Vượt qua bao nhiêu sóng gió, cuối cùng tôi cũng nếm được mùi vị của tình thân trong bộ phim Hương Vị Tình Thân. Đầu tiên, phải kể đến lòng hiếu kính của ông Khang đối với cụ Dần, sau đó là tình cảm của Chiến dành cho ông bố già bệnh tật. Không phải ngẫu nhiên mà giang hồ như Chiến lại hiểu thảo với đấng sinh thành đến vậy. Bởi hắn rõ hơn ai hết, bên trong người đàn ông già nua, bệnh tật, cộc cằn kia là một người cha yêu con hết mực.
Ban đầu, khi Chiến liên tục đến làm phiền cuộc sống của ông Sinh khiến tôi vô cùng ghét nhân vật này. Hết lần này đến lần khác, Chiến đe dọa sẽ tiết lộ sự thật cho Nam biết để ông Sinh không được nhận con.
Gã ép bố Nam vào đường cùng, rồi lẽo đẽo theo sau làm phiền ông, cốt là để đòi lại số tiền 1,3 tỷ đồng mà hắn cho ông Sinh vay trước đây. Nhưng hắn không đòi lại số tiền khủng để quay lại làm dân anh chị, hay thực hiện phi vụ gì ghê gớm, mà thực chất là để chữa bệnh cho bố.
Tuy nhiên, ông Sinh làm gì có tiền để trả cho hắn, nên gã đành nhờ ông chăm sóc bố giùm để bản thân đi kiếm tiền cho bố chữa trị. Vốn là một tên giang hồ, nên gã vẫn thường buông lời độc địa, rủa bố sao không “đi sớm” cho mình bớt khổ.
Nhưng khi bố kêu đau đớn, gã chẳng ngại cõng ông băng rừng để tìm đến nhà ông Sinh, rồi cẩn thận lau người, chăm sóc ông. Mà cha nào con nấy, bố của Chiến cũng là người đàn ông độc mồm độc miệng, chuyên nói những lời than oán, song Chiến vẫn chấp nhận nghe, miễn sao bố còn sống và được chữa khỏi bệnh.
Để rồi trong một lần đi kiếm tiền về, Chiến thấy bố nằm bất động, tưởng ông không qua khỏi nên gã gào khóc nức nở. Hẳn lại tiếp tục cõng bố băng rừng để vào bệnh viện, quyết tâm tìm được bác sĩ điều trị cứu bố.
Đáp lại tấm lòng hiếu thảo của Chiến, là tình yêu thương con hết mực từ bố gã. Thường ngày, những cơn đau bệnh tật khiến ông ca thán, kêu gào rồi chửi rủa. Ông cho rằng tiền của Chiến kiếm được không trong sạch, từ ăn trộm, ăn cắp mà ra nên ông không cần. Bố Chiến nhiều lần nói con trai cho bản thân đi gặp tổ tiên luôn cho rồi.
Không biết các bạn cảm thấy thế nào, nhưng tôi lại rất nhói lòng trước những câu thoại của NSND Bùi Bài Bình trong vai bố của Chiến. Có gì đau lòng và bất lực hơn một người con khi nghe bố mình bảo, “mày cứ để mặc bố, không cần chữa cho tao đâu, tao không thể chữa trị đâu”. Ai có thể buông bỏ chứ gã Chiến thì không, còn nước còn tát, còn hy vọng dù chỉ là 0.5% thì tôi vẫn phải bám víu vào mình để cứu lấy bố. Hắn tìm mọi cách để kiếm được tiền cho cho ông, rơi nước mắt như một đứa trẻ con thì thấy ông quằn quại trên giường bệnh và khóc oà nức nở vì thấy ông làm chuyện dại dột.
Nhưng mà ai biết được, bố Chiến chửi vậy vì ông lo cho con trai gặp tai họa. Trong tập phim mới đây của Hương Vị Tình Thân, lần đầu tiên tôi thấy bố Chiến nhẹ nhàng, từ tốn tâm sự với con trai: “Ngày xưa bố có đánh mày, bố có đuổi mày đi, không phải vì bố ghét bỏ gì mày đâu. Bố chỉ dọa mày, để mày biết sợ mà đừng đi đánh nhau với người ta nữa. Biết sợ thì mới lên người”.
>> Xem thêm: Hương Vị Tình Thân: Ông Sinh tố bà Sa hại chồng trước mặt con
Đầu hai thứ tóc, cũng trải qua bao nhiêu sóng gió cuộc đời, nên trước lời của bố, Chiến chỉ biết nhăn nhó gạt đi: “Ông đừng có nói. Mệt tôi, mệt cả ông.” Và có lẽ đây chẳng phải lần đầu bố con Chiến có những cuộc hội thoại kiểu này, nên ông lại trách con trai cứng đầu, không chịu nghe lời nên đời hai cha con đều khổ.
“Thương cho roi cho vọt” mà, nhưng hồi còn trẻ, bồng bột, Chiến đâu hiểu được bố vì thương mình nên mới phải gắt gỏng, cọc cằn đến vậy. Ông lại ngồi tâm sự với con trai về nỗi lo của mình: “Từ hôm mày đưa bố mày lên đây, đêm nào bố cũng nằm mơ thấy người ta đánh mày. Sợ lắm, có ngủ được đâu. Thôi, cho bố về đi. Suốt ngày, mày đi cướp bóc, đánh nhau để lấy tiền chữa trị cho bố mày. Đến lúc bố mày sống, mày chết thì bố sống làm gì?”
