hỏi khó bất ngờ trong khi thời gian cho phép chỉ vỏn vẹn 15 giây. Đơn cử như phần thi Về đích của thí sinh Tô Đức Quang. Bạn nhận được câu hỏi "căng não" là: "Biết ngày 1/1/2019 là thứ Ba, hỏi ngày 1/1/2079 là thứ mấy?”.
Dưới áp lực thời gian, Đức Quang vội vàng đưa ra đáp án "thứ Ba" và không giành được điểm. Trái với dự đoán rằng MC Diệp Chi sẽ giải thích như thường lệ, cô chỉ đưa ra câu trả lời chính xác là "Chủ nhật" và chuyển sang câu hỏi tiếp.
Với một câu hỏi khó như câu trên lại trong thời gian ngắn như vậy, nhiều khán giả cho rằng như vậy là quá sức với một cậu bé cấp 3.
>> Xem thêm: Thiều Bảo Trâm xóa hình cũ, Hải Tú bất ngờ "đào" lại ảnh của Sơn Tùng năm 2012
Ai Là Triệu Phú
Là một trong những chương trình có tuổi đời khá dài, Ai Là Triệu Phú suốt nhiều năm vẫn duy trì sức hút nhờ bộ câu hỏi tổng hợp thú vị, cung cấp cho người chơi và khán giả những kiến thức đa lĩnh vực. Song, đôi lúc chương trình cũng vấp phải một số tranh cãi khi câu hỏi và đáp án chưa thực sự hợp lý.
1. Một câu hỏi nhưng có tới hai đáp án
Ngay trong số "mở bát" năm 2021, người chơi Trần Đăng Khoa đã nhận được câu hỏi: "Loài chim nào sau đây có thể bắt chước được tiếng người?". Đáp án gồm có: "Chích bông, họa mi, quạ và vẹt". Câu trả lời “vẹt” của anh trùng khớp với đáp án chương trình. Song, nhiều khán giả lại không đồng tình vì trên thực tế, quạ cũng có thể "nhại" lại tiếng người. Câu hỏi này được đánh giá là không thỏa mãn với tiêu chí “chỉ 1 đáp án chính xác duy nhất” của chương trình.
2. Câu hỏi mơ hồ, thiếu thực tế
Cũng trong số phát sóng ngày 19/1/2021, một người chơi nhận được câu hỏi tưởng dễ: "Đường vô xứ... quanh quanh. Non xanh nước biếc như tranh họa đồ". Bốn đáp án của chương trình để điền vào chỗ trống lần lượt là: "Thanh, Nghệ, Huế, Đoài". Thí sinh đã chọn đáp án "Nghệ" và được thông báo đây là câu trả lời đúng.
Người xem lại không đồng tình với đáp án chương trình. Bởi lẽ, nội dung câu trên được trích lục từ ca dao tục ngữ mà ca dao tục ngữ thường có nhiều dị bản tùy vùng miền. Chúng ta khó lòng xác định được ai là tác giả gốc và đâu là phiên bản chính xác nhất. Do vậy, câu hỏi còn khá mơ hồ và thiếu thực tế.
3. Từ ngữ được dùng trong câu hỏi không chính xác
Trước đó, vào năm 2019, trong phần thi của Cee Jay, YouTuber người Nigeria nổi tiếng với các clip nói tiếng Việt, câu hỏi chương trình đưa ra: "Câu lạc bộ bóng đá nào của nước Anh có biểu tượng là chú gà chọi?". Anh liền hỏi lại MC Phan Đăng rằng gà chọi có phải gà trống không. Nam MC đã gợi ý: "Gà chọi là loại gà người ta mang ra cho hai con chọi nhau, đấu nhau xem con nào thắng con nào”.
Dù còn hơi mơ hồ song Cee Jay đã chọn đáp án đúng là "Tottenham" sau khi sử dụng quyền trợ giúp khán giả trường quay. Thế nhưng, theo những người yêu thích bóng đá, linh vật của Tottenham là một chú gà trống thay vì gà chọi. Phe đối lập lại cho rằng chẳng ai lại lấy gà mái ra chọi cả vậy nên bảo gà chọi là gà trống cũng không sai. Tranh cãi về lời giải thích “nửa đúng, nửa sai” của MC vẫn tiếp tục diễn ra sau đó.
4. Đáp án không chính xác hay dụng ý riêng của chương trình?
Ai Là Triệu Phú thi thoảng cũng xuất hiện những câu hỏi "trời ơi đất hỡi", thách thức các chuyên gia như phần thi của nữ kỹ sư Phạm Thị Quyên (26 tuổi). Câu hỏi cô nhận được là: "Từ nào còn thiếu trong các câu tục ngữ dân gian sau về kinh nghiệm gieo trồng: "Trẻ trồng đa, già trồng...?".
Bốn đáp án đưa ra là: "Thông, si, xoan, mít". Sau khi loại trừ 50/50, nữ kỹ sư "chốt đơn" đáp án "mít" trong khi câu trả lời chính xác từ chương trình là "thông". Theo lý lẽ của MC Lại Văn Sâm: "Theo kinh nghiệm dân gian thì đa là loại cây chậm lớn, muốn có cây đa to thì phải trồng từ lúc còn rất là trẻ. Còn thông là loại cây rất mau lớn. Người già trồng thông vẫn có thể hưởng thụ thành quả lao động của mình”.
Nhưng theo nhà nghiên cứu văn học Phạm Xuân Nguyên, ông chia sẻ: "Câu này rất mới". Bởi trước đó, ông chỉ biết đến câu: "Trẻ trồng na, già trồng chuối”, vừa thỏa mãn về phần vần lại vừa hợp lý về mặt logic.
Trong khi với đáp án của chương trình, thông là giống cây ôn đới/hàn đới trong khi chuối lại là cây nhiệt đới, làm sao có thể so sánh như vậy được. Các nhà nghiên cứu khác cũng lên tiếng về kết quả chương trình, phần đông cho rằng ban tổ chức đã đưa ra câu trả lời chưa chính xác, có thể là một biến thể nào đó của câu ca dao tục ngữ chăng.
>> Đừng bỏ lỡ: Cuộc sống của nghệ sĩ Tấn Hoàng tuổi 60: Đổi 12 căn nhà, xe đi mười mấy chiếc
Suy cho cùng, bỏ qua những lùm xùm không đáng có về bộ câu hỏi/câu trả lời, Đường Lên Đỉnh Olympia và Ai Là Triệu Phú vẫn là "thức ăn tinh thần" cung cấp kiến thức bổ ích cho khán giả. Hy vọng ban tổ chức chương trình sẽ tiếp thu ý kiến khán giả, ngày một hoàn thiện hơn trong tương lai.
Cùng cập nhật tất tần tật tin tức nóng sốt nhất về phim điện ảnh, truyền hình, game show tại DienAnh.Net nhé!
Facebook - bình luận