x

Đăng nhập

Comming soon...

Blog Phim

Việt

Hương Vị Tình Thân: Mỗi người nhường 1 chút là gia đình êm ấm

Bé Ba khó tính 20:00 - 18/08/2021

 Trong cuộc sống, nhân vô thập toàn nên Bé Ba cho rằng ai trong chúng ta cũng đều có khiếm khuyết, cũng đều mắc lỗi sai cần hoàn thiện và dĩ nhiên đều có những điểm tích cực cần được công nhận. Bộ phim Hương Vị Tình Thân đã xây dựng các nhân vật rất đời, họ giống như chúng ta ở bên ngoài, có ưu có khuyết, có những điều đáng ngợi khen và những điểm chê trách.

Các mâu thuẫn xảy ra trong phim, Bé Ba thiết nghĩ cơ bản là vì cái tôi của mỗi nhân vật quá lớn, chỉ nhìn thấy những điểm khó ưa của đối phương mà không bình tâm, nhường nhịn nhau một chút để đạt được “dĩ hoà vi quý”. 

 Bà Dần (NSND Như Quỳnh)

“Kính lão đắc thọ” nên Bé Ba sẽ bàn về bà Dần đầu tiên. Đứng ở góc nhìn của mỗi người thì bà Dần cho những điểm khác nhau. Nếu đứng ở góc độ của Phương Nam (Phương Oanh), bà Dần (NSND Như Quỳnh) là người đáng thương, trí nhớ lúc tỉnh lúc lẫn, lúc quên lúc nhớ và luôn cần người chăm sóc. Mỗi khi ở gần Nam, bà dễ chịu như một người bà đối với cháu ruột của mình, cũng y như cách bà quan tâm, yêu thương Hoàng Long - cậu cháu trai trưởng trong nhà. 

 Chẳng phải Bé Ba đã từng kể với các bạn là, Bé Ba đã khóc khi bà nhận hết trách nhiệm, tội lỗi của Thiên Nga vào người mình, rằng do bà khó tính khó chiều nên ả ta mới cho bà uống thuốc ngủ, “ừ thì ngủ rồi cũng dậy thôi, mà nếu ngủ được luôn thì càng tốt”. Bà cụ sợ Long không cưới được vợ nên khuyên cháu nói chuyện lại với Nga, rồi hai đứa cưới nhau xong mau mau dọn ra ngoài ở riêng đi. “Con nói với nó, bà không giành phòng nữa đâu”.

 Là một người cháu mất bà từ lâu, nghe những câu này, Bé Ba thương lắm, xót xa lắm. Người già thì đúng là có những lúc khó tính khó nết thật, có những khi gắt gỏng với con cháu trong nhà, nhưng chung quy lại, ông bà vẫn luôn thương các con các cháu. Cái cách bà ngồi nói chuyện với ông Khang, khuyên “con về ngủ với vợ đi, mẹ ổn mà” hay lúc bà gặp lại Nam, ôm chầm lấy cô rồi trách yêu: “Nói nhớ bà mà mấy năm không thấy liên lạc, về rồi cũng không qua thăm bà”. Chả phải nghe qua nhìn qua giống bao ông bà của mình ở ngoài đời ư?

 Nhưng, nếu chúng ta đứng ở góc độ của bà Xuân thì bà Dần đúng là bà mẹ chồng khó chịu. Bà luôn muốn làm mọi thứ theo ý mình, ăn những món không phù hợp với tuổi tác và sức khoẻ, khiến cho bao tử của bà yếu, lâu lâu lại… bĩnh ra quần. Nhưng nếu bà Xuân góp ý thì bà lại bật lại, cho rằng con dâu không cần quan tâm đến mình, bà tự lo được. Bà chỉ muốn mọi người chiều ý thích của bà, và cô con dâu Xuân là một người suốt ngày cản trở. 

 Phân đoạn bà trách cứ bà Xuân, “chị đi đâu mà bây giờ mới về, không ăn cơm thì cũng phải gọi báo ảnh một tiếng để đỡ phải chờ” cũng cho thấy mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu chả vui vẻ gì. Rồi ở phần 1 phim Hương Vị Tình Thân, bà xô ngã con dâu xuống hồ bơi, và bao nhiêu rắc rối trong nhà cũng từ hai mẹ con mà ra. 

