Ngôi Đền Kỳ Quái là loạt phim lấy bối cảnh chùa chiền ở Thái Lan, kể về mối quan hệ nghiệp quả hay nói cách khác là kể về hành trình giải nghiệp của các nhân vật.
Cũng chính vì chọn chủ đề nghiệp quả nên Ngôi Đền Kỳ Quái cũng lồng ghép vào đó khá nhiều yếu tố tâm linh và liên quan đến những triết lý sâu xa của Phật giáo. Dưới đây là một số suy nghĩ của mình về những chi tiết khá là “tâm linh” trong phần mới nhất của Ngôi Đền Kỳ Quái.
Aod bị dính lời nguyền, toàn thân mọc vảy như rắn
Lời nguyền này bắt nguồn từ việc Aod vô tình khai quật được một chiếc vòng chân cổ bằng vàng từ một ngôi mộ ở Thế chiến thứ hai. Sau đó, Aod quyết định bỏ túi và rơi vào một lời nguyền khiến toàn thân anh nổi vảy như rắn.
Lời nguyền này như một con quỷ dữ thống trị Aod, khiến anh lên cơn sốt, toàn thân đau nhức. Điều đáng sợ hơn là lời nó còn đánh thức cả Nak Kam - nạn nhân đầu tiên của lời nguyền. Nak Kam đã thức giấc và bám theo Aod để đòi lại bằng được chiếc vòng cổ.
Việc cơ thể của Aod bị biến đổi chính là hình phạt có thể nhìn thấy ngay trước mắt, cũng là điều mà anh phải trả giá khi phạm sai lầm.
Chiếc vòng cổ bằng vàng - khởi nguồn của nghiệp quả
Chiếc vòng cổ bằng vàng là đại diện cho những cám dỗ, khơi gợi những ham muốn về vật chất của con người. Cũng vì tham lam nên Aod đã lấy chiếc vòng và bị vướng vào lời nguyền đáng sợ đó.
Nak Kam trở lại dương thế cũng vì chiếc vòng đó và từ đầu đến cuối cũng chỉ muốn giành lại nó. Aod thì lại giữ khư khư chiếc vòng và không muốn ai động vào.
Chi tiết này trong Ngôi Đền Kỳ Quái 3 có thể được hiểu theo 2 cách, một là Aod tham lam, chỉ muốn giữ chiếc vòng cho riêng mình, hai là Aod không muốn người khác chạm vào vì sợ họ sẽ bị dính lời nguyền như anh. Thật ra xem xong mình vẫn chưa chắc chắn được lí do mà Aod làm như vậy vì phim tạo ra những phân cảnh về chiếc vòng khá mù mờ.
>>> Xem thêm: Ngôi Đền Kỳ Quái 3 chốt sổ ngày ra rạp, hội tạo nghiệp đã trở lại
Nghiệp kiếp trước, trả kiếp này
Mình thấy thường thì chúng ta bị gì cũng sẽ thắc mắc đặt ra câu hỏi là “Không biết kiếp trước có làm gì sai không mà kiếp này khổ quá” hay “Không biết kiếp trước có mắc nợ gì nó không mà kiếp này phải như vậy”.
Mình nghĩ đây chỉ là những câu nói “cửa miệng”, bâng quơ, do chúng ta vẫn thường nghe như vậy nên mới quen miệng nói theo thôi chứ thật sự cũng rất ít người hiểu được ý nghĩa thật sự của mối quan hệ giữa kiếp này với kiếp sau.
“Nghiệp kiếp trước, trả kiếp này” là câu tagline của phim và nó cũng khiến mình khá ấn tượng. Việc phải trả nợ tiền kiếp cũng là điều hay được nhắc đến trong phật giáo.
Theo phật giáo, ai trong chúng ta cũng đều có những lỗi lầm. Lỗi lầm ở đời này nếu chưa trả hết có thể bị kéo sang đời sau, đến khi nào dứt thì thôi. Vậy nên đôi khi chúng ta sẽ thắc mắc sao mình không làm gì hết mà chuyện xui rủi cứ đến rồi hết chuyện này đến chuyện kia, đó là những nghiệp quả từ kiếp trước kéo đến. Và chúng ta buộc phải “trả” hết nợ trong kiếp này để không để ảnh hưởng đến kiếp sau và có thể sống tốt quãng đời còn lại.
Trong Ngôi Đền Kỳ Quái 3, Aod đã “tạo nghiệp” ở kiếp trước vậy nên dù ở kiếp này trông Aod có vẻ hiền lành và chẳng làm gì sai nhưng anh vẫn phải lãnh chịu hậu quả từ tiền kiếp.
>>> Xem thêm: Ngôi Đền Kỳ Quái: Tóm tắt nội dung 2 phần đầu trước khi xem phần 3
Câu chuyện về thần rắn Naga
Câu chuyện về thần rắn Naga được cho là khởi nguồn ý tưởng của loạt phim Ngôi Đền Kỳ Quái. Mike - Đạo diễn của Ngôi Đền Kỳ Quái cả 3 mùa đã chia sẻ: “Trước khi trở thành một vị sư, chúng ta phải trải qua quá trình tu tâm làm một Nak trước. Để loại bỏ những tham, sân, si của bản thân rồi mới xuống tóc tu hành như một nhà sư. Tôi đã tìm hiểu và tìm ra được quá trình này bắt đầu từ truyền thuyết Rắn thần Naga”.
Rắn thần Naga ban đầu chỉ là một con rắn bình thường, sau khi tu luyện thành hình dạng con người đã theo chân Đức Phật để tu hành. Mặc dù rất thành tâm nhưng rắn thần Naga đã bị Đức Phật đuổi khỏi tu viện, không cho tu hành. Lí do là Đức Phật cho rằng chỉ có con người mới có thể trở thành tu sĩ.
Naga rất thất vọng nhưng không vì thế mà trở nên xấu xa. Với tấm lòng hướng đạo chân thành, Naga tiếp tục chọn cách khác để tu hành. Cuối cùng, Naga đã tu thành thần thú linh thiêng và theo bảo hộ cho Đức Phật.
Ngôi Đền Kỳ Quái 3 đã lồng ghép câu chuyện về Thần rắn Naga để đối chiếu với hành trình tu tập của Aod. Aod cũng muốn trở thành nhà sư nhưng trong tâm còn quá nhiều chấp niệm, còn những tham, sân, si lại còn phải gánh chịu nghiệp quả từ kiếp trước.
Aod buộc phải “trả nghiệp” và trút bỏ tất cả để trở thành một Nak trước khi trở thành một nhà sư chân chính. Hành trình “trả nghiệp” của Aod cũng như một hình thức để thanh tẩy tất cả những nghiệp quả ở tiền kiếp.
Tóm lại, mình thấy Ngôi Đền Kỳ Quái 3 có ý tưởng tâm linh hay và lồng ghép được vào đó nhiều triết lý sâu xa nhưng cách triển khai lại an toàn đến nhàm chán. Thật tình mà nói là dù cố quăng mảng miếng hài nhiều vẫn không thể khiến câu chuyện thú vị hơn.
Bài viết được Lọ Lem gửi về cho DienAnh.net
Cập nhật đầy đủ thông tin về Ngôi Đền Kỳ Quái 3 tại Thư Viện Phim nhé.
Facebook - bình luận