x

Đăng nhập

Comming soon...

Review phim

Âu Mỹ

Giải mã các chi tiết "xem nhiều lần mới hiểu" trong Rừng Hiến Tế

Xì Bàng 15:00 - 26/03/2022

*Bài viết có thể tiết lộ nội dung phim

Rừng Hiến Tế (tựa gốc: Gaia) là phim kinh dị chủ đề sinh thái của đạo diễn Nam Phi Jaco Bouwer. Với toàn bộ bối cảnh ở các khu rừng nguyên sinh ở Tsitsikamma, đạo diễn đã tạo nên không khí bí ẩn, đen tối cho phim. Rừng Hiến Tế không hẳn là một bộ phim hàn lâm nhưng cũng có khá nhiều tình tiết xoắn não người xem. 

Phim là câu chuyện kể về hành trình của hai nhân viên kiểm lâm là Gabi (Monique Rockman) và Winston (Anthony Oseyemi) trong một lần đi dọc bờ sông quan sát rừng. Vì để tìm lại chiếc flycam thất lạc, Gabi vào trong rừng sâu và không may bị mắc bẫy thú khiến chân bị thương. Trong đêm tối, cô tìm đường vào được một căn nhà gỗ và nhờ giúp đỡ. 

Tại đây, cô gặp được hai cha con kỳ lạ là Barend (Carel Nel) và Stefan (Alex van Dyk). Cha con Barend có cuộc sống tách biệt với thế giới bên ngoài và có những mối liên kết tâm linh với khu rừng này. 

Rừng Hiến Tế không đơn thuần gửi gắm những thông điệp về sinh thái, môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu mà còn mang nặng những yếu tố về thần thoại, tôn giáo, thần học và triết học. Mỗi một chi tiết bên trong Rừng Hiến Tế đều mang những ý nghĩa phải “xem đi xem lại mới hiểu được”. 

>>> Xem thêm: Rừng Hiến Tế: Phim kinh dị lạ lẫm, xem trailer đã thấy sợ

Hình tượng nhân vật Gabi - lấy cảm hứng từ nữ thần Đất mẹ Gaia

Nhà sản xuất đã dùng tên của Nữ thần Đất mẹ Gaia làm tựa đề cho phim Gaia của mình. Trong thần thoại Hy Lạp, Gaia được sinh ra từ hỗn mang Chaos và là người sinh ra vạn vật trên thế gian này. Bà được tôn sùng là tổ tiên của vạn vật trên trái đất.

Gaia được khắc họa là với hình tượng vị thần được bao phủ bởi hoa cỏ, thực vật trên mặt và luôn nằm sâu dưới lòng đất. Tuy có tính cách bao dung, rộng lượng và yêu thương con người nhưng mỗi khi thức tỉnh, Gaia sẽ khiến con người phải trả giá. Gabi là nhân vật có tính cách rõ nét nhất theo nguyên mẫu của nữ thần Gaia. 

Nhân vật Gabi (Monique Rockman) là nữ kiểm lâm bị lạc vào ngôi nhà của cha con Barend sau khi đi tìm chiếc flycam. Ngay từ cái tên, “Gabi” đã là một phép chơi chữ của “Gaia”. Trong nhiều nền văn hóa như Do Thái, Pháp, Anh và Italian, tên Gabi mang ý nghĩa là “người phụ nữ của Chúa”. 

Điều này cũng hoàn toàn hợp lí khi được dùng để lí giải những giấc mơ của Gabi. Cô luôn nằm mơ thấy những tế bào nấm mọc đầy người mình và có sự liên thông giữa cô và Nữ thần Gaia theo lời của Barend. Từ lúc vừa bước vào cánh rừng, Gabi đã thực sự hòa nhịp với khu rừng khi nghe được tiếng của Gaia. 