Chính bà Xuân cũng phải than thở với Long rằng, kiếm một cô vợ hợp ý con trai mà không vừa ý bà thì cũng chả thành duyên được, chẳng phải ngày trước cô Hân đã bị bà rượt chạy toé khói đến bị thương, phải đền bù cho nhà bên đấy rồi huỷ hôn sao? “Ai mà hợp ý cả con lẫn bà thì chắc chỉ có trong cổ tích” - câu này bà Xuân nói chẳng sai đâu.

 Mặc dù tốt với Nam, nhưng bà Dần cũng là một xúc tác đẩy cô vào chỗ tệ hại khi biết bà cụ nói chuyện với bà Bích, phản đối việc Nam với Long hẹn hò. Ngay cả người thương Nam đến thế cũng không tán thành chuyện yêu đương của hai người thì còn gì buồn hơn, suy sụp hơn. Cũng chính vì chuyện đó mà mối quan hệ của Nam và Long dần đi vào bế tắc, chính bà Dần đã đặt dấu chấm hết cho hy vọng của cô, tìm kiếm một người của nhà Long bênh vực, ủng hộ chuyện tình cảm của mình. 

 Ở thời điểm này, Bé Ba chưa rõ vì sao bà Dần lại phản đối, vì Bé Ba không tin bà cũng có quan điểm “môn đăng hộ đối” giống bà Xuân. Điều duy nhất mà Bé Ba muốn lấy ra để “giải oan” cho bà chính là việc Nam trông giống với bác Quyên của Long quá, và bản thân bà cụ cứ luôn mong ngóng Nam chính là con gái của Quyên, người con đã mất từ lâu của bà. Bà Dần lo sợ sợi dây huyết thống nên đó là lý do khiến bà không tác thành chuyện yêu đương của Nam với Long chăng?

 Ông Khang (Trịnh Mai Nguyên)

Người chủ tịch được kính nể của tập đoàn HF là đứa con hiếu thảo, là người cha gương mẫu trong nhà. Dù quyền cao chức trọng, dù giàu có nhưng ông rất hiếu kính với mẹ. Từ đầu phim đến nay, ông Khang luôn làm mọi thứ tốt nhất cho bà Dần. Gia đình có kẻ hầu người hạ nhưng ông vẫn muốn đích thân chăm sóc mẹ. Khi mẹ bị đưa vào viện cấp cứu, ông chấp nhận huỷ cuộc họp đại cổ đông quan trọng, đi thẳng vào bệnh viện để xem tình hình của mẹ như thế nào. 

 Hẳn ai xem phim Hương Vị Tình Thân cũng sẽ giống như Bé Ba, xúc động trước phân cảnh ông Khang đau đớn đứng nhìn bà nói chuyện với Long, nhận lỗi do mình khiến Thiên Nga đối xử không tốt rồi thuyết phục cháu trai mặc kệ bà, tha thứ cho bạn gái đi. Ông Khang đứng đối diện với Long, hai cha con nhìn nhau qua cánh cửa sổ, mỗi người một tâm trạng nhưng có cùng cảm xúc: Thương bà Dần. 

 Để rồi đêm đó, ông tranh cãi với vợ về chuyện chăm sóc mẹ, muốn bà Xuân dành thêm thời gian để quan tâm mẹ hơn là đi spa, đi gặp hội chị em. Ông không ngại ôm ngồi sang nằm ngủ dưới đất lạnh bên cạnh mẹ, để trông chừng mẹ. Và đỉnh điểm là ông tống cổ thẳng bà Liễu khi buông ra những lời xúc phạm bà Dần, giận dữ với bà Xuân vì “chọn bạn mà chơi”. Ông ôm mẹ khóc, như một đứa trẻ khi bà Dần đòi vào viện dưỡng lão cho đỡ làm phiền con cháu.

 Ông Khang thành đạt, giỏi giang nhưng thực ra lại không khéo léo trong việc cân bằng lòng hiếu thảo với mẹ và tình cảm với vợ. Cán cân mẹ vẫn nặng hơn vợ, nhiều lúc thiếu tinh tế khiến cho mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu ngày một tệ hơn, mà lỗi cũng có phần lớn từ bố của Long. 

Ông luôn đứng về phía mẹ, có cái nhìn tiêu cực trong cách vợ chăm sóc bà Dần và để rồi lúc bà cụ ngã trong nhà tắm, ông vội vàng quy chụp là do vợ gây ra rồi dần xa cách bà Xuân. Bà Xuân lần đầu bị rơi vào “lãnh cung”, nỗi oan ức với chồng, nỗi buồn về mẹ chồng càng khiến mẹ của Long trở nên tiêu cực, chán nản. 

