Mẹ chồng nàng dâu là câu chuyện muôn thuở của người châu Á, bởi lẽ Bé Ba thấy đâu chỉ có Việt Nam mà ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Thái Lan cũng phản ánh rõ nét những điều tiếng cay nghiệt trong mối quan hệ vốn được cho là “chuyện thường ngày ở huyện”. Trong chuyên đề Hương Vị Tình Thân có vị gì hôm nay, Bé Ba sẽ nói đến vị cay đắng của thân phận nàng dâu, để rồi sau mấy chục năm, cô con dâu khổ sở năm nào cũng hoá thành bà mẹ chồng đáng ghét.
Mọi thứ nên bắt đầu từ câu “ngày xửa ngày xưa” mà trẻ con hay nghe trong chuyện cổ tích nhỉ? Nhưng Bé Ba thấy, hiện thực ngoài đời cũng có “ngày xửa ngày xưa”, cái thuở cô Xuân còn là thiếu nữ, được gả vào gia tộc họ Hoàng vốn nổi tiếng danh giá. Thực ra, Xuân cũng là một cô tiểu thư được bố mẹ cưng chiều từ nhỏ, ăn nói nhỏ nhẹ, lễ nghi đủ đầy, công dung ngôn hạnh không thiếu thứ chi. Những tưởng trở thành nàng dâu trưởng trong gia đình chỉ có một cậu con trai độc tôn, sẽ là phúc phần của Xuân, nhưng hoá ra nó lại là chính là bi kịch cả cuộc đời cô.
Bà Dần thuở còn là mẹ chồng cũng chẳng hiền lành chi. Bà mang nỗi ám ảnh mất đi đứa con gái lớn của mình - cô Quyên, để rồi thần trí không minh mẫn. Khang thương mẹ nên tìm một cô vợ mà anh cho là hiền lành đức mẫu, có thể vừa quán xuyến việc trong ngoài của nhà họ Hoàng, vừa chăm sóc mẹ chồng chu đáo. Thế nhưng, dù cho Xuân có đầu tắt mặt tối lo lắng cho gia đình thì mỗi lúc tâm trí không tốt, mất đi ý thức hiện tại mà sống trong quá khứ, bà Dần lại nhìn con dâu trở thành người hại con gái ruột của mình, từ đó dày vò cô.
Xuân chịu không biết bao nhiêu lần bị mẹ chồng “động tay động chân”, đến tóc rụng da trầy, mang nỗi đau cả thể xác lẫn tâm hồn. Từ ngày vào nhà họ Hoàng, việc lớn việc nhỏ, việc trong việc ngoài cũng đều do Xuân đảm nhận. Cô chưa từng có một ngày nghỉ ngơi vì mẹ chồng có sức khoẻ không tốt, anh Khang lại bận trăm công nghìn việc ở công ty, cái thời mà HF còn là một công ty quy mô vừa, đang cố gắng mở rộng để có tiếng trên thị trường. Và thế là, Xuân dần đánh mất đi tuổi xuân của mình, sống như ngày tháng làm vợ, làm mẹ và cũng bắt đầu thay đổi tâm tính.
“Trẻ không chơi, già đổ đốn”… Nàng dâu ở tuổi xuân thì năm nào, cũng dần trưởng thành, trở thành người phụ nữ có chút quyền lực trong nhà họ Hoàng. 30 năm trôi qua, cô Xuân ngây thơ ngày về làm dâu, nay đã là bà mẹ có hai cậu con trai thành đạt, khôi ngô và đến tuổi lập gia đình.
Giờ đây, bà Xuân đã bớt lo nghĩ việc nhà vì mọi thứ đã vào nề nếp, nhưng Bé Ba cũng bắt đầu thấy bà bắt đầu sống cho mình, “hồi xuân” để gặp gỡ bạn bè, đi spa, chăm sóc bản thân. Nhưng 30 năm qua, dù bà có làm bao nhiêu chuyện cho cái nhà này, thì ông Khang vẫn đối xử với vợ như một người đến để chăm sóc mẹ mình, một người sinh cho ông những đứa con và nuôi nó trưởng thành, chứ không phải một người vợ đích thực.
“Có bao giờ anh dám bày tỏ tình cảm với tôi ngay trước mặt mẹ? Tại sao lúc nào anh cũng nói như thể mọi chuyện xảy ra trong nhà này đều do lỗi của tôi?”. Bé Ba nhớ hoài những câu nói trách móc của bà Xuân dành cho ông Khang nhưng ẩn chứa những câu chuyện ở phía sau. Đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng của bà chủ tập đoàn HF chính là sự cô độc, thiếu thốn tình cảm từ chồng, sự thông cảm của mẹ chồng.
