“Người như Nam chỉ có trong cổ tích”. Bé Ba nhớ câu thoại này trong phim Hương Vị Tình Thân, khi mà bà Xuân nói về một cô con dâu có thể vừa ý Long, hợp mắt bà Dần. Quả thật, rất khó đấy nhé. Ở đời đâu dễ tìm một cô người yêu có thể khiến cả gia đình hài lòng, nhất là với người già lại có tính nết hơi kỳ như cụ Dần do lúc nhớ lúc quên.
Ấy vậy mà, Long cũng đã tìm được một người như thế. À thực ra Bé Ba phải nói đúng hơn là, bà Dần là người tìm ra Nam. Trong chuyên đề Hương Vị Tình Thân có vị gì của DienAnh.net, Bé Ba sẽ tâm tình đôi chút với các bạn về tình cảm mà Nam dành cho cụ Dần nhé.
Ở phần 1 của phim Hương Vị Tình Thân, trong một dịp tình cờ và giữa lúc đang lú lẫn, ký ức trở về thời xưa, bà đã nhận nhầm một cô gái là con gái ruột của mình - cô Quyên, người đã mất từ rất lâu. Bởi lẽ, cô gái ấy có khuôn mặt giống như đúc khiến bà cụ phải nhìn nhầm, nhưng cũng từ đó mà tạo nên mối nhân duyên giữa hai người phụ nữ không cùng huyết thống, một già một trẻ, nhưng đối đãi với nhau như người nhà.
Trong suốt hơn 100 tập phim Hương Vị Tình Thân, qua cả hai phần và nếu tính theo mốc thời gian trong phim cũng phải rơi vào hơn 4 năm trời, Nam vẫn luôn yêu thương bà Dần. Ngày đó, mỗi lúc bà cụ trái tính trái nết, chính Nam là người xuất hiện sau sự nhờ vả của những người trong nhà, để xoa dịu tổn thương tâm lý nhớ con của bà nội Long. Chỉ có Nam mới là người chiều được ý bà, thực ra nó chẳng có sự vô lý gì đâu, chỉ là người già mà, cũng như trẻ con, cần một sự chăm sóc ân cần, nhẹ nhàng hơn là gắt gỏng, mỉa mai bóng gió.
Cũng từ sự yêu thương quan tâm của Nam mà Bé Ba cảm nhận được sự rõ ràng khác biệt của Nam và bà Xuân. Một người là cô gái quen biết ở ngoài đường, một kẻ là con dâu trong nhà, thế nhưng cách xa một trời một vực. Bà Xuân suốt ngày cau có với mẹ chồng, ngăn này cản kia, thậm chí đôi lúc còn xem thường bệnh kém trí nhớ của người già nên khiến cho ông Khang nhiều lần khó chịu.
Không những vậy, bà Xuân thường trách móc chồng thương mẹ hơn vợ, đặt mẹ ở vị trí cao hơn và hèn nhát không dám bày tỏ tình cảm với vợ ngay trước mặt mẹ. Cũng bởi lẽ đó mà mối quan hệ vợ chồng của ông Khang bà Xuân liên tục hục hặc, vì ông là người con hiếu kính, thương mẹ nên không thể chấp nhận những cách đối xử hời hợt, thậm chí có phần tệ bạc của bà Xuân đối với bà Dần.
Còn Nam, cô chưa một lần oán than khi ở bên cạnh bà cụ. Bà muốn gì, Nam cũng chiều theo một cách khéo léo. Khi bà gặp tai nạn, Nam không ngần ngại lao ra cứu lấy. Lúc bà ốm, Nam thức suốt đêm để chăm sóc bà trong khi con dâu thì ngủ vùi trong chăn. Những ngày bà buồn, Nam không ngần ngại đưa bà đi chùa, đi ngắm phố phường để vui lòng người già, tinh thần phấn chấn, lạc quan yêu đời hơn.
Và cũng bởi lòng tốt vô điều kiện của một cô gái không cùng huyết thống đối đãi với bà nội của mình như thế, Long đã phải lòng Nam. Anh tổng giám đốc trẻ tuổi nhận ra tố chất “công dung ngôn hạnh” đằng sau vẻ ngoài mạnh mẽ gan lì, thậm chí có phần cá tính quá mức, cái tôi quá cao của Phương Nam. Anh biết, Nam có một trái tim ấm áp mà không ai có được, vì thế, cô xứng đáng là người anh thương.
Để rồi khi giông bão xảy ra với cuộc đời của Nam, khi gia đình bà Xuân làm ầm chuyện hẹn hò của Long - Nam và nhiều vụ việc hiểu lầm ngang trái sau đó, đẩy cô đi xa khỏi cuộc đời Long, thì Bé Ba cảm thấy trái tim của Phương Nam chưa từng nguội lạnh. Nam chỉ che giấu cảm xúc của mình một lần nữa, khéo léo hơn, diễn tốt hơn để thể hiện sự kiên trì quyết tâm dứt khoát với gia đình cụ Dần, để không ai phải tổn thương một lần nữa.