 Trong câu chuyện tình cảm của Long - Nam, ông cũng đã từng sai lầm khi lên tiếng phản đối. Ông cho rằng, “hôn nhân của con phải phù hợp với gia đình”, dù không thẳng thừng nói ra câu “cô ta không xứng với con” nhưng hàm ý là như thế. Sau này, trước những hành động quá quắt của Thiên Nga - cô gái mà ông Khang và bà Xuân tác hợp cho Long, ông mới nhận ra sai lầm của mình trong việc chọn vợ, và cả chọn vợ cho con. 

  Bà Xuân (Quách Thu Phương)

Người ta hay có câu “save the last for best” (dành điều tuyệt vời nhất ở cuối cùng) thì hẳn bà Xuân quá xứng đáng cho Bé Ba nhắc cuối, không phải vì bà “đỉnh đỉnh đỉnh” mà do đây là nhân vật gây tranh cãi nhiều nhất. Bà Xuân quá quắt, khinh người, đỏng đảnh với thói tiểu thư khiến cho Long, Nam khổ sở và cả ông Khang, bà Dần mệt mỏi. 

Chính bà Xuân là nguồn cơn của những rắc rối xung quanh Long. Thực ra bà thương con trai nên mong Long sẽ có bạn gái tài năng, xinh đẹp theo chuẩn mà bà nghĩ đến. Bà Xuân không muốn Long khổ hay bị lợi dụng, nên bà lại thương con đến phát rồ rồi dẫn đến hành động sai cách. 

 Bà muốn con cưới một cô vợ theo ý… bà, với một lý do rằng “nó phải tương xứng với gia đình mình con ạ”. Thế nên từ Kỳ Duyên cho đến Thiên Nga, bà chọn theo tiêu chuẩn riêng và kết quả thì chẳng ai ra gì. Nhưng bà nào có ân hận, bà cũng chưa bao giờ thừa nhận mình sai trong việc nhìn người, khi Long huỷ hôn với Nga, bà vẫn cố nói giúp con bé, khuyên con trai hãy quay lại, thậm chí còn đổ trách nhiệm cho bà Dần, ”con  hãy sống cho bản thân con đi, đừng có sống vì gia đình hay vì bà nữa”.

  Bà Xuân khiến cho Nam 5 lần 7 lượt tủi nhục trước hàng loạt lời xúc phạm. Miệng bà rất độc, nói câu nào là đau lòng câu đấy. Bà chê Nam không xứng với Long, bà trách Nam đang lợi dụng bòn rút tiền của con trai mình, thậm chí bà cũng tin vào một giả thuyết vô lý về kế hoạch mà Nam dựng lên để lấy lòng Long. Bà còn cả tin, bị bà Sa rồi những bà bạn khác bơm đểu vào khiến cho sự ác cảm và hiểu lầm về Nam ngày một tăng lên. 

 Bà Xuân tệ với Nam nhưng cũng chả hiếu thuận với mẹ chồng. Bà cứ luôn phân bì ông Khang thương mẹ quá mức mà không để ý đến cảm xúc vợ. “Tại sao lúc nào mẹ có chuyện thì anh cũng nói như thể là do em gây ra vậy?”. Bà Xuân không hẳn ghét mẹ chồng, mà đó là sự ganh tỵ của một người phụ nữ khi nhìn thấy chồng mình chăm lo cho một người phụ nữ khác nhiều hơn, dẫu cho đó là mẹ của ông ta. ”Đã có bao giờ anh dám thể hiện tình cảm với tôi trước mặt mẹ không?”

Cũng vì những ác cảm ấy khiến cho cung cách đối xử của bà với bà Dần trở nên tệ đi. Hai người không thích nhau, Bé Ba nói thẳng ra “thấy là chướng mắt” thì làm gì có chuyện yêu quý nhau thật lòng chứ? Bà Xuân chăm sóc bà Dần theo kiểu đối phó, giọng điệu thì gay gắt, dĩ nhiên chỉ tổ khiến bà cụ nổi giận và ghét bỏ nhiều hơn. Ông Khang thì lại bênh mẹ mà trách vợ, dẫn đến mối quan hệ trong gia đình ngày một tồi tệ. 

