Lightyear, bộ phim thứ 26 của Pixar, là câu chuyện về cảnh sát vũ trụ quả cảm Buzz Lightyear. Anh chính là hình mẫu để tạo ra món đồ chơi cùng tên trong 4 phần Toy Story (Câu Chuyện Đồ Chơi). Với Pa Bích, Lightyear chỉ gói gọn trong 2 từ: an toàn và dễ thương.
Pixar tưởng tượng ra một câu chuyện nguồn gốc của Buzz Lightyear, trong đó anh là một cảnh sát vũ trụ dũng cảm, giỏi giang và luôn hoàn thành nhiệm vụ tới cùng. Lightyear cùng phi hành đoàn trong lúc đi du ngoạn ngân hà để khám phá các thế giới mới đã vô tình mắc kẹt tại một hành tinh lạ lẫm với đầy rẫy dây leo cũng như các sinh vật nguy hiểm.
Hành tinh này không phù hợp, Buzz cùng các đồng đội đã quay trở lại tàu vũ trụ Củ Cải Tròn để trốn thoát, nhưng Buzz đã tính toán sai, tạo nên cú va chạm và khiến con tàu hỏng nặng. Không còn cách nào khác, cả phi hành đoàn mắc kẹt tại nơi đây buộc phải sinh tồn, tìm hiểu và khai thác tài nguyên xung quanh với mục đích tìm cách quay trở về quê hương.
Theo Pa Bích, Lightyear chỉ dừng lại ở mức đáng yêu chứ không có sự đột phá về ý tưởng như Soul hay Inside Out, cũng không khai thác chất liệu mới như Turning Red hay Coco. Câu chuyện của Lightyear nó đơn giản và dễ đoán cực kì, cũng chỉ là mô tuýp quen thuộc về cuộc phiêu lưu tìm đường về nhà với đầy rẫy khó khăn, thử thách. Nó dường như an toàn đến kì lạ đối với Pixar. Với trẻ em, câu chuyện này là vừa đủ nhưng với mình thì có lẽ vẫn còn chưa thuyết phục lắm.
Song, câu chuyện đơn giản nhưng không có nghĩa là phim không gài cắm thông điệp nhân văn. Với Lightyear đó là tinh thần trách nhiệm, nỗ lực và luôn coi trọng hiện tại, rằng chúng ta cần sống ý nghĩa mỗi phút giây chứ đừng mải mê chạy theo những điều viễn vông.
Đồng thời, câu chuyện về cộng đồng LGBT cũng được nhấn mạnh một cách đẹp đẽ. Ở trong thế giới của Lightyear, giới tính chưa bao giờ là chuyện bất thường, thậm chí nó còn là điều quá đỗi bình thường và tươi đẹp. Cũng chính vì đề cập đến vấn đề nhạy cảm này mà Lightyear bị cấm phát sóng ở vài quốc gia, tuy nhiên Pixar và Disney chẳng quan tâm, thứ họ muốn là được lan tỏa thông điệp ý nghĩa đến mọi người.
>>> Xem thêm: Lightyear: Pixar chưa bao giờ làm tôi thất vọng, và lần này cũng vậy
Câu chuyện chưa đột phá và ấn tượng là vậy, nhưng bù lại phần nghe - nhìn của phim nằm ở mức tốt. Từng khung hình trong phim đều được chăm chút đến ngỡ ngàng, từ miếng bánh, bộ lông mèo, gỉ sét của kim loại, độ sờn trên vải vóc, độ gồ ghề của địa hình… đều được mô tả kĩ lưỡng, chân thật. Nói trắng ra là các phim Pixar xưa giờ luôn đạt đến độ chỉn chu gần như hoàn hảo về hình ảnh, kĩ xảo cũng như âm thanh, lồng tiếng nên chưa bao giờ mình cảm thấy thất vọng về khía cạnh này và Lightyear cũng không phải trường hợp ngoại lệ.
Lần đầu tiên xem Toy Story, Pa Bích không hề biết ai lồng tiếng cho Buzz Lightyear và vì quá ấn tượng, nên mình tìm hiểu thì mới biết là Tim Allen. Qua 3 phần Toy Story tiếp theo, Tim Allen vẫn thể hiện xuất sắc vai Buzz Lightyear. Tuy nhiên, sang Lightyear, nhân vật này được lồng tiếng bởi Chris Evans, điều này làm mình cảm thấy khá tiếc. Rõ ràng, Buzz Lightyear trong Lightyear trở nên ít hài hước và nghiêm nghị hơn qua chất giọng của Chris nhưng xét kĩ lại, mình thấy Pixar đã làm đúng khi chọn người mới.
Trong thế giới Toy Story, Buzz là một món đồ chơi, do đó sự hài hước hơn mức bình thường là hợp lý và Tim Allen đã làm rất trọn vẹn. Nhưng Buzz của Lightyear lại là một cảnh sát vũ trụ hết mình vì nhiệm vụ. Vì vậy, sự hài hước cần giảm xuống để làm nổi bật rõ hơn tính nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm của nhân vật khi đảm đương một chức vụ lớn. Dù là phim có bản lồng tiếng Việt nhưng theo Pa Bích thì mọi người tốt nhất vẫn nên xem bản phụ đề. Thứ 1 là để cảm nhận rõ hơn âm thanh gốc của từng vai diễn, thứ 2 là hiểu rằng Chris Evans thật sự hóa thân thành Buzz Lightyear cũng hay không kém gì Tim Allen.
>>> Xem thêm: Buzz Lightyear thay đổi từ Toy Story đến Cảnh Sát Vũ Trụ như thế nào?
Bên cạnh Buzz Lightyear, chú mèo robot Sox cũng là nhân vật mà mình yêu thích nhất. Sox đáng yêu và đảm nhận vai trò là “cây hài” chính của cả bộ phim. Mình tin là sau khi xem xong phim, bạn sẽ mê tít Sox cho mà coi. Biết đâu được trong tương lai chúng ta sẽ thấy một bộ phim riêng về chú mèo dễ thương này thì sao. À phim có đến tận 3 đoạn post-credit, mọi người nhớ ngồi lại để xem cho trọn vẹn nhé. Bật mí một tí xíu là nó sẽ gợi mở ra nhiều cái nhìn thú vị về sự hình thành của vũ trụ Câu Chuyện Đồ Chơi cũng như phần tiếp theo của Lightyear đấy.
Tóm lại, Lightyear về mặt nghe - nhìn đã đáp ứng gần như trọn vẹn kì vọng của mình, nhưng xét về mặt nội dung cốt lõi thì vẫn còn chưa đủ đã và sâu sắc. Ít nhất là so với tác phẩm của Pixar gần đây là Turning Red thì Lightyear vẫn còn lép vế lắm.
Đó là chút cảm nhận của mình sau khi xem xong Lightyear, còn bạn, bạn suy nghĩ thế nào về tác phẩm mới nhất của nhà Pixar này, hãy để lại bình luận cho mình biết nha.
* Bài viết của Pa Bích chia sẻ tại box Mọt phim Review
Nếu bạn thích phim Âu Mỹ và không bỏ qua bất cứ bộ phim hoạt hình nào của Pixar , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim Lightyear (Cảnh Sát Vũ Trụ)? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây
Facebook - bình luận