Phim siêu nhân thì chắc đâu chỉ Yasha mà các bạn ở đây ai cũng từng một thời say mê hen. Là 1 thương hiệu lâu đời bắt đầu từ năm 1971, Kamen Rider đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và trở thành 1 phần không thể thiếu trong tuổi thơ của vô vàn thế hệ.
Được coi là 1 trong những thương hiệu nổi tiếng nhất trong dòng phim Tokusatsu, Kamen Rider đã chứng minh rằng thương hiệu này là 1 trong những chủ lực của hãng Toei, thậm chí là cả hãng Bandai Namco trong việc quảng bá hình ảnh của họ đến với thế giới. Tuy nhiên, đối với các fan Tokusatsu thì Kamen Rider không thật sự được lòng họ như cách mà Ultraman đã làm.
Ai cũng biết là tiềm năng thu hút phổ biến của Kamen Rider mạnh hơn Ultraman rất nhiều. Kamen Rider có lượng nhân vật đông hơn, trang phục thiết kế cũng màu mè hơn, hiệu ứng biến hình đa dạng hơn và quan trọng hơn là không kén người xem. Nhưng phạm vi tiếp cận lại hoàn toàn khác nhau, nên cái nhìn của khán giả cũng sẽ khác.
Mặc dù khác hãng sản xuất, nhưng Kamen Rider và Ultraman ban đầu đều là phim dành cho thị trường nội địa, tức Nhật Bản. Khi khán giả quốc tế muốn xem, họ chẳng có cách nào khác ngoài việc xem lậu. Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng chính vì thế mà khán giả quốc tế buộc phải phụ thuộc vào những fansub đó, bởi việc “làm phim lậu” đa phần không giúp họ làm giàu bởi nó chẳng phải công việc kiếm sống, chưa kể chất lượng dịch thuật không phải lúc nào cũng tốt. Vậy nên, việc tiếp cận phim với các fan Kamen Rider ở nước ngoài là quá nhiều rào cản.
Ultraman thì khác hẳn. Hãng Tsuburaya Productions đã chọn một hướng đi cực khôn ngoan, đó là ngoài việc vẫn phát nó trên các phương tiện đại chúng ở Nhật Bản như đài truyền hình hay kênh stream, họ còn chiếu trên kênh Youtube chính thức với phụ đề tiếng Anh hoàn chỉnh. Điều này đã giúp những khán giả quốc tế có cơ hội tiếp cận nó với tính lan tỏa tương đối mạnh mẽ. Thậm chí, những fansub cũng thay đổi cách hoạt động và kêu gọi các fan chuyển sang xem tại kênh Youtube chính thức của Tsuburaya.
Bên cạnh đó, hãng này cũng tích cực kết hợp với những thương hiệu khác nhằm đưa hình ảnh của Ultraman bay xa, ví dụ như hợp tác với Marvel Comics để sản xuất truyện tranh tại thị trường phương Tây, hay bắt tay với Netflix để sản xuất anime. Tóm lại, cách làm của Tsuburaya rất đa dạng và có thể tiếp cận với nhiều thế hệ khán giả khác nhau.
Toei cũng có kênh Youtube quốc tế để đăng phim, nhưng đúng là chỉ để cho có. Đa phần trên đó đều là phim cũ được đăng một cách bừa phứa, vốn kén người xem. Trong khi đó thì những series Rider thời Bình Thành thì chỉ được đăng đúng 2 tập để…kích thích khán giả mua đĩa, hoặc đăng nhiều hơn nhưng không có phụ đề. Do đó thì Toei Tokusatsu World Official không thực sự thu hút khán giả, trái ngược hẳn với kênh của Tsuburaya.
Lý giải cho chuyện này là bởi theo số liệu thì doanh thu thị trường trong nước hoàn toàn áp đảo thị trường quốc tế, trong khi Toei lại không muốn nền tảng Youtube khiến cho lượt xem tại các nền tảng khác bị giảm đi. Hơn nữa, việc Toei đang duy trì việc bán bản quyền chiếu phim cho những quốc gia khác cũng khiến họ dè chừng, bởi nếu họ làm theo cách của Tsuburaya thì có thể sẽ khiến các đối tác không hài lòng.
Để dễ hiểu hơn thì Yasha có thể đưa ra ví dụ khá đơn giản. Giả dụ như nếu Toei muốn chiếu Kamen Rider Build với đa ngôn ngữ, họ sẽ không thể chèn phụ đề tiếng Việt vào phim (Tsuburaya đang làm vậy với Ultraman Trigger), trong khi 1 hãng khác đang nắm bản quyền (ít nhất tại Việt Nam).
Trên đây là những ý kiến phân tích của Yasha về việc tại sao Ultraman lại được lòng khán giả quốc tế hơn hẳn Kamen Rider. Vậy ý kiến của các bạn thì sao?
*Bài viết của Yasha gửi về DienAnh.Net.
Theo dõi DienAnh.Net để cập nhật những tin tức phim ảnh và chuyện hậu trường nhanh, chính xác nhất!
Facebook - bình luận