Ngày trước khi Long với Huy còn bé, tình cảm và thời gian của bà dành hết cho hai con. Đây cũng chính là niềm động viên, an ủi cho chính bà Xuân để vượt qua ngày tháng làm dâu cay nghiệt trong gia tộc họ Hoàng. Nhưng rồi giờ đây, hai cậu con trai đã trưởng thành, có tình yêu, có những mối quan tâm khác lớn hơn gia đình, thì cũng là lúc dần rời xa vòng tay của mẹ.
Con bận vui với những niềm vui mới. Chồng bận bịu với công việc và mẹ. Bà Xuân còn lại gì ngoài những bà bạn? Ngay cả những cô giúp việc trong nhà như cô Sâm cũng không đứng về phía bà chủ, luôn đặt bà Dần lên trên hết, có thái độ vượt mặt hay thậm chí là trả treo thẳng miệng mỗi khi bà Xuân nói chuyện. Bé Ba chứng kiến không ít lần cô Sâm vặn vẹo lại bà Xuân hoặc bác bỏ ý kiến, đưa bà Dần, ông Khang ra làm lý do để bao biện. Đấy, bà Xuân cô độc như thế trong căn nhà rộng lớn, thử hỏi tại sao bà ấy không dần thay đổi, trở nên cay nghiệt cơ chứ?
Bé Ba không bênh vực hay giải thích, tẩy trắng cho người phụ nữ ấy, Bé Ba muốn nói để bạn hiểu, trước khi trở thành một bà mẹ chồng khó tính quá quắt như hiện nay, bà Xuân cũng từng là nàng dâu chịu nhiều thiệt thòi trong nhà. Đến tận bây giờ, bà Dần vẫn đối xử với con dâu như người thừa, nếu không làm lơ bỏ qua thì cũng buông lời cay nghiệt.
Dù cho nhiều lúc Bé Ba thấy bà Xuân cung kính, quan tâm đến mẹ chồng, nhưng đổi lại là sự thờ ơ, chống đối của bà Dần. Có bao giờ bạn nghe bà Dần xưng hô “mẹ con” với con dâu chứ? Chưa từng. “Tôi - cô” là hai từ thường trực, đủ để thấy bà Dần cũng là một bà mẹ chồng đáng sợ.
Nàng dâu năm nào rồi cũng trở thành mẹ chồng. Bà Xuân hôm nay có hẳn hai cô con dâu. Thế nhưng, bà Xuân vẫn tốt hơn bà Dần năm đó, khi vợ ông Khang vẫn có thái độ mềm mỏng dễ chịu với Khánh Thy - con dâu thứ trong nhà họ Hoàng. Bà Xuân không phải kiểu người vô lý, ghét chung tất cả con dâu.
Bà đối xử tốt với Thy vì đây là cô con dâu mà bà mong muốn, bà đánh giá cao vẻ đẹp, tài trí, sự khôn khéo của Thy, và trên hết chính là mối quan hệ giao hảo của bà Xuân và bà Sa. Hai bà bạn thân, thì dĩ nhiên càng vui hơn khi kết thông gia với nhau, san sẻ cho nhau những vui buồn cuộc sống. Vậy nên, từ đầu đến cuối, từ lúc Thy còn đang “mồi chài” Long cho đến khi trở thành vợ của Huy, bà Xuân vẫn yêu quý cô.
Nhưng với Nam thì khác. Thái độ của bà Xuân hoàn toàn thay đổi vào cái ngày biết Long có quan hệ tình cảm với con gái bà giúp việc. Là một người mẹ thương con đến mù quáng, bà Xuân có tiêu chuẩn riêng trong việc chọn vợ cho con trai. Chẳng lẽ Huy là em, mà còn cưới một cô vợ “điểm 9” như Khánh Thy thì Long lại kết hôn với cô gái “điểm 5” như Nam sao?
Trong mắt bà Xuân, đâu chỉ có gia thế hèn kém của Nam, mà cô còn là tuýp người ăn nói bỗ bã, có thói “du côn”, không lịch sự phép tắc lại thêm việc hay đốp chát với bà Xuân. Không dưới 2 lần bà chứng kiến Nam “động tay động chân động khẩu” với người khác, vậy thì làm sao có thể đón nhận Nam cơ chứ?
Một khi người ta đã ghét ai đó thì Bé Ba nghĩ phải có một cú sốc điện rất lớn mới có thể thay đổi cách đánh giá. Ngày qua tháng lại, Nam chỉ dần xấu đi trong mắt bà Xuân với hàng loạt biến cố, để rồi giờ đây cô chính thức về làm dâu nhà họ Hoàng trong sự phản đối kịch liệt của bà, nhưng lại bị ngó lơ, thì mối quan hệ giữa hai người trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết.
