Vốn dĩ nổi tiếng, nên việc nhiều quốc gia vay mượn ý tưởng của Hollywood để làm nên cốt truyện chính cho bộ phim của họ là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu biến tấu tốt hơn thì sẽ được tán dương, ngược lại nếu không hiệu quả sẽ dễ bị “flop” liền. Một trong số đó là Ma Gương 3 (Kuntilanak 3) của Indonesia.
Cốt truyện trong Ma Gương 3 xoay quanh nhân vật Dinda, một cô bé sở hữu siêu năng lực nhưng vẫn chưa học được cách kiểm soát, chính vì vậy cô bé luôn bị bạn bè xem là quái nhân và cô đơn trong chính thế giới của mình. Nhận ra điều đó, Donna - mẹ nuôi của Dinda, gửi cô bé đến Mati Hati, một ngôi trường dành cho những người có năng lực như Dinda. Tưởng chừng mọi chuyện có thể êm xuôi, nhưng chính vì sự tò mò, Dinda đã phát hiện ra nhiều bí mật động trời, nhiều trẻ em đột nhiên biến mất một cách khó hiểu.
Lần lượt điều tra và theo dõi các manh mối, Dinda phát hiện âm mưu tất thảy đều từ những giáo viên tại đây. Dinda vô tình trở thành “mồi ngon” của họ bởi chính cô là người của dòng họ Mangku Jiwo, sở hữu sức mạnh tuyệt vời.
Mặc dù là phần phim thứ 3 của chuỗi phim Kuntilanak, vẫn do Rizal Mantovani đạo diễn. Dưới ngòi bút của Alim Sudio, mình thấy cốt truyện hoàn toàn khác biệt so với hai mùa phim đầu tiên. Vốn gắn mác kinh dị, nhưng những gì diễn ra trong Ma Gương 3 lại hầu hết xoay quanh những hiện tượng siêu nhiên, phép thuật mà có phần thiên về viễn tưởng, giật gân.
Wukong nghĩ có thể đạo diễn muốn rút kinh nghiệm từ hai mùa phim trước, nội dung lần này mở rộng và tập trung về đối tượng trẻ hơn. Mình nghĩ điều này dễ xảy ra tính 2 mặt, nếu xét về mặt tốt, có thể nội dung phim đủ tạo bất ngờ so với những gì Rizal Mantovani đã làm trước đó, nhưng mặt hạn chế sẽ dễ bị mang ra so sánh với những tác phẩm có cùng chủ đề, chẳng hạn Harry Potter hoặc X-Men.
Do Ma Gương 3 diễn đạt mọi thứ dưới góc nhìn của Dinda, theo chân nhân vật này, mình thấy bối cảnh và cách sắp xếp ở Mati Hati khá giống với ngôi trường Hogwarts hoặc trường đào tạo dị nhân của Charles Xavier.
Vì vậy, tuy khởi sắc có phần khác biệt so với 2 mùa trước, nhưng câu hỏi đặt ra là tựa đề và nội dung có liên quan với nhau không? Mọi thứ diễn ra và khiến mình cứ mãi đi tìm linh hồn trong gương, nhưng đổi lại chỉ là hành trình tìm ra sự thật bằng siêu sức mạnh của một phù thủy hay dị nhân Dinda nào đó?
>>> Xem thêm: Ma Gương 3: Chỉ nên là phần phụ giải thích về ngôi trường Mata Hati
Có thể, cách mở rộng phạm vị bối cảnh và chủ đề lần này của nhà làm phim đang muốn đi theo xu hướng phim điện ảnh ngày nay, đó là tạo một nhân vật anh hùng có siêu năng lực, phổ biến nhất là: telekinesis (di chuyển đồ vật bằng suy nghĩ) và anh hùng ấy sẽ điều tra những bí ẩn quanh tình huống họ gặp phải.
Wukong chắc với các bạn rằng, nếu theo dõi Ma Gương 3, mọi người sẽ phải đồng ý với suy nghĩ của mình và gặp đâu đó những hình ảnh quen thuộc của Hogwarts hoặc trường đào tạo dị nhân.
