Dưới Bóng Cây Hạnh Phúc là bộ phim khai thác đề tài làm dâu với góc nhìn phản ánh chân thực cuộc sống. Bố chồng gia trưởng gây khó khăn đủ đường, anh em chồng ai nấy đều phụ thuộc, dựa dẫm vào nàng dâu Son (Kim Oanh).
Nếu bạn đã theo dõi phim ngay từ những tập đầu, tôi nghĩ bạn đã từng có suy nghĩ mong muốn nữ chính vùng lên, dũng cảm vạch tội nhà chồng. Và rồi để khán giả không chờ lâu, ngày đó cũng đã đến nhưng kéo theo đó là hàng loạt rắc rối.
Nhân vật Son tuy lạ mà quen, ta vẫn hay bắt gặp kiểu nhân vật này trong đời sống hằng ngày đó thôi. Hình ảnh một cô vợ đảm đang, tần tảo với nghĩa vụ phải lo lắng cho gia đình chồng. Cô sẵn sàng hỗ trợ em chồng trong lúc khó khăn và không ngại nấu những món ăn cầu kỳ theo sở thích của từng thành viên trong gia đình nhưng Son chưa bao giờ được gia đình chồng tôn trọng, kể cả chồng của cô..
Dù đã cố nhẫn nhịn nhưng tôi biết rằng đâu ai có thể chịu uất ức được mãi, chị Son đã có những lúc phải cắn răng, khóc trong đêm để trút bớt gánh nặng mà không bị gia đình phát hiện. Chị cũng như biết bao nhiêu người khác, lúc buồn sẽ bầu bạn với hơi men để giải sầu.
Tôi cứ tưởng đó sẽ là một buổi “cách mạng” của chị, cả nhà sẽ nhận ra lỗi sai và bắt đầu tôn trọng Son hơn. Ai mà có ngờ, sau hôm đó chị phải đối mặt với “tòa án” mang tên bố chồng, tệ hơn nữa họ chê trách chị ích kỉ, hẹp hòi, toan tính và đòi trả về nhà với bố mẹ đẻ.
Ông Công (NSND Quốc Trị) mắng Son lời lẽ vô cùng cay nghiệt: “Tôi không hiểu loại đàn bà như chị suy nghĩ gì mà làm những điều đáng xấu hổ như vậy”. Tôi không nghĩ ở thời đại này rồi mà vẫn còn một ông bố chồng xấu tính, gia trưởng đến như thế.
Những lúc cánh đàn ông trong gia đình hóa “ma men” ai là người chăm sóc? Thế gia đình ông có xấu hổ vì những người con trai như thế không, chị Son quả thật vô phúc khi va vào gia đình kỳ quái này.
Nhiều khán giả cũng không khỏi bức xúc khi xem đến những phân cảnh này, bên cạnh đó nhiều cô vợ cũng tự thấy chính mình trong câu chuyện của Son. Trong cuộc sống còn có rất nhiều nàng dâu, cô vợ đóng vai trò cốt lõi, xương sống trong gia đình nhưng không bao giờ được ghi nhận và tôn trong.
Đi kèm theo đó, chúng ta vẫn hay bắt gặp hình ảnh một người chồng như Đạt (Mạnh Hưng), lúc nào cũng mặc định những công việc vun vén, chăm sóc gia đình là nghĩa vụ của phụ nữ.
Phụ nữ đôi khi yêu chồng, yêu con hay thậm chí là yêu cả gia đình chồng nhưng lại quên yêu chính mình. Việc chị Son chăm con chu đáo, hiếu thảo với bố chồng hay đối đãi tốt với anh em chồng là điều hoàn toàn đúng. Nhưng khi chị đã dành toàn bộ sự nghiệp cho nhà chồng mà vẫn bị bỏ rơi, gạt ra một góc thì tôi nghĩ chị đã sai khi đối xử tốt với họ.
Qua nhân vật Son, tôi chợt nhận ra chị chính là hình mẫu người phụ nữ mẫu mực trong hôn nhân, đây là hình ảnh tốt nhưng dần dần sẽ sinh ra tính cống hiến, càng lún sâu phụ nữ dần đánh mất bản thân.
Phân cảnh mẹ ruột dặn dò Son khi làm dâu, bác gái dặn nhiều lắm nhưng tôi chỉ nhớ đến hai từ “nhẫn nhịn”. Tôi không tán thành với cách này bởi trong trường hợp của Son đôi khi “Một điều nhịn là chín người hành”, suy cho cùng thiệt thòi cũng về phần chị Son thôi. Đàn ông yêu mình sẽ không bắt mình phục tùng và thay đổi, gia đình chồng quý mình sẽ không hà khắc những chuyện nhỏ nhen.
Khán giả xem phim ai nấy đều “la ó” thay cho chị Son, còn yêu cầu đổi tên phim thành “Dưới Bóng Cây Bất Hạnh” nữa chứ. Phim ngày càng được đông đảo khán giả kỳ vọng và đón nhận nên tôi mong rằng biên kịch sẽ nhẹ tay hơn với chị Son, mong chị sớm có được hạnh phúc trọn vẹn.
Bạn rút ra được những bài học nào thông qua Dưới Bóng Cây Hạnh Phúc? Hãy chia sẻ cảm nhận cho tôi biết với nha!
>>> Xem thêm: Dưới Bóng Cây Hạnh Phúc: Dự đoán Tố sẽ sớm thành đôi cùng Nhài
* Bài viết của Ngọc Quỳnh chia sẻ tại box Phim Việt Nam
Nếu bạn quan tâm Dưới Bóng Cây Hạnh Phúc , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim Dưới Bóng Cây Hạnh Phúc? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây
Facebook - bình luận