Nhưng đến khi Nam gặp bà Dần trong một tình cờ ở chùa, cảm xúc cô vỡ oà như một đứa trẻ lâu ngày về quê thăm bà. “Tảng băng” bao bọc lấy cảm xúc của Nam vỡ tung, để lộ ra tấm chân tình của Nam dành cho bà Dần vẫn vẹn nguyên như trước.
”Nói nhớ bà mà đi đâu mất mấy năm. Nói thương bà mà sao đi nước ngoài về không sang thăm bà”. Nam khóc trước câu trách yêu của bà Dần dành cho mình. Sự cô độc trong cuộc sống, thiếu tình thương từ bé của Phương Nam khiến cô hạnh phúc trước tình cảm mà bà Dần vốn dành cho mình ngày ấy. Bởi vì thế, cô luôn đáp lại tấm chân tình ấy một cách lễ độ, và đủ đầy.
Có lẽ vì Nam không có ông bà nội ngoại hai bên nên bao tình thương của một cô gái chưa đầy 30 tuổi, đã dành hết cho bà Dần. Để rồi khi biến cố xảy ra, cô không thấy bà đưa tay ra kéo cháu, không thấy cái ôm an ủi và lời nói “bà tin cháu mà, về với bà, có bà ở đây, không phải lo gì cả” nên Nam có đôi phần tổn thương và tủi thân.
Bé Ba còn nhớ phân cảnh bà Dần nói lời xin lỗi Nam trong những tập gần đây của phim Hương Vị Tình Thân phần 2. Nhiều bạn nói trên mạng xã hội rằng, đó là cảnh quay thêm để chiều lòng khán giả, nhưng Bé Ba chẳng nghĩ thế. Nó là phân cảnh đầy cảm xúc, cần thiết và đừng soi xét quá nhiều vào mốc thời gian Nam đến nhà bà Dần lúc nào. Nó chẳng quan trọng bằng giá trị của cảnh phim đó mang lại cho người xem cũng như cho các mối quan hệ nhân vật trong phim.
“Hồi ấy, con mẹ Xuân cũng không phải cố ý, tính nó sồn sồn ai nói gì cũng tin nên nghĩ oan cho cháu chứ không ác ý gì. Cháu đến với bà cũng là cái duyên. Bà biết khi bà ốm đau cháu luôn quan tâm chăm sóc bà. Vậy mà khi cháu bị oan ức thì bà lại không làm được gì cho cháu, không đứng ra minh oan cho cháu. Vì những điều này mà bà cứ canh cánh trong lòng, bà ân hận lắm”.
Bạn cho rằng dễ để một người già nói lời nói lỗi người trẻ như thế ư? Bạn nghĩ rất đơn giản để bà Dần cầm tay Nam mà nói ra những lời đầy ân hận, tự trách mình thế à? Không có đâu. Bạn hãy luôn nhớ rằng, bà Dần không cùng huyết thống với Nam, nếu bà có trót giận Nam, ghét Nam, buồn Nam, chán Nam… thì cũng chả sao cả.
Bà có con cháu, có cuộc sống kẻ hầu người hạ cơ mà. Nhưng bà không làm thế. Bà vẫn canh cánh trong người về nỗi day dứt khi năm xưa không thể đứng ra bảo vệ cho Nam, để cô tủi hổ phải rời đi nước ngoài mưu sinh, đồng thời buông bỏ tình cảm với Nam. Bà tự trách mình là người tạo ra những khổ đau cho cuộc đời cô, sau những biến cố đó.
>>Xem thêm: Hương Vị Tình Thân: Nam gặp nguy hiểm, liệu Long có cứu kịp?
Và rồi Nam vẫn thế, vẫn yêu thương bà như thuở nào. Câu nói chân thành, nhẹ nhàng của cô đáp lại lời bà cụ, nghe sao thương quá đỗi: “Thực ra ngày đấy cháu cũng buồn, nhưng cháu luôn xem bà như bà của cháu nên cháu không giận bà đâu, bà đừng nghĩ ngợi gì nha!”. Rõ ràng Nam đang rất thành thật với cảm xúc của mình. Cô vẫn thương bà dù cho có chút buồn tủi chuyện cũ, nhưng nó chẳng còn quan trọng khi so sánh với tình cảm mà Nam dành cho bà Dần.
