Ở tập 70 của phim Hương Vị Tình Thân, với Bé Ba, nhân vật trọng tâm chính là ông Sinh (Võ Hoài Nam) - bố ruột của Nam. Thực sự Bé Ba đã khóc trong suốt những cảnh quay có người đàn ông này. Bởi lẽ tình phụ tử của ông Sinh dành cho con gái quá cao cả, đáng thương và đáng trân trọng.
Sau khi phát hiện bà Bích có âm mưu trốn nợ vì không có tiền đền bù cho bà Sa, Nam cảm thấy nản lòng với người mẹ này. Hoá ra trong hơn hai mươi năm qua, bà chưa bao giờ thay đổi tính tình. Bà vẫn ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân, bất chấp con cái khổ sở thế nào. Đến căn nhà - di sản duy nhất mà ông Tuấn để lại, bà cũng muốn bán đi để lấy tiền đền bù cho việc làm tai hoạ của mình.
Nam mệt mỏi tưởng chừng như không còn nước mắt để khóc. Giờ đây cô còn biết khóc với ai? Không thể chia sẻ với em gái, không còn bạn trai để tâm sự, không cha không mẹ không bạn bè… Người bạn tri kỷ duy nhất mà cô có, là ông Sinh. Để rồi ông trời run rủi đưa Nam đến gặp ông Sinh, trút hết nỗi buồn của mình.
Bé Ba thương Nam một, thì thương ông Sinh mười. Người đàn ông mang nhiều mặc cảm tội lỗi vì năm xưa đã để lại con mình lúc còn quá nhỏ, để rồi bây giờ không có mặt mũi nào nhận lại con, không thể mở miệng gọi hai tiếng: Con ơi! Bởi thế, khi Nam gào khóc cho thân phận bạc bẽo của mình, cô ước gì có cha, có mẹ ruột ở đây để cô bày tỏ, để cô sẻ chia, hay đơn giản chỉ là cái ôm; thì ông Sinh lấy hết can đảm mà nói: Hoặc con xem chú như là bố, có được không?
>>Xem thêm: Hương Vị Tình Thân, Cây Táo Nở Hoa gây ức chế là do đâu?
Câu trả lời của Nam khiến cho Bé Ba lòng đau nhói: “Chú đâu thể là bố của cháu?”. Bé Ba đau một, ông Sinh đau một trăm, một vạn lần. Cuối cùng đến cả việc làm một người bố nuôi, ông cũng không thể.
Nam cần tiền để trả nợ cho mẹ, ông Sinh đem con chó mà ông yêu thương đi bán. Ngày xưa Lão Hạc đem bán cậu Vàng mà nước mắt lưng tròng, giờ đây ông Sinh cũng như thế, chỉ khác là ông không dùng nuôi bản thân mình, mà giúp Nam trả nợ. Nhưng tiền bán chó có là bao, số tiền 500 triệu kia còn xa mới đủ.
Vậy là ông muốn bán nhà. Căn nhà lá sập xệ, không vững chãi nhưng là chỗ thờ cúng duy nhất, là chỗ để ông đi về. Ấy vậy mà vì thương con, ông muốn bán nó đi. Tới đoạn này, Bé Ba không kiềm được nước mắt. Có lẽ trong mắt người khác, ông Sinh tệ bạc vì việc làm năm xưa, ông Sinh hèn nhát vì không dám nhận con, nhưng với Bé Ba, ông là người bố tốt, cao cả, một mực thương con và chấp nhận làm tất cả vì Nam.
Còn gì đau đớn hơn khi đứng trước mặt con mà không thể nhận con. Còn gì buồn phiền hơn khi thấy con mình khổ sở, khó khăn, chạy đôn chạy đáo kiếm tiền mà mình không thể giúp được gì. Làm cha làm mẹ, ai lại nỡ thấy con cái buồn, khổ chứ. Huống chi ông Sinh, một người bố mang trong mình mặc cảm tội lỗi, thì nỗi đau còn lớn hơn rất nhiều.
>>xem thêm: Hương Vị Tình Thân: Chẳng ai có thể bảo vệ Nam khi cô chịu uất ức
Nói thật lòng, Bé Ba mong phim Hương Vị Tình Thân chú trọng hơn vào mối quan hệ của Nam và ông Sinh, làm sâu sắc hơn những tình tiết về hai người này, làm bật lên đúng chủ đề gia đình của bộ phim, hơn là câu chuyện tình yêu có phần nhạt nhoà và những mâu thuẫn cuộc sống vốn không cần thiết.
Cuộc sống này, đã quá đủ drama cho chúng ta, Bé Ba, hay khán giả, cần lắm một bát súp gà cho tâm hồn, được nấu bằng chính những câu chuyện đầy ý nghĩa về gia đình như của ông Sinh và Nam. Đó chính là giá trị nhân văn của một bộ phim mang đến cho khán giả, đắt giá hơn rất nhiều so với rating cao ngất chỉ vì những ồn ào lùm xùm của các bà mẹ - bà Xuân, bà Sa, bà Bích.
>Xem thêm: Hương Vị Tình Thân: Mẹ trốn nợ, Nam từ chối sự giúp đỡ của Long
Bài viết của Bé Ba Khó Tinh gửi về DienAnh.Net.
Theo dõi DienAnh.Net để cập nhật những tin tức phim ảnh mới và chính xác nhất.
Facebook - bình luận