Trong quá trình phát triển của ngành điện ảnh, khá nhiều tác phẩm văn học kinh điển được lấy cảm hứng chuyển thể, cải biên nhiều lần, từ đó mang đến cho những con chữ một hình ảnh mới mẻ, ấn tượng. Thế nhưng, cũng có không ít trường hợp các bộ phim điện ảnh mượn danh tác phẩm văn học, tạo ra những sản phẩm kém chất lượng khiến người xem như tôi phải thất vọng.
Đầu tiên là bộ phim Cậu Vàng – được lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học quen thuộc của Nam Cao. Nhìn chung, bộ phim này chỉ lấy cảm hứng chứ không hoàn toàn trung thành theo bản gốc, chính vì thế các nhà làm phim có quyền cải biên, sáng tạo sao cho phù hợp nhất với câu chuyện của điện ảnh. Thế nhưng đây là sự đổi mới có dụng ý nghệ thuật hay đơn giản là mô phỏng sơ sài dựa trên thế giới mà Nam Cao dày công tạo dựng? Với Cậu Vàng thì tôi nghĩ câu trả lời là ở vế sau.
Gọi tác phẩm này là phiên bản mô phỏng bởi lẽ không có bối cảnh lịch sử cụ thể khiến cho câu chuyện diễn ra vô cùng hời hợt. Nếu không biết tác phẩm của Nam Cao từ trước chắc hẳn chẳng ai biết tại sao lão Hạc lại phải khổ thế, cái khổ của lão từ đâu mà ra? Hay trường hợp của gã Binh Tư cũng vậy? Nếu không biết về nguồn gốc của bi kịch tha hoá thì câu chuyện hoàn toàn không có sức nặng, cứ như vậy trôi tuột đi.
Trên thực tế, không thể phủ nhận đạo diễn Trần Vũ Thuỷ đã đem đến một kịch bản tốt, khi đưa cậu Vàng trở thành trung tâm của bộ phim. Tất cả những nhân vật hay tình tiết trong câu chuyện liên quan đến ông giáo, lão Hạc… đều nhằm mục đích đề cao hình ảnh của cậu Vàng. Thế nhưng, dù ý tưởng kịch bản có tốt đến đâu, thì khi lên phim và công chiếu ra rạp vẫn tồn đọng những rủi ro khó mà lường trước. Phải chăng, đạo diễn Trần Vũ Thuỷ vẫn chưa thể nào “cảm” hết được ý nghĩa trong từng câu chữ của Văn Cao mới có thể tạo ra một bộ phim hoàn toàn xa lạ với cái đói, cái nghèo của làng quê Bắc Bộ những năm 1945.
Cách xây dựng và tạo hình của cậu Vàng gây ra nhiều tranh cãi trái chiều. Đầu tiên, về tạo hình nhân vật, đoàn phim đã quyết định sử dụng chó Shiba Nhật Bản thay cho chó ta, tạo cảm giác bất đồng với miêu tả “một chú chó sống ở làng quê miền Bắc”. Không những thế, đi đến đâu cậu Vàng cũng được ông ấp, cưng nựng, dùng quan điểm thú cưng của hiện đại để đối xử với cậu…
Sự lòe loẹt của màu sắc trong phim cũng không đem lại sự đồng điệu giữa truyện và phim. Không hiểu sao những phân đoạn kể về sự khốn cùng của người nông dân mất mùa, bị bè lũ ác bá “đè đầu cưỡi cổ” lại có thể dùng màu sắc mộng mơ, đậm nét trữ tình đến vậy.
Ngoài ra, có rất nhiều điểm bất hợp lý trong tâm lý nhân vật khiến câu chuyện không trọn vẹn. Có quá nhiều tuyến nhân vật, mỗi người một bi kịch riêng, không có điểm chung kết nối, làm cho nhân vật trung tâm dẫn dắt câu chuyện là cậu Vàng như biến mất, nếu có thì chỉ thi thoảng “điểm xuyết” mà thôi.
Có thể nhìn vào một bộ phim sử dụng chất liệu văn học tương tự đó là Làng Vũ Đại Ngày Ấy - sản xuất năm 1982 nhưng còn làm tốt hơn Cậu Vàng hiện tại, khi biến nhân vật ông giáo trở thành trung tâm chứng kiến toàn bộ sự biến đổi lịch sử của làng Vũ Đại. Đáng lý ra, nếu Cậu Vàng xây dựng đúng trên chất liệu văn học, kết hợp ý tưởng thú vị thì chắc hẳn sẽ cho ra đời một bộ phim đáng xem hơn.
>> Xem thêm: Chuyện hậu trường của Bố Già: Ê-kíp mập lên vì Trấn Thành "vỗ béo"
Chưa thôi tiếc nuối về Cậu Vàng, khán giả lại tiếp tục chứng kiến một thảm hoạ “đội lốt” Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du có tên Kiều @. Ngay từ khâu truyền thông, bộ phim đã liên tục nhấn mạnh lấy cảm hứng từ tác phẩm đình đám với các nhân vật nổi bật như chị em Thúy Kiều, Thúy Vân, Mã Giám Sinh, Hoạn Thư, Từ Hải… Song kết quả ra sao? Kiều @ là một bộ phim thảm họa từ từ nội dung, diễn xuất cho đến chất lượng.
