Những cảnh phóng ngựa như bay vốn là đặc sản trong phim cổ trang Hoa ngữ. Đến mức, Khứ Linh từng đọc được ai đó tuyên bố: "Một bộ phim mà thiếu cảnh cưỡi ngựa, thì nó không xứng để được gọi là phim cổ trang".
>>> Xem thêm: Chán "chim bay", phim Cbiz đổi sang "cá lặn": Dương Mịch đến Gia Luân đều đu trend
Thật vậy, từ kiếm hiệp cho đến ngôn tình lãng mạn, chúng ta đều bắt gặp cảnh các nhân vật xuất hiện trên lưng ngựa ít nhất là một lần. Đôi khi, ngựa còn được xây dựng như chất xúc tác cho tình yêu của các cặp đôi cơ mà. Tuy nhiên, đằng sau những phân cảnh phóng ngựa hào hùng, phóng khoáng ấy là sự thật rất buồn cười.
1. Ngựa giả
Trong Gia Nam Truyện, chẳng cần xem hậu trường chúng ta vẫn nhận ra chú ngựa được sử dụng trong phim rất đặc biệt. Quả nhiên là ngựa trong phim của Cúc Tịnh Y có khác, không thể xuất hiện với mặt mộc giản dị được. Chú ta chẳng những đeo kính áp tròng đổi màu mắt mà còn vẽ mí mắt thật kiêu sa.
Mọi người đừng vì chú ngựa giả trân trong Gia Nam Truyện hay Sở Kiều Truyện mà kỳ thị những chú ngựa bông khác nhé. Thực tế, công nghệ làm mô hình ngựa của Hoa ngữ đã phát triển lắm đó.
Cứ nhìn vào phiên bản này mà xem, nếu không nói đây là ngựa giả chắc không ai nhận ra đâu nhỉ. Chẳng những làm giống y như thật, người ta còn chỉn chu tạo ra những đường gân lộ rõ, miêu tả chính xác hình tượng một con ngựa đang phóng như bay. Hay phần lông trước miệng cũng được copy - paste y chang.
Chẳng những thế, có những chú ngựa còn được làm tinh tế đến mức có thể cử động theo các động tác của diễn viên. Cực kỳ chân thật. Bằng cách này, nhà làm phim có thể quay cận các phân đoạn tháo chạy của diễn viên mà không cần bị khán giả soi lỗi.
2. Xe trượt ray
Chắc mọi người đều biết, các đoàn phim thường có những đường ray chuyên dụng cho các đạo diễn quay phim. Tuy nhiên, khi "cái khó nó ló cái khôn" thì người ta cũng tận dụng luôn đường ray này cho những phân cảnh cưỡi ngựa thật mượt.
Nhiệm vụ của diễn viên cũng đơn giản thôi, ngồi trên chiếc xe có bánh trượt nhỏ, tay cầm dây cương rồi ra sức diễn thật sâu, lắc lư nhún người như đang cưỡi ngựa thật. Việc di chuyển lúc này được giao lại cho các nhân viên hậu trường, muốn nhanh hay chậm đều kiểm soát được.
3. Ô tô
Nếu là đoàn phim có điều kiện, có sân bãi rộng thì xe ô tô tải hoặc xe ba bánh là phương tiện thích hợp nhất. Vừa tiện cho diễn viên thoải mái vận dụng sự sáng tạo, lại giúp người ta bắt trọn nhiều khoảnh khắc đáng giá.
4. Cưỡi chay
Tuy nhiên, đôi khi không biết vì cảnh cưỡi ngựa quá đột xuất hay đoàn phim không có kinh phí mà người ta lại chọn cách khá buồn cười chính là để diễn viên cưỡi... đôi chân của mình. Cách này được áp dụng trong khá nhiều bộ phim kiếm hiệp. Nếu lên phim thì nhìn khá lung linh, nhưng hậu trường thì đố ai có thể nhịn cười được.
Hoặc còn một cách cưỡi chay khác mà diễn viên đỡ mất công đứng mỏi chân chính là kiếm đại bục gỗ nào mà ngồi vào. Lúc này, nhiệm vụ của diễn viên là diễn sâu hết cỡ mà thôi.
Thực tế, còn một thủ thuật nữa mà Khứ Linh cực kỳ ghét, chính là nhân viên hậu trường phải công kênh dàn diễn viên trên vai. Mỗi khi nhìn thấy cảnh này, mình lại cảm thấy chua xót vô cùng, cảm giác hệt như đang xem vở kịch Người Ngựa, Ngựa Người của nghệ sĩ hài Xuân Hinh vậy. May mắn là sau nhiều lần bị công chúng phản đối, các đoàn làm phim đã bỏ luôn việc này.
>>> Xem thêm: Sự thật về cảnh "khóa môi" trên phim Cbiz: Hôn thật thì ít, xài chiêu lại rõ nhiều
Thật ra, chuyện sử dụng ngựa giả trên phim trường là điều rất đáng để cảm thông. Ngoài vấn đề kinh phí thì an toàn của diễn viên cùng sự nhân đạo mới là lý do mà người ta giảm bớt việc sử dụng ngựa thật trên phim trường. Chỉ là, hy vọng các đoàn làm phim sử dụng ngựa giả thì nên lựa con nào chỉn chu một xíu, đừng vì tiết kiệm mà sử dụng những chú ngựa bông buồn cười.
*Bài viết do Tiểu Vũ Khứ Linh gửi về DienAnh.Net
Hãy cập nhật những bài viết siêu thú vị về hậu trường các bộ phim Hoa ngữ trên DienAnh.Net nhé!
Facebook - bình luận