Xuyên suốt quá trình ở rừng, Gabi thường xuyên mơ và nghe thấy những tín hiệu từ Gaia qua cây thần. Trong lần cùng với Barend, Stefan thực hiện nghi lễ liên kết với Gaia, chỉ duy nhất có Gabi nghe được ước muốn của cây thần là hãy mang Stefan đi hiến tế. 

Là nhân vật nữ duy nhất trong phim, Gabi đóng vai trò như một người bạn, người mẹ của Stefan. Với đứa trẻ lớn lên ở rừng như Stefan, cậu hoàn toàn như một trang giấy trắng. Gabi đã dạy cho Stefan thế nào là “tình yêu”, cô dạy anh cách phát âm và đặt tay lên tim để cảm nhận được tình yêu của bản thân mình dành cho người khác.

Ở đoạn kết của phim, Gabi nằm lại nơi rừng sâu với những cây nấm và muôn đóa hoa rực rỡ trải dài thân mình tựa như được trở về với chính thiên nhiên. Nếu những người nấm khác chịu kiếp sống giày vò, mục ruỗng với những chiếc vảy nấm khô héo thì xác thân Gabi lại tươi tốt như chính tâm hồn thiện lương của cô vậy. Nên nhớ, ngay từ đầu phim, Gabi quay lại rừng tìm flycam bởi lẽ cô “không muốn bỏ lại chút rác nào trong khu rừng này”. 

Barend hiến tế Stefan - một “Abraham” đảo ngược

Đúng như cái tên của mình, bên trong khu rừng là những nghi lễ hiến tế đặc biệt, thậm chí có phần nguy hiểm. Từ sau cái chết do căn bệnh ung thư xương của vợ mình, Barend mất đi hoàn toàn niềm tin vào thế giới hiện đại dù trước đó cả vợ chồng ông đều là nhà nghiên cứu khoa học. 

Tìm đến đức tin như một chỗ dựa, Barend nói rằng mình đã nhìn thấy được Gaia và lập hiệp ước về một kỷ nguyên mới, đó kỷ nguyên sau của Anthropocene. Anthropocene được Barend đề cập là cụm từ chỉ kỷ nguyên của biến đổi khí hậu hiện nay, là hậu quả của cuộc cách mạng công nghiệp. Hiệp ước của Barend và Gaia là dùng một loài nấm có khả năng lây lan qua bào tử, ăn các bộ phận và dần dần giết chết con người để tạo lập một thế giới mới. 

Sau khi mất vợ, Barend đã loại bỏ mọi thiết bị tối tân ra khỏi cuộc đời mình, nuôi dưỡng con trai một cách hoang sơ như thời nguyên thủy. Trong khu rừng, chỉ có hai cha con là không bị bào tử nấm lây nhiễm do được ăn một loại nấm từ cây thần Gaia. 

Cảnh Barend quyết định hiến tế con trai mình là Stefan cho cây thần đã tái hiện một phần sự tích của Abraham trong Kinh Thánh. Vì để phụng sự Thượng đế, Abraham sẵn sàng hiến tế con trai mình là Isaac. Thế nhưng, đây chỉ là phép thử của Thượng đế về lòng trung thành của ông. 

Sự hiến tế của Barend lại nhận được kết quả hoàn toàn đảo ngược và có phần đen tối. Đó không phải là một phép thử từ đấng quyền năng mà là sự mù quáng của chính Barend. Kết quả đã thực sự đảo lộn khi người bị hiến tế là chính Barend chứ không phải Stefan. 

Bàn ăn mọc đầy nấm của Stefan - cuộc “hành hương” bắt đầu

Sau khi Barend và Gabi qua đời, Stefan tiến vào thành phố hiện đại và sống một cuộc đời khác. Tuy nhiên, liệu anh có thực sự sống khác?

Một tay do Barend nuôi dưỡng từ bé trong môi trường vô cùng thanh sạch của rừng nguyên sinh, Stefan là đứa trẻ vô cùng vâng lời, có phần ngây thơ và ngại giao tiếp với thế giới. Khi cùng Gabi chạy trốn, dẫu biết sẽ bị đem ra hiến tế nhưng Stefan vẫn tin lời cha mình, rằng ông sẽ bảo vệ anh. 