Xét về nội dung, bộ phim xoay quanh một cô gái trẻ tên Hương vì hoàn cảnh đẩy đưa mà chấp nhận làm công việc không sáng rọi với người con gái để kiếm tiền nuôi gia đình. Sau này, khi bị gia đình phát hiện, mọi người ruồng bỏ, khinh rẻ, đã gián tiếp đẩy cô đến những trắc trở, khó khăn trong cuộc sống. Song kịch bản vụn vặt, thiếu liên kết dẫn đến diễn biến tâm lý nhân vật chuyển biến hời hợt, khó hiểu.
Phân cảnh Hương chấp nhận sa chân, lỡ bước chỉ sau một vài tình tiết đơn giản, chóng vánh khiến người xem khó hiểu. Lý giải cho vấn đề này thì ê kíp làm phim cho biết vì số cảnh quay quá lớn dẫn đến làm rõ tâm lý nhân vật phải kéo dài bộ phim lên tận 6 tiếng. Thế nhưng đây không phải là câu trả lời chính đáng cho việc dựng phim không hợp lý, đầu thừa đuôi thiếu, đánh đổi bằng chiều sâu nhân vật. Đạo diễn còn mời hẳn hoa hậu để đóng vai chính nhưng diễn xuất của Phan Thị Mơ bị chê là nhạt nhẽo, dù rằng người đẹp đã phải đánh đổi khá nhiều khi chấp nhận khoe thân trong phim. Việc này chỉ khiến khán giả cảm thấy phản cảm vì quá thừa thãi chứ không hề đánh giá cao.
Kiều@ còn được quảng bá là bộ phim Việt đầu tiên có cú máy oneshot dài 90 phút nhưng nhìn vào kỹ xảo mờ ảo, nhiều phân đoạn chao đảo với các cảnh tua nhanh, hoa mắt chóng mặt người xem, thì không hiểu chất lượng phim được đánh giá như thế nào? Ngoài ra, phần nhạc nền với các âm thanh thừa thãi, tạp nham khiến khán giả vào rạp như đang bị tra tấn bởi tiếng ồn.
Một số khán giả đã chỉ đích danh thực chất bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm cải lương Nửa Đời Hương Phấn, nhưng lại mượn danh Truyện Kiều để quảng cáo. Đây là một sự thiếu tôn trọng đối với văn học. Tóm lại, trải nghiệm của khán giả khi ra rạp để xem bộ phim này là vô cùng khó nói.
>> Đừng bỏ lỡ: Bố Già - Chị Mười Ba: Từ webdrama, phất lên thành phim mang về trăm tỷ
Sau thất bại ê chề của Kiều @, sắp tới đây điện ảnh Việt cũng có thêm 2 tác phẩm lấy cảm hứng từ văn học bao gồm Kiều của Mai Thu Huyền và Trạng Tí do Ngô Thanh Vân sản xuất. Tuy nhiên, cả hai tác phẩm đều vấp phải không ít thị phi ngay từ khi chưa ra mắt, đồng thời cũng chưa hề có gì bảo chứng về chất lượng phim khi ra rạp khiến khán giả quan ngại.
Ngược dòng lịch sử trở về thời gian điện ảnh còn sơ khai, rất nhiều tác phẩm tiểu thuyết, truyện dài hoặc truyện ngắn đã được các đạo diễn lựa chọn để chuyển thể như Vợ chồng A Phủ, Làng Vũ Đại Ngày Ấy, Chuyện Của Pao…
Đến giai đoạn năm 2010 trở về sau, thị trường phim Việt lại trở nên vô cùng sôi động, liên tiếp đón nhận những bộ phim nổi bật, được công chúng yêu thích gồm Thiên Mệnh Anh Hùng, Cánh Đồng Bất Tận, Hương Ga, Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh hay Mắt Biếc... cũng đều được bước ra từ trang sách. Ngoài ra, cũng có một số tác phẩm được lấy cảm hứng từ văn học dân gian, sử dụng kỹ xảo hiện đại, xây dựng lại cuộc đời mới cho nhân vật như Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể, Trạng Quỳnh. Những tác phẩm này đều rất được sự đón nhận của công chúng từ khâu nội dung cho đến màn biểu hiện của diễn viên.
Trên thực tế, muốn được đông đảo khán giả yêu thích và đón nhận, trước tiên các nhà làm phim cần bỏ cái tâm vào trong sản phẩm của mình, coi nó như một đứa con tinh thần để đầu tư và dày công chuẩn bị chứ không phải mượn danh tiếng lớn mà chất lượng lại yếu kém. Tôi hi vọng rằng, các nhà làm phim tương lai dù là lựa chọn con đường chuyển thể, cải biên hay tự mình sáng tạo đều có thể đặt chất lượng lên làm tiêu chí đầu tiên, nỗ lực tạo ra những thước phim ấn tượng góp phần nâng cao giá trị điện ảnh Việt Nam.
*Bài đóng góp của độc giả gửi về DienAnh.Net.
Đừng quên cập nhật những tin tức mới nhất về điện ảnh, hậu trường và showbiz Việt tại DienAnh.Net nhé!
Facebook - bình luận