Sau khi đã đọc rất nhiều quyển sách, trao đổi với nhiều người, tôi thật sự khắc sâu được rằng có sự khác biệt giữa nghe thấy và lắng nghe, song, tất cả chúng đều có thể thực hành với các phương pháp đơn giản.
Trong cuốn sách “Nghệ thuật lắng nghe đã mất: Học cách lắng nghe có thể cải thiện các mối quan hệ”, Michael P. Nichols viết: “Bản chất của việc lắng nghe tốt là sự đồng cảm, điều này chỉ có thể đạt được bằng cách tạm dừng mối bận tâm của chúng ta về bản thân và bắt đầu trải nghiệm người khác. Một phần trực giác và một phần nỗ lực, đó là thứ kết nối giữa con người với nhau”. Dưới đây là những gợi ý mà tôi rút ra được để có thể kết nối tốt hơn với mọi người trong cuộc sống.
1. Lắng nghe và phản ánh
Lắng nghe là một kỹ năng, và phản xạ là một kỹ thuật mà hầu như tất cả các chuyên gia sức khỏe tâm lý và huấn luyện viên kinh doanh đều sử dụng khi dạy cách lắng nghe cho khách hàng của họ. Khi thực hành phản xạ, ta sẽ phản ánh lại những gì người kia đã nói, nhưng theo một cách khác. Ví dụ nếu ai đó nói: “Tôi rất lo lắng về quảng cáo chiêu dụ khách mua hàng và bài thuyết trình này”, ta có lẽ sẽ trả lời lại rằng: “Hiện tại, bạn có vẻ như rất căng thẳng về tất cả công việc mà bạn đang thực hiện”.
Đúng vậy, điều này lúc đầu có thể khiến chúng ta cảm thấy gượng ép và khó xử, nhưng khi ta đã quen với nó, chiến thuật này sẽ cho thấy bản thân ta đang lắng nghe và đã tiếp thu thông điệp một cách tốt hơn. Nó cũng cho phép người nói biết ta đã hiểu lời nói của họ như thế nào và có thể nhắc họ đưa ra các chi tiết để giải thích thêm. Ví dụ: “Chà, đó không phải là công việc mà tôi lo lắng. Tôi sợ hãi khi đứng trước đám đông”.
2. Giữ lại câu trả lời một vài phút trước khi nói ra
Những người lắng nghe tốt sẽ nhận thức được phản hồi của chính họ và không vội nói ra mà suy nghĩ trước. Hãy xem nó tương tự như thiền định và chánh niệm (sự chú tâm), nơi ta thừa nhận những suy nghĩ của mình, và hãy để chúng trôi qua một cách nhẹ nhàng mà không kiểm soát. Thay vì bộc lộ cảm xúc của chính mình ngay lập tức, hãy lắng nghe đối tác nhiều hơn. Tập trung vào những gì đang được nói, cả bằng lời nói, hoặc thông qua ngôn ngữ cơ thể và âm lượng giọng. Hãy cố gắng hiểu mọi thứ theo quan điểm của họ trước.
3. Làm rõ mọi thứ
Tiếp theo, hãy đặt câu hỏi mà không cần phán xét, để đảm bảo rằng mình đang thực sự hiểu người kia. Câu hỏi làm rõ của ta có thể giống như: “Anh muốn đảm bảo rằng anh đã hiểu đúng. Ý của em là em sẽ không thể xin nghỉ làm trước 15 phút?” Hoặc “Em nghe có vẻ khó chịu với anh. Có phải anh đã hỏi em không đúng thời điểm?” .Mục tiêu của ta không phải là đưa chúng vào đúng chỗ, mà là làm rõ mọi thứ và tránh xung đột.
4. Giả định điều tốt nhất
Các đối tác tích cực sẽ không đưa đến kết luận tiêu cực. Nếu nhận thấy một kiểu giả định hoài nghi trong các mối quan hệ của mình, thì đã đến lúc ta cần thiết phải thay đổi. Hãy cố gắng lắng nghe bạn bè, người thân, người yêu của mình mỗi lần, để khi họ nói: “Em không muốn đi dự tiệc" thì bạn sẽ không nghĩ ngay đến điều tồi tệ nhất: "Cô ấy không bao giờ muốn làm bất cứ điều gì tốt cho tôi cả!”.
Có thể người kia không muốn đến bữa tiệc vì họ đang bận hoặc đơn giản là có vấn đề sức khỏe. Hãy xem điều gì sẽ xảy ra khi ta tạo động lực tích cực cho lời nói và hành động của đối phương. Tinh thần hào phóng của ta có thể tạo ra một phản ứng dây chuyền tích cực nhất.
Kết: Tôi cho rằng, các mối quan hệ lãng mạn, cuộc sống gia đình hoặc liên quan đến công việc nếu muốn tiến triển tốt đẹp thì điều cần thiết nhất chính là thấu hiểu. Niềm tin nảy nở khi mọi người cảm thấy được đồng cảm và thấu hiểu. Và nền tảng của hai điều này chính là lắng nghe chân thành.
* Bài viết của Tian Yi chia sẻ tại box Cafe Danner
Lắng nghe là một trong những kỹ năng ưu tiên hàng đầu để trở nên đồng cảm, nếu bạn có những chia sẻ về xây dựng các mối quan hệ , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Facebook - bình luận