 Chung quy lại, Bé Ba cảm thấy ai cũng có cái tôi quá lớn, không thể nghĩ cho đối phương nhưng vẫn luôn cho rằng “tôi vì anh, tôi vì cô”. Nếu bà Xuân tin tưởng vào sự lựa chọn của con trai, để Long tìm một người mà anh có tình yêu thực sự, thì mọi chuyện đã khác. Nếu ông Khang cân bằng được mẹ và vợ, phân chia đối xử hợp lý, dung hoà sự hiếu thảo và tình cảm vợ chồng, thì đã không xảy ra bi kịch mẹ chồng - nàng dâu. Nếu bà Xuân mềm mỏng, chân thành hơn với mẹ của ông Khang, và nếu bà Dần không ác cảm cau có với con dâu, thì gia đình đã êm ấm.

Tất cả đều là chữ… Nếu. Bé Ba nghĩ, cuộc đời đâu thể trọn vẹn và hoàn hảo đến vậy. Mỗi người phải có những mặt chưa tốt hay cả mặt xấu, để tạo nên một bức tranh đa màu sắc. Chứ bây giờ ai cũng dĩ hoà vi quý, yêu thương đối xử tốt với nhau, thì hoá ra là chuyện cổ tích à? Nhưng trong truyện cổ tích vẫn có người tốt kẻ xấu à nha, vẫn có công chúa hoàng tử và mẹ kế, phù thuỷ hay kẻ thù địch. Vậy suy ra, chẳng có gì hoàn mỹ theo ý chúng ta đâu. Bé Ba cho là, hãy học cách chấp nhận đối phương đi, bản thân mình đâu có hoàn hảo, sao lại mong người khác hoàn thiện được chứ, đúng không?

>Xem thêm: Hương Vị Tình Thân: Bà Xuân đổ lỗi cho bà Dần vụ Long bỏ Nga

*Bài viết của Bé Ba khó tính trên DienAnh.net

“Hương Vị Tình Thân có vị gì?” là chuyên đề đặc biệt của DienAnh.net nhằm tôn vinh giá trị nhân văn, ý nghĩa của tình thân trong bộ phim truyền hình ăn khách nhất hiện nay của Việt Nam. Qua chuyên đề này, các bạn sẽ cảm nhận rõ nét hơn những câu chuyện đầy xúc động về tình cha con, mẫu tử và cả những tình cảm trân quý của những nhân vật không cùng huyết thống nhưng đối đãi với nhau như ruột thịt.

Mọi ý kiến đóng góp bài vở hãy gửi contact@dienanh.net để cùng nhau lan toả nguồn năng lượng tình thân cao quý này đến mọi người. Đừng quên follow DienAnh.Net để cập nhật những thông tin phim ảnh, chuyện hậu trường nhanh nhất, chính xác nhất nhé!

Facebook - bình luận

Bài Cùng chuyên mục

Quang Sự trở thành Đội trưởng phá án trong Đội Điều Tra Số 7 mùa 2

Vừa xong dự án dài hơi Trạm Cứu Hộ Trái Tim, Quang Sự hóa thân thành Trung tá Đình Hùng, đội trưởng đội phá án trong phim hình sự Đội Điều Tra Số 7 mùa 2.

3 lý do xem phim Domino: Lối Thoát Cuối Cùng: Nhiều plot twist

Dự án điện ảnh hành động - xã hội đen Domino: Lối Thoát Cuối Cùng của đạo diễn Nguyễn Phúc Huy Cương cùng nam chính Thuận Nguyễn hứa hẹn sẽ thu hút giới mộ điệu

Thanh Sơn đã có tình mới sau Khả Ngân, cực "ngọt" trong phim mới

Nối tiếp thành công của những "phim giờ vàng", VTV lại tiếp tục cho ra mắt một tác phẩm mới mang tên Mình Yêu Nhau Bình Yên Thôi từ nhà sản xuất SK Pictures.

Sinh Vật Gyeongseong: Park Seo Joon không cứu được nội dung nhạt nhòa

Mùa 1 của Sinh Vật Gyeongseong có diễn biến, nội dung vô cùng rời rạc. Có lẽ điểm gây ấn tượng duy nhất là visual "10 điểm" của những diễn viên trong phim.

Hãy nói lời yêu: Thước phim chữa lành của mỹ nam Jung Woo Sung

Nhân vật của Jung Woo Sung tìm cách vượt qua những trở ngại do khiếm thính để kết nối với mọi người trong bộ phim Hãy nói lời yêu (Tell Me You Love Me).

Welcome to Samdalri: Ji Chang Wook chữa lành khán giả

Welcome to Samdalri (Chào Mừng Đến Samdalri) mang đến tiếng cười và sự chữa lành cho người xem. Ji Chang Wook, người đóng vai Cho Yong Pil thu hút mọi chú ý.