 >>> Xem thêm: Rừng Hiến Tế: Thông điệp ý nghĩa nhưng vẫn chưa tạo được sự đồng cảm

Trước lúc bị cây thần hút hết sinh khí, Barend đã không ngừng dặn dò con trai rằng “Con hãy nhớ lấy cuộc đời lớn của chúng ta. Cuộc hành hương của con giờ mới bắt đầu”. Tiến vào thành phố nhộn nhịp, Stefan thử những thức ăn nhanh đại diện cho nền công nghiệp này nhưng sau khi anh rời đi, bàn ăn mọc đầy những bào tử nấm. 

Phải chăng đó là Stefan đang tiếp tục thực hiện nhiệm vụ mà cha mình giao phó. Anh tiếp tục hành trình lây lan những bào tử mới nhằm thiết lập một thế giới mới như hiệp ước cha mình đã viết ra. 

Rừng Hiến Tế là phim lồng ghép rất nhiều hình tượng đa nghĩa. Những chi tiết này gợi cho mình khá nhiều thông điệp về mối tương quan giữa con người và thiên nhiên. Gaia luôn sẵn sàng che chở nhưng cũng sẵn sàng cho con người nhận lấy trừng phạt bởi những tác động sinh thái. Bạn cảm nhận như thế nào về những chi tiết xoắn não trên, nếu có hãy comment bên dưới nhé. 

*Bài viết của Xì Bàng gửi về DienAnh.Net.

Xem đầy đủ thông tin và review hay về Gaia (Rừng Hiến Tế) tại Thư Viện PhimPhim Hay Sắp Chiếu nhé

Facebook - bình luận

Bài Cùng chuyên mục

Trẻ trâu không đùa được đâu: Đậm chất rock, tình cảm “gà bông”

Nga Cao

Nga Cao

Trẻ trâu không đùa được đâu là bộ phim Thái Lan xây dựng câu chuyện về thiếu nhi và thanh thiếu niên. Tác phẩm có nhiều điểm đáng nhớ dù tồn tại thiếu sót.

Paris Has Fallen: Bộ phim hành động cực đã, cuốn hút từng tập trên K+

Hải Lệ

Hải Lệ

Lấy bối cảnh Paris, các tập phim Paris Has Fallen trên K+ xoay quanh âm mưu của một kẻ khủng bố cực đoan với kế hoạch đe dọa an ninh quốc gia và chính phủ Pháp.

Công tử Bạc Liêu gần gũi với thế hệ gen Z như thế nào?

Nga Cao

Nga Cao

Phim điện ảnh Công tử Bạc Liêu - Tác phẩm mới của Song Luân hứa hẹn thu hút đối tượng khán giả gen Z vì khắc họa tính cách nam chính Ba Hơn trẻ trung, gần gũi.

Làm Giàu Với Ma: Phim kinh dị còn nhiều thiếu sót của Hoài Linh

Nga Cao

Nga Cao

“Làm giàu với ma" - phim có Tuấn Trần, NSƯT Hoài Linh đóng chính kết hợp phong cách tình cảm - gia đình với kinh dị.

Quỷ Ăn Tạng (Tee Yod): Vẫn giữ được sự rùng rợn của nguyên tác

Nga Cao

Nga Cao

Quỷ Ăn Tạng xứng danh là bộ phim kinh dị "nặng đô" đạt doanh thu cao nhất tại "Xứ Chùa Vàng", phim vẫn giữ được những điều cốt lõi của câu chuyện nguyên tác.

Quỷ Cẩu: Truyền tải được nhiều thông điệp nhưng làm kỹ xảo chưa tốt

Lindo

Lindo

Quỷ Cẩu có nội dung chỉn chu, quy tụ dàn diễn viên thực lực của cả hai miền Nam - Bắc nhưng phần hiệu ưng, kỹ xảo của phim được làm chưa thực sự tốt.