Đến hẹn lại lên, cứ vào mỗi dịp hè về là Tây Du Ký lại được các đài lớn chọn để chiêu đãi khán giả. Tính đến hiện tại, bộ phim này đã quay được gần 40 năm, thế mà sức hút vẫn chưa bao giờ sụt giảm. Ngoài giá trị tinh thần, Tây Du Ký còn được nhiều người đánh giá cao về kỹ xảo quay phim chỉn chu và hoàn thiện.
Có bao giờ bạn tò mò, trong giai đoạn mà kỹ thuật phông xanh, công nghệ 3D đều chưa phát triển thì nhà sản xuất Tây Du Ký thực hiện các phân cảnh võ thuật, phép thuật hay hành động dưới nước như thế nào không? Nếu có thì hôm nay Nhật Nguyệt sẽ giải đáp thắc mắc cho mọi người!
>>> Xem thêm: Chuyện buồn Tây Du Ký: Đạo diễn hối hận vì quá hot, Sa Tăng tạ thế do lỗi đoàn phim
Hoa Quả Sơn
Thuở thơ ấu, có bạn nào như mình, giăng chăn màn lên ghế tạo thành hang động rồi gọi đó là Hoa Quả Sơn, Thủy Liêm Động không? Hồi ấy, mình cũng tin rằng, Hoa Quả Sơn hay Thủy Liêm Động là địa danh có thật, còn ôm mộng sẽ được ghé qua đây một lần, hưởng cảm giác trở thành con cháu của Tề Thiên Đại Thánh.
Sau khi đọc xong một bài phỏng vấn của đạo diễn Dương Khiết, giấc mơ này của mình đã sụp đổ rồi. Hóa ra, Hoa Quả Sơn vốn chẳng có thật, nó là sản phẩm kết hợp từ nhiều cảnh quay khác nhau. Theo đạo diễn Dương Khiết hé lộ, bà đã phải di chuyển từ đảo Đông Sơn vùng Phúc Kiến cho đến vườn cây Lư Sơn ở Giang Tây, rừng dừa ở Trương Gia Giới, Văn Xương ở Hải Nam... mới có thể xây dựng được Hoa Quả Sơn của riêng mình.
Cái gì lớn đều làm bằng mô hình mini
Trong giai đoạn kinh phí hạn hẹp, kỹ xảo thô sơ, công nghệ chưa phát triển và Hoành Điếm còn chẳng thấy bóng dáng đâu thì việc xây dựng các tòa thành lớn là điều bất khả thi. Các thành viên của tổ hậu trường đã quyết định nhờ nghệ nhân dựng nên mô hình mini bằng gỗ và giấy rồi tận dụng các góc quay để đánh lừa thị giác.
À, riêng Ngũ Hành Sơn đã đè lên người Tôn Ngộ Không trong 500 năm lại không phải là mô hình đâu nha! Nhìn thì như hàng “pha kè” nhưng đây là núi thật đó. Chỉ là nó không nằm trên Ngũ Hành Sơn mà ở trong khu rừng đá ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Hình nộm giấy được tận dụng tối đa
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, khi phải thực hiện các phân cảnh "khó quá mà không bỏ qua được" thì giấy trở thành công cụ đắc lực cho cả đoàn phim Tây Du Ký.
Ở những phân đoạn Tôn Ngộ Không đứng trên Cân Đẩu Vân bay vút lên trời, hay yêu quái hiện nguyên hình đều là sản phẩm của giấy đấy. Nghe thì có vẻ khó tin nhỉ, nhưng lại sự thật. Vì đây là cách tốt nhất để thực hiện các cảnh quay yêu cầu kỹ xảo cao mà không quá tốn kém.
À, ngay cả cảnh những cảnh linh hồn của Bạch Cốt Tinh xuất hiện mờ mờ, ảo ảo cũng là thành quả của các nghệ nhân cắt giấy đấy. Mình chỉ muốn gửi nghìn lời khen cho đoàn hậu cần của Tây Du Ký vì đã khiến tuổi thơ của mình có thêm nỗi sợ.
Long cung chính là bể cá
Có bạn nào từng tò mò như mình, thấy Tôn Ngộ Không xuống Long Cung quậy phá tưng bừng nhưng quần áo, lông tóc đều chẳng hề bị ướt không? Nếu có thì đây chính là lời giải đáp cho mọi người đây.
Hóa ra những cảnh quay dưới nước hay ở Long Cung vốn được quay ở trên bờ. Để có hiệu ứng làn nước chuyển động hay bong bóng nổi lên, họ đã sử dụng một chiếc hồ cá đặt ngay phía trước ống kính máy quay. Và là thế chúng ta đã có những phân cảnh dưới nước cực kỳ đỉnh chóp, đánh lừa biết bao đứa trẻ thơ ngây như mình.
>>> Xem thêm: 4 nhân vật luyện Quỳ Hoa Bảo Điển: Đông Phương - Bình Chi đều chẳng bằng tiền bối
Là fan cuồng của Tây Du Ký, Nhật Nguyệt đã phải đi từ bất ngờ này sang ngỡ ngàng khác khi biết được sự thật phía sau siêu phẩm tuổi thơ này. Thế mới biết, phía sau một tác phẩm kinh điển là sự sáng tạo không biết mệt mỏi của các nhân viên hậu kỳ.
* Bài viết của Nhật Nguyệt chia sẻ tại box Phim Hoa Ngữ
Nếu bạn yêu thích Tây Du Ký và các bộ phim Hoa ngữ khác , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim Tây Du Ký? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây
Facebook - bình luận