Bé Ba nghĩ trách làm sao được bà Xuân khi người đàn bà ấy cảm thấy bị cho ra rìa trong những quyết định trọng đại của gia đình, thậm chí ông Khang chấp nhận vì bà Dần mà bỏ mặc cảm nhận của vợ, đưa một người mà bà ghét về làm dâu con, chỉ để có người chăm sóc cho bà nội của Long.
Quá nhiều vấn đề từ nội tại của bà Xuân cho đến xuất phát từ những người xung quanh, để biến bà ta trở thành bà mẹ chồng cay nghiệt. Lỗi ở Nam là Bé Ba thấy không chối bỏ được, nếu như năm xưa cô có thái độ đúng mực hơn, nhường nhịn hơn với gia đình Long thì mọi việc đã không tệ đến vậy. Lỗi ở Long khi khi không hiểu dụng ý thương con của mẹ, mà thay vào đó cố chấp làm theo ý mình trước khi thuyết phục được bà Xuân chấp nhận Nam làm con dâu.
Lỗi ở ông Khang khi luôn lệch cán cân tình cảm với vợ, nghiêng hẳn về phía mẹ làm cho quan hệ mẹ chồng - con dâu ngày một banh bét, khó cứu vãn. Và lỗi ở bà Xuân, khi thương con quá cực đoan và bảo thủ, cũng như bày tỏ cảm xúc quá trực diện khiến người khác thêm phần ghét bỏ mình.
Nàng dâu năm xưa đã trở thành mẹ chồng, những gì mà cô Xuân ngày ấy hứng chịu từ bà Dần, nay đã chuyển sang cho Nam. Bé Ba còn nhớ câu nói: “Từ ngày mẹ về làm dâu nhà họ Hoàng, không ai là ở không, không có việc làm. Ai cũng có bổn phận chăm lo cho cái nhà này”. Bà Xuân nói đúng, hoàn cảnh năm nào nay đã ứng với hiện tại. Nhưng Bé Ba vẫn cảm thấy bà Xuân còn có thái độ khác với Khánh Thy, dễ chịu hơn, hiền mẫu hơn, chứ không hoàn toàn là bà mẹ chồng quá quắt với tất cả nàng dâu.
Nếu như mối quan hệ của bà Xuân và Nam không thay đổi, Bé Ba dám chắc rằng 30 năm sau, Phương Nam cũng sẽ trở thành một bà mẹ chồng khó chịu, cay nghiệt với con dâu của mình. Bé Ba biết, lúc ấy chẳng ai nhớ được những gì mình đã chịu đựng trong hàng chục năm qua, chỉ là nó ăn vào suy nghĩ, tâm tính nên hành động thay đổi, và biến mình trở thành bà mẹ chồng hồi trước.
Nó là quy luật, không phải “luật hoa quả” nha. Chỉ là nếu như chúng ta luôn đối xử tốt với nhau, thì tương lai, chúng ta cũng sẽ đối xử tốt với người khác. Nếu bà Dần đối đãi tốt với Xuân, thì giờ đây có lẽ thái độ, hành động của bà Xuân dành cho Nam, đã không tệ đến vậy.
Bé Ba mong rằng biên kịch phim Hương Vị Tình Thân sẽ giúp Nam hoá giải mối quan hệ với bà Xuân, để sau này con trai / con gái của Nam không khó xử khi cô trở thành một bà mẹ chồng đáng sợ. Và ở ngoài đời cũng thế, mẹ chồng - nàng dâu hãy dành cho nhau sự bao dung, thấu hiểu, thay vì áp đặt những suy nghĩ, quyết định của mình cho người khác. Con người đối đãi với con người bằng chân tình, thì ắt sẽ nhận được chân tình.
>>Xem thêm: Đám cưới của Nam ai cũng vui, chỉ có bố Sinh là tội nghiệp nhất
*Bài viết của Bé Ba Khó Tính gửi về DienAnh.Net.
“Hương Vị Tình Thân có vị gì?” là chuyên đề đặc biệt của DienAnh.net nhằm tôn vinh giá trị nhân văn, ý nghĩa của tình thân trong bộ phim truyền hình ăn khách nhất hiện nay của Việt Nam. Qua chuyên đề này, các bạn sẽ cảm nhận rõ nét hơn những câu chuyện đầy xúc động về tình cha con, mẫu tử và cả những tình cảm trân quý của những nhân vật không cùng huyết thống nhưng đối đãi với nhau như ruột thịt.
Mọi ý kiến đóng góp bài vở hãy gửi contact@dienanh.net để cùng nhau lan toả nguồn năng lượng tình thân cao quý này đến mọi người. Đừng quên follow DienAnh.Net để cập nhật những thông tin phim ảnh, chuyện hậu trường nhanh nhất, chính xác nhất nhé!
Facebook - bình luận