Hơn nữa, Ma Gương 3 vẫn chưa thể chứng minh sự cải tiếng chất lượng của chuỗi phim về mặt hình ảnh, mọi thứ chỉ dừng lại ở mức trung bình. Wukong nghĩ rằng liệu do đối tượng nhà làm phim hướng đến là những khán giả trẻ nên họ nghĩ chúng mình sẽ dễ dàng bỏ qua những lỗ hổng nhỏ chăng? Ngay cả cách xây dựng nhân vật cũng không có chiều sâu, thậm chí việc Dinda hy sinh ở một số phân đoạn, cảm xúc của mình như một “dòng sông phẳng lặng”.
Đến đây, mình chợt nhớ đến một bộ phim cũng có bối cảnh tương tự, nhưng lại làm ổn hơn nhiều, đó là Fate: Winx Saga, tác phẩm chuyển thể từ bộ hoạt hình Winx Club nổi tiếng, từng phát sóng trên Netflix. Như mình thấy, nhiều tác phẩm thiết kế kịch bản quanh một bối cảnh nhất định thì đòi hỏi phải tạo độ sâu về mặt hình ảnh, không gian và âm thanh, thì khi xem mình mới cảm nhận hết sự trù phú của tác phẩm ấy.
Cách Ma Gương 3 xây dựng cốt truyện theo công thức của những diễn biến đã lỗi thời khiến mình hoàn toàn mất niềm tin về ngành điện ảnh của Indonesia, liên tục tập hợp nhiều xung đột, mâu thuẫn quanh một diễn biến chính, mình xem Ma Gương 3 mà như đang coi lại những bộ phim cũ của Hollywood vào đầu những năm 2000.
Có thể hoan nghênh cho tinh thần học hỏi và khai thác ý tưởng khi pha trộn yếu tố giả tưởng với kinh dị khá thú vị. Nhưng không may biên kịch chưa có sự nhất quán rõ ràng khiến mọi thứ trong Ma Gương 3 trở nên mâu thuẫn với câu chuyện mà anh ấy đang phát triển. Do đó, trải qua 3 phần của bộ phim này, Wukong luôn cảm thấy vô lý, nhạt nhẽo và kết thúc cực nhàm chán với một cốt truyện dài dòng.
>>> Xem thêm: Ma Gương 3: Kinh dị dân gian pha chút hơi hướng siêu anh hùng
Việc chỉ đạo của Mantovani cũng không thể giúp Ma Gương 3 khởi sắc hơn. Những hướng đi mà đạo diễn đưa ra hầu hết đều đơn điệu. Mỗi phút trong thời lượng dài đằng đẵng của phim, mình cảm thấy Mantovani đang cố thể hiện những điều yếu kém nhất. Chỉ cần nhìn vào nửa cao trào giữa thời lượng, khi Adela và Miko cố gắng cứu Dinda và những người bạn của cô ấy và sau đó lại để một số nhân vật nhí hy sinh oan uổng. Hay cách giải quyết “trùm cuối” chỉ bằng hát bài Lengsir Wangi. Xem đến đây, mình kiểu: “Ủa?”.
Tựu trung, Ma Gương 3 thật sự là một phần hậu truyện không hay với mình, mọi thứ chỉ dừng lại ở mức trung bình trở xuống. Thiết nghĩ các nhà làm phim cần cải thiện hơn để thương hiệu của Kuntilanak nói riêng và nền điện ảnh Indonesia nói chung, tốt hơn trong tương lai. Nếu Wukong chấm 2.5/10 thì có quá không nhỉ?
Còn bạn. Bạn nghĩ sao về bộ phim này? Hãy để lại bình luận cho mình nhé.
* Bài viết của Wukong chia sẻ tại box Mọt phim Review
Nếu bạn yêu thích những phim kinh dị , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim Kuntilanak 3 (Ma Gương 3)? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây
Facebook - bình luận