Từng là một thương hiệu phim kinh dị đình đám gây tiếng vang lớn vào những năm đầu thế kỉ 21, Final Destination đã gieo rắc nỗi ám ảnh thực sự kinh hoàng cho biết bao thế hệ khán giả yêu thích phim ảnh nói chung và dòng phim kinh dị nói riêng. Một trong những yếu tố đã góp phần làm nên sự thành công cho thương hiệu Final Destination tính đến thời điểm hiện tại đó chính là độ đầu tư về kỹ xảo, hình ảnh và hậu kỳ vô cùng ấn tượng. Hãy cùng Kido điểm lại những phân cảnh khó quên của loạt phim ở bên dưới.
Loạt phim Final Destination (tựa Việt: Số Phận An Bài hay Lưỡi Hái Tự Thần) xoay quanh một người thấy được điềm báo về sự kiện nguy hiểm sẽ xảy ra trong phút chốc ngay trước mắt và họ liền cảnh báo cho những người xung quanh. Chỉ một nhóm người tin họ và may mắn thoát nạn trong gang tấc. Thế nhưng, sau đó từng người một trong nhóm “may mắn” ấy lại phải ra đi một cách khó hiểu, liệu đó có phải là do sự trùng hợp ngẫu nhiên hay do “ai đó” đã sắp đặt? Câu trả lời sẽ có sau khi các bạn thưởng thức qua 5 phần Final Destination đầy ám ảnh và hấp dẫn.
Final Destination là thương hiệu phim kinh dị có kinh phí khá cao (hơn 40 triệu USD cho mỗi phần) nên loạt phim được đầu tư về mặt hình ảnh, kĩ xảo và hậu kỳ rất mãn nhãn được minh chứng qua loạt ảnh bên dưới:
Cảnh máy bay mở đầu phần phim Final Destination (2000) đã gây ấn tượng mạnh với mình. Ở những năm đó, phần kỹ xảo của phim đã vô cùng thực chứ không hề “ba xu”, tạo cho người xem cảm giác sợ hãi thật sự, đồng thời vô cùng choáng ngợp và gây dấu ấn cho tựa phim này. Cũng nhờ vậy, lượng người xem phim tăng lên và nhà sản xuất quyết định bắt tay thực hiện phần tiếp theo sau thành công đó.
Nếu phần 1 có cảnh trên máy bay thì bước sang phần 2, cảnh quay trên đại lộ đã khiến mình nổi da gà. Bởi lẽ, những bối cảnh của series phim này vô cùng gần gũi với chúng ta, bạn có thể bắt gặp mỗi ngày trong chính cuộc sống của mình. Có lẽ vì nắm bắt được tâm lý ấy, nhà sản xuất loạt phim Final Destination ngày càng ăn nên làm ra khi gieo rắc nỗi sợ cho người xem bằng những gì quen thuộc nhất.
Bất cứ ai từng đến công viên giải trí đều phải choáng ngợp và có phần lo lắng với trò chơi tàu lượn siêu tốc. Trước khi bước lên chuyến tàu này, hẳn ai cũng từng một lần tự trấn an mình, rằng sẽ không sao đâu, mọi thứ sẽ tốt thôi, vì trò này nằm trong một công viên siêu to khổng lồ cơ mà. Kido y chang như vậy, và bao lần bước lên trò tàu lượn siêu tốc cũng đều phải nhớ đến cảnh quay trong Final Destination 3 (2006), và nỗi sợ ngày một tăng lên. Ổn thôi ổn thôi!
Lại là một tuyệt chiêu của nhà làm phim Final Destination khi ở phần phim ra mắt năm 2009, họ đã đưa một tình tiết quá đỗi phổ biến trong cuộc sống của chúng ta: Họa vô đơn chí, từ đâu ập xuống. Một chiếc xe tải lớn lao thẳng vào cửa hàng và bùm…
Sao lại không nhắc đến cảnh quay trứ danh, tốn chục tỷ đồng kinh phí trong Final Destination 5 (2011) cho vụ sập cầu. Phần kỹ xảo của phim chân thực đến mức, Kido đã đọc được vô số bình luận từ khán giả rằng, phải chăng đoàn phim đã cho bay màu một cây cầu thật để có được cảnh phim xuất sắc như vậy?
Phần 6 của Final Destination được trông chờ sẽ là phần giải đáp mọi khúc mắc và ý nghĩa của các chi tiết xuyên suốt loạt phim. Do chi phí của mỗi phần Final Destination không hề nhỏ nhưng doanh thu lại không quá cao nên khá buồn khi dự án phần 6 bị “đắp chiếu” cũng gần 8 năm rồi. Hy vọng sau một thời gian dài vắng bóng, Final Destination 6 sẽ trở lại và tạo thành cú hit lớn trong làng phim kinh dị.
Đối với mình, nếu nói về độ đầu tư kỹ xảo thì thương hiệu Final Destination vẫn luôn có một chỗ đứng nhất định và khó mà thay thế được trong làng phim kinh dị dù hơn một thập kỷ đã trôi qua.
Cùng follow DAN Kinh Dị để cập nhật những tin tức phim ảnh và chuyện hậu trường nhanh nhất, chính xác nhất!
Facebook - bình luận