Cha mẹ già đi - đó là quy luật của tạo hoá nhưng phận làm con mà sinh lòng phiền ngại khi thấy 7 hoàn cảnh cha mẹ xế chiều thì... nghiệp nặng lắm ai ơi!
Chắc hẳn bạn đã nhìn thấy rất nhiều những hình ảnh về cụ ông cụ bà lụm cụm khi tuổi xế chiều hay đọc những bài viết về công ơn cha mẹ... Vậy bạn có nghĩ rằng, liệu bạn có đủ điều kiện để mang đến cho cha mẹ của bạn một cuộc sống đầy đủ, chăm lo và cầu thị để song thân không gặp phải những hoàn cảnh trái ngang cực khổ như trong bài viết này không?
Khi cha mẹ già, chân yếu tay mềm
Bước sang tuổi xế chiều, đồng nghĩa với việc cha mẹ không còn khoẻ mạnh, dẻo dai như xưa. Trong bữa cơm họ có thể làm rơi vãi cơm canh, làm nhem nhuốc vào cả áo quần, phận làm con, xin đừng thấy phiền, đừng ngại cũng đừng trách người làm cha mẹ. Chẳng phải chúng ta cũng đã từng có tuổi thơ giống như bậc sinh thành bây giờ đó sao. Cha mẹ của lúc ấy chẳng bao giờ hờn giận, ngược lại còn kiên nhẫn dạy dỗ chúng con, hãy nhớ về ngày ấy…
Đừng hờn trách vì đôi tay yếu mềm này đã tảo tần cho cuộc sống của con.
Khi cha mẹ già, đi đứng khó khăn
Tuổi già sức yếu, chân tay không còn cứng cáp, nếu cha mẹ muốn ra ngoài đi đây đi đó cho khuây khoả, người làm con chớ nên cảm thấy phiền não. Thay vào đó, hãy nhớ về thuở còn thơ dại, là ai đã dìu dắt ta từng bước, là ai đã nâng đỡ ta sau mỗi lần vấp ngã?
Khi cha mẹ già, đầu óc kém minh mẫn
Tuổi già lấy đi nhiều thứ, đó là sức khoẻ, là sự tổn hại không nhỏ về mặt tinh thần, trí não. Nếu chẳng may cha mẹ có để quên đồ ở đâu đó, con ơi, đừng trách đừng giận người nhé! Chẳng phải chúng ta cũng từng có khoảng thời gian quên trước quên sau, hỏi cha mẹ mãi hay sao?
Trí óc này đã cạn kiệt nguồn minh mẫn vì lo lắng và toan tính cho con.
Khi cha mẹ già, dễ sinh lẩm cẩm
Nếu cha mẹ cứ nhắc mãi một sự việc, dù nghe trăm lần, người làm con cũng nên nhẹ nhàng bỏ qua. Đây không phải là điều mà bậc sinh thần mong muốn, mà chính vì thời gian đã cướp đi gần như tất cả của họ. Trong những lúc ấy, hãy nhớ về ngày xưa, ngày mà ta cứ bắt cha mẹ kể mãi một câu chuyện cho một đêm trước khi đi vào giấc nồng.
Khi cha mẹ già, mãi xem con là đứa trẻ bé bỏng
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ”, phải vậy, trong lòng của người làm cha mẹ, dù con cái đã bao nhiêu tuổi, trưởng thành thế nào thì trong mắt họ vẫn mãi chỉ là đứa trẻ ngây thơ, trẻ dại. Cho nên, từng lời nhắc nhở nhỏ nhặt nhất vẫn được họ thốt lên, phận làm con ơi, chúng ta còn được nghe những lời này bao lâu nữa đâu, nên đừng giận, đừng trách cha mẹ nhiều lời.
Cha lẩm cẩm nói nhiều cũng chỉ vì sợ chưa chỉ hết những điều tốt đẹp cho con.
Khi cha mẹ già, tính nết đổi thay
Đừng quá bất ngờ khi thấy tính nết cha mẹ đột nhiên thay đổi, dẫu có cằn nhằn, cáu gắt, khó chịu thì cũng chẳng bằng lúc chúng ta giận nẫy ăn vạ thuở ấu thơ đâu. Phận làm con đã không tìm cách để thích nghi, mà lấy đó làm sự khó chịu để rồi tạo ra sự xa cách mẹ cha thì cũng chính là lúc ta đẩy song thân vào sự bế tắc và cô đơn.
Khi cha mẹ già, chính là lúc phải đi
Cha đã già, mẹ cũng chẳng còn trẻ, thời gian chúng ta có thể ở bên để hiếu thuận không còn nhiều, xin người làm con phải biết trân quý. Không có công việc này còn có công việc khác, không có bữa tiệc này còn có trăm ngày vui khác, còn khoảnh khắc cuối cùng của đời mẹ cha, chẳng bao giờ có thể lặp lại. Nếu thực sự là đứa con ngoan ngoãn muốn làm tròn chữ hiếu thì phải ở bên cha mẹ những ngày này để chăm sóc, để yêu thương người.
Cha mẹ khi về già, họ chẳng cần sống trong nhung lụa hay phú quý, họ chỉ cần có con cái ở bên mình.
Nếu bạn dám chắc cha mẹ mình sẽ có một cuộc sống đầy đủ nhất, sẽ thoải mái hưởng thụ những điều kiện tốt nhất từ con cháu mang lại, hoàn toàn không phải chịu những nghịch cảnh trên thì tôi xin nói lời chúc mừng cha mẹ bạn đã sinh được người con có hiếu. Thật vậy, nếu chúng ta biết nghĩ về cha mẹ, thì dù chỉ một lời hỏi han, từng cái nắm chặt tay thì chắc chắn cha mẹ của chúng ta sẽ không bao giờ phải sống cảnh tủi khổ, sẽ không bao giờ trở thành gánh nặng cho con cái. Và cuối cùng phận làm con chúng ta luôn phải nhớ rằng:
Nếu mình hiếu với mẹ cha
Thì con cũng hiếu với ta khác gì
Nếu mình ăn ở vô nghì
Ðừng mong con hiếu làm gì hoài công.
Facebook - bình luận