Mới đây, bộ phim Đại Tống Cung Từ do Lưu Đào, Châu Du Dân diễn chính đã lên sóng sau 2 năm “đắp chiếu”. Tuy nhiên, khác với kỳ vọng của các “mọt phim”, tác phẩm này là cả bầu trời thất vọng, “fail” từ diễn viên, nội dung tới khâu hậu kỳ. Trong đó, nữ chính của bộ phim, Lưu Đào nhận được nhiều sự chú ý hơn cả với hình tượng nhân vật bao trọn combo mà khán giả ghét nhất, đó là thánh nữ Mary Sue, “bạch liên hoa” lúc nào cũng tỏ ra ngây thơ thánh thiện và “em gái trà xanh”.
Hãy cùng Quần Chúng Thích Ăn Dưa nhìn lại và phân tích rõ hơn về nhân vật do Lưu Đào thể hiện trong Đại Tống Cung Từ nhé!
Đại Tống Cung Từ là bộ phim thuộc thể loại đại nữ chủ, kể về hành trình của Lưu Nga (Lưu Đào thể hiện) từ cô gái mồ côi, từng làm thiếp cho một người một bình thường đến Hoàng thái hậu quyền lực, buông rèm nhiếp chính suốt 11 năm, được dân chúng kính yêu, ca tụng.
Được biết, trong lịch sử Lưu Nga vốn nổi danh chẳng kém gì Võ Tắc Thiên, là số ít những người phụ nữ mang màu sắc truyền kỳ, từ tầng chót của xã hội đi lên đỉnh cao quyền lực của vương triều Đại Tống. Chắc hẳn không ít người đã chờ mong một bộ phim về quyền mưu nghẹt thở chốn cung đình. Ai ngờ, dưới bàn tay của biên kịch, Lưu Nga chẳng khác nào nữ chính phim Quỳnh Dao, đậm mùi “trà xanh”, đi tới thành công nhờ ánh hào quang Mary Sue chói lòa.
"Trà xanh” chen chân vào gia đình người khác
Đầu tiên, Quần Chúng Thích Ăn Dưa sẽ nói về hình tượng “em gái trà xanh” của Lưu Nga. Ngay từ tập đầu bộ phim, Triệu Hằng (Châu Du Dân) đã đưa Lưu Nga về phủ, bất chấp việc vương phi vừa mới sinh quý tử, trợ giúp anh trong việc giành được ngôi vua. Trong khi khán giả đang thương tiếc vương phi bị tra nam cho ra rìa ngay khi nữ chính vừa xuất hiện thì Lưu Nga lại thổ lộ: “Ta không quan tâm những điều này, chỉ cần chàng đáp ứng ta, cả đời này vĩnh viễn không phụ bạc”.
Cộng đồng mạng cho rằng, những lời này chẳng khác gì những “tiểu tam” chỉ biết đến tình yêu trong phim ảnh của Quỳnh Dao với câu cửa miệng: “Em không để tâm đến danh phận, chỉ cần anh yêu em là được”.
Thêm một tình tiết đáng chú ý khác là khi Triệu Hằng đưa một cô gái không rõ lai lịch về nhà và có thái độ cực kỳ lạnh nhạt với mình, vương phi dù không vui nhưng vẫn ban thưởng cho Lưu Nga tiền bạc, vải vóc để cảm tạ ơn cứu mạng của cô với Triệu Hằng. Đồng thời vương phi cũng khéo léo ám chỉ việc Lưu Nga có thể rời phủ, sống cuộc sống thoải mái cả đời, đừng có “dính” lấy chồng người khác.
Thế nhưng, Lưu Nga lại “giả điếc”, tuyên bố khi cứu Triệu Hằng, cô không biết thân phận vương gia của anh và “không có công không hưởng lộc”. Lưu Nga vẫn quyết “cắm cọc” trong vương phủ dù bị nữ chủ nhân “đuổi khéo”.