Bởi lẽ đó vào cái ngày cô đến biệt thư tân hôn của Long, nhìn bà cụ nằm ngủ mà Nam hồi tưởng những ký ức xưa thuở bà cháu có nhau. Thậm chí Bé Ba còn cho rằng, Nam thương bà Dần hơn cả Long, và những hành động tha thứ cho lỗi lầm của anh trong quá khứ, cũng có một phần nhờ vào tình thương của Nam đối với bà nội của anh.
Người cùng huyết thống với nhau, con cháu trong nhà mà chắc gì đã thương bà, lo cho bà được như vậy? Bà hãy thành thật trả lời Bé Ba đi, đã bao lâu bạn không ôm lấy bà, ngồi trò chuyện, xem TV với ông bà của mình cả buổi như ngày còn bé? Đã bao lâu bạn không hỏi “hôm nay mình ăn cơm với gì thế bà”, “bà có mệt trong người không” hay cuộc điện thoại về quê chỉ để nghe giọng bà? Đã bao lâu ông bà không còn là người đầu tiên nhận được tin vui từ bạn khi thăng chức, có người yêu, hay đơn giản chỉ là lời khen thưởng từ sếp, mà phải là người cuối cùng biết tin đó.
Còn Nam, cô chẳng có quan hệ ADN gì với bà cụ, nhưng lại luôn lắng nghe, hỏi thăm và chia sẻ với bà. Nam tìm cho bà câu lạc bộ Tâm Tình để giải khuây, giúp tăng cường trí nhớ. Nam đẩy bà trên xe lăn khi khắp nơi cho thoải mái tinh thần. Và bạn nhìn xem, bà Xuân hay Khánh Thy - những cô con dâu, cháu dâu thực sự đã có làm gì được cho bà, trong khi Nam lúc này còn chưa có danh phận.
Một cô gái “người dưng nước lã” mà đối đãi đầy tình thân với bà Dần, thì thật quý biết bao. “Cháu không giận bà đâu”, một câu nói nghe qua tưởng lời thảo mai ngọt nhạt, nhưng nó nhẹ nhàng và giàu cảm xúc, cũng rất thật thà với bản tính của Nam.
>>xem thêm: Hương Vị Tình Thân: Cụ Dần giả vờ ngây ngô gọi Nam là vợ Long
Phải thực sự thương bà, Nam mới sang thăm bà, đối diện với một căn nhà đã gieo rắc nhiều tổn thương, tủi nhục cho cô trong quá khứ. Ngôi nhà có những người đã nhiều lần buộc tội cô bởi những thứ cô chưa từng làm, thậm chí còn chưa từng dám nghĩ đến. Nhưng vì bà, cô đã bỏ qua tất cả, dẹp cái tôi và lòng tự trọng của mình, để đến với bà.
Nói tới điểm này, Bé Ba thấy tình thương của Nam dành cho bà Dần ăn đứt đối với Long rồi nhé, nhưng anh cũng đừng ghen tỵ, bà đã giúp anh biết đến Nam, cũng là người giúp anh hàn gắn với anh sau này. Nam chỉ thương bà hơn anh thôi, anh là số 2, không ai tranh số 1 đâu. Khi nào Nam nhận bố Sinh thì anh xuống vị trí thứ 3 nha, mà chuyện còn xa lắm anh ạ.
Nói tới đây, Bé Ba rơi nước mắt vì nghĩ lại, mình chẳng còn bà để mà thương, để được mắng, để được trở về. Bởi thế, Nam cũng là may mắn khi có được một người bà không thân thích nhưng lại yêu thương nhau như vậy. Cuộc đời này rất công bằng, Nam đối đãi với họ bằng tình thân, họ sẽ đem đến cho cô hương vị ngọt ngào. Đó chính là hương vị tình thân, hương vị của gia đình. “Cháu về rồi đấy à, vào đây với bà”.
Xem thêm: Những hương vị tình thân trong phim Hương Vị Tình Thân
*Bài viết của Bé Ba Khó Tính gửi về DienAnh.Net.
“Hương Vị Tình Thân có vị gì?” là chuyên đề đặc biệt của DienAnh.net nhằm tôn vinh giá trị nhân văn, ý nghĩa của tình thân trong bộ phim truyền hình ăn khách nhất hiện nay của Việt Nam. Qua chuyên đề này, các bạn sẽ cảm nhận rõ nét hơn những câu chuyện đầy xúc động về tình cha con, mẫu tử và cả những tình cảm trân quý của những nhân vật không cùng huyết thống nhưng đối đãi với nhau như ruột thịt.
Mọi ý kiến đóng góp bài vở hãy gửi contact@dienanh.net để cùng nhau lan toả nguồn năng lượng tình thân cao quý này đến mọi người. Đừng quên follow DienAnh.Net để cập nhật những thông tin phim ảnh, chuyện hậu trường nhanh nhất, chính xác nhất nhé!
Facebook - bình luận