Đến đây, đôi mắt tôi lại cay cay. Suốt nhiều năm trời, bố Chiến sống trong vỏ bọc khô cứng với con cái, chưa một lần thổ lộ tình cảm của mình với chúng. Để rồi đến khi gần đất xa trời, ông mới có thể nói ra những lời quan tâm, lo lắng cho con. Thì ra từ trước đến giờ, bố Chiến vẫn luôn yêu thương con hết mực, nhưng giấu đi tình cảm đó mà thôi. Lời nói của ông khiến Chiến “chó” nhăn mặt, cái nét mặt ấy nói lên thật nhiều điều.
Dường như đây là lần đầu tiên gã cảm nhận được tình cha dành cho mình, bởi tuổi thơ của gã chỉ vùi mình trong đòn roi của bố. Nhưng cũng có thể, gã cảm nhận được những dự cảm chẳng lành của bố. Bố Chiến lo cho con trai, sợ con đi kiếm “tiền bẩn” về chữa trị cho mình, rồi nhỡ chẳng may bị ai đó xử lý thì phải làm sao. Cuộc sống của ông dường như không còn ý nghĩa nữa nếu mất đi con trai. Nên ông đã xin Chiến cho mình về quê, để con trai đỡ vất vả và an toàn.
Về sau, bố Chiến còn tự tìm đến chuyện quẩn trí nhưng may mắn ông Sinh đã phát hiện kịp thời. Chiến vội vàng lao vào cõng bố đi cấp cứu, trong lúc nguy cấp, ông vẫn dặn dò con trai: "Sống cho tử tế con ơi!". Không phải ngẫu nhiên, bố Chiến nghĩ đến chuyện dại dột như vậy. Ông dường như quá thương con trai, sợ con gặp chuyện chẳng lành nên quyết định “đi sớm” để con bớt gánh nặng. Nghĩ mà thấy tội vô cùng.
>> Xem thêm: Hương Vị Tình Thân: Những lần Diệp gây họa khiến Nam khổ sở
Đàn ông mà, đâu có thoải mái bày tỏ cảm xúc với cha mẹ, con cái. Cả Chiến và bố đều quý trọng người thân, thương con thương cha nhưng không thể nói thành lời. Bởi vậy, đôi lúc trong cuộc sống, cách dạy con của bố làm Chiến mang uất hận rằng mình không được thương yêu, còn cách sống của Chiến khiến ông bố cho rằng anh là phường đầu đường xó chợ, lêu lỏng không quan tâm đến gia đình, không màng mạng sống của bản thân.
Tình yêu thương của bố Chiến đã lay động được con tim của khán giả. Dù muộn màng, nhưng ít nhất ông cũng đã nói ra nỗi lòng của mình để bản thân được thanh thản. Tôi đoán rằng, bố Chiến mong muốn cuối đời, những lời nói của mình sẽ có sức nặng hơn xưa để con trai có thể hoàn lương và sống an yên quãng đời còn lại.
Phim Hương Vị Tình Thân ngày càng thấm đẫm giá trị nhân văn. Hơn tất cả, tôi yêu thích những cảnh phim về gia đình của tác phẩm này, hơn là câu chuyện tình yêu lứa đôi cứ lơ lửng chả đâu vào đâu mà cũng không đến cảm xúc gì ngoài… tức. Ở Hương Vị Tình Thân, tôi tìm thấy được hương vị của tình cảm gia đình, là câu chuyện hai chiều của con và cha, mẹ và con, cháu và bà… Không phải tình cảm nào cũng có thể nói ra thành lời, cũng giống như cách bố và Chiến đối xử với nhau, tuy gắt gỏng mắng mỏ, tuy hằn học đay nghiến, nhưng thực ra lại thương con thương cha vô cùng.
Đã có lúc tôi tò mò, vì sao biên kịch lại phải xây dựng tuyến nhân vật của Chiến kỹ càng làm gì, cho hắn cả một cái nền “bố già neo đơn bệnh tật“ làm chi, vì chung quy đây chỉ là một vai phụ để làm rõ nỗi oan của ông Sinh 20 năm trước. Nhưng giờ đây tôi đã hiểu dụng ý của đạo diễn và biên kịch, để cho tôi và khán giả thấy rằng, ở tầng lớp địa vị xã hội nào thì tình thân gia đình vẫn là quan trọng nhất. Con cái không thể bỏ rơi cha mẹ, và cha mẹ cũng không bao giờ từ bỏ con của mình. Đó chính là hương vị của tình thân.
*Bài viết của Hoa Lê gửi về DienAnh.Net.
“Hương Vị Tình Thân có vị gì?” là chuyên đề đặc biệt của DienAnh.net nhằm tôn vinh giá trị nhân văn, ý nghĩa của tình thân trong bộ phim truyền hình ăn khách nhất hiện nay của Việt Nam. Qua chuyên đề này, các bạn sẽ cảm nhận rõ nét hơn những câu chuyện đầy xúc động về tình cha con, mẫu tử và cả những tình cảm trân quý của những nhân vật không cùng huyết thống nhưng đối đãi với nhau như ruột thịt.
Mọi ý kiến đóng góp bài vở hãy gửi contact@dienanh.net để cùng nhau lan toả nguồn năng lượng tình thân cao quý này đến mọi người. Đừng quên follow DienAnh.Net để cập nhật những thông tin phim ảnh, chuyện hậu trường nhanh nhất, chính xác nhất nhé!
Facebook - bình luận