>> Có thể bạn chưa xem: Những tình tiết gây "lú" trên phim Hoa ngữ khiến khán giả cười bò
“Bạch liên hoa” thánh thiện nhưng quá sai so với lịch sử
Ngoài trend “em gái trà xanh”, nhân vật Lưu Nga tiếp tục dẫm lên lối mòn hình tượng “bạch liên hoa” bị khán giả ghét nhất. Dù sống trong hiểm cảnh, phải chạy nạn khắp nơi, Lưu Nga vẫn như “Bồ Tát sống”, hiền lành, thiện lương, tụ tập đủ mọi ưu điểm như đóa hoa sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Dù liên tục gặp kẻ gian hãm hại, Lưu Nga vẫn có thể “hóa nguy thành an”. Sự thiện lương của cô có thể cảm hóa những người xung quanh, trí tuệ của cô khiến người khác phải bái phục, làm các đấng mày râu xung quanh đều đổ gục, hết lòng vì người đẹp.
Trước mắt, nữ chính Lưu Nga vẫn chưa thể hiện chút nào về tài năng và dã tâm của một chính trị gia, vẫn là một “bạch liên hoa” thuần khiết, ngây thơ. Điều này khiến Quần Chúng Thích Ăn Dưa không khỏi băn khoăn: “Biên kịch định bẻ lái thế nào để đưa Lưu Nga lên ngôi vị hoàng thái hậu nếu cô cứ không tranh không đoạt thế này?”.
Hơn nữa, trong sử sách, Lưu Nga bị gọi là “gian phi” vì khống chế triều chính, “ly miêu đổi thái tử”. Việc “tẩy trắng” nhân vật có thực quá đà trên màn ảnh khiến nhiều người không hài lòng. Hay như netizen đánh giá thì: “Một người phụ nữ thiếu chút nữa thì xưng đế mà bị miêu tả thành cô gái chỉ biết đến tình yêu thì còn ‘chơi lớn’ hơn cả đem Mị Bát Tử (Mị Nguyệt trong Mị Nguyệt Truyện của Tôn Lệ) có vô số nam sủng viết thành ngây thơ trong trắng”.
Mary Sue với ánh hào quang chói lòa
Lại thêm một kiểu hình tượng bị ghét nhất nhì trên màn ảnh được biên kịch thêm thắt vào cho nhân vật Lưu Nga, đó là Mary Sue hoàn hảo một cách vô lý.
Vốn là một cô gái xuất thân nghèo khó, mồ côi cả cha lẫn mẹ, lại là thiếp của một nghệ nhân kim hoàn nhưng Lưu Nga tinh thông đọc sách, viết chữ, thêu thùa, khiêu vũ như tiểu thư nhà danh giá. Chưa kể, cô như được “trời độ” với những bước tiến thuận lợi tới ngỡ ngàng.
Ví dụ, do tình cờ cứu Triệu Hằng, Lưu Nga từ dân nữ có thân phận thấp hèn trở thành chân ái của vương gia. Chỉ khẽ quan tâm một câu, cô đã khiến cho nha hoàn vốn chẳng hề quen biết một mực trung thành. Lần đầu gặp hoàng đế thì dỗ dành tiểu hoàng tôn chỉ bằng một khúc hát, vượt mặt những bà vú có hàng chục năm kinh nghiệm. Ngẫu nhiên xâm nhập vào phủ của Tần vương, Lưu Nga lại được Tần vương phi hết mực yêu thích nhờ tài nghệ hơn người. Vô tình phá tan âm mưu của Tần vương, cô trợ giúp hoàng đế tránh được lần bị hãm hại.
Qua những chuỗi sự kiện “ảo tung chảo” nói trên, chắc hẳn các bạn cũng như Quần Chúng Thích Ăn Dưa đều phải “tròn mắt” trước ánh hào quang “siêu to khổng lồ” từ nữ chính, khiến cô mọi việc đều thuận buồm xuôi gió. Vẫn biết khán giả ưa thích những tình tiết sảng khoái nhưng “sảng” đến mức này thì quá thực có gì đó sai sai mất rồi!
Có thể thấy được, chưa bàn đến diễn xuất thì hình tượng nhân vật Lưu Nga do nữ diễn viên Lưu Đào thể hiện trong Đại Tống Cung Từ đã là một nỗi thất vọng lớn đối với đông đảo khán giả.
*Bài viết do Quần Chúng Thích Ăn Dưa gửi về DienAnh.Net.
>> Có thể bạn quan tâm: Phì cười với những tình tiết vô lý nhưng được sử dụng nhiệt tình trong phim Hoa ngữ
Là “mọt phim” Hoa ngữ? Hãy theo dõi và cập nhật những thông tin phim ảnh, chuyện hậu trường mới nhất, chính xác nhất trên fanpage Thế Giới Hoa Ngữ nhé!
Facebook - bình luận