x

Đăng nhập

Comming soon...

Phim chiếu rạp

Bom tấn

Ma Gương 3 và những phim ma từ truyền thuyết dân gian nửa đầu 2022

Lọ Lem 17:00 - 21/06/2022

Nửa đầu 2022 có khá nhiều bộ phim ra rạp “đụng hàng” từ thể loại đến đề tài, trong đó có những phim cùng khai thác câu chuyện từ truyền thuyết dân gian. Mở đầu là Năm, Mười, Mười Lăm, sau đó có Chuyện Ma Đô Thị và sắp tới đây là Ma Gương 3. 

Trước khi đến với Ma Gương 3, hãy cùng mình nhìn lại về hai bộ phim khai thác cùng đề tài trước đó nhé.

Năm, Mười, Mười Lăm

Năm, Mười, Mười Lăm là bộ phim kinh dị pha lẫn yếu tố siêu nhiên của Mexico. Bộ phim xoay quanh câu chuyện về một cô bảo mẫu trẻ có tên là Sofia, thông qua lời giới thiệu của chị gái, Sofia đã được nhận vào làm tại một gia đình giàu có. Những đứa trẻ này vô cùng phá phách, nghịch ngợm. Chúng luôn tìm mọi cách để xua đuổi Sofia. 

Trong một lần không thể chịu nổi sự quá quắt của những đứa trẻ này, Natalie (chị gái Sofia) đã dọa chúng bằng cách kể cho chúng nghe về ác quỷ Mormo. Sau đó, vì tò mò, chúng đã triệu hồi ác quỷ Mormo lên chơi cùng. Ác quỷ Mormo đã lần lượt “giấu” đi những đứa trẻ trong nhà và buộc những người còn lại phải tham gia vào một trò chơi. Lúc này, Sofia phải vượt qua những nỗi sợ và nỗi ám ảnh trong quá khứ để cứu lấy những đứa trẻ. 

Năm, Mười, Mười Lăm khai thác câu chuyện về ác quỷ Mormo, hay còn gọi là Bà Ba Bị. Việt Nam mình thì hay gọi là ông kẹ. Bà Ba Bị hay ông kẹ là một nhân vật hư cấu thường được người lớn dùng để dọa trẻ em, đặc biệt là những đứa trẻ hư. Nhân vật này không có hình thù nhất định, tùy mỗi nền văn hóa, Bà Ba Bị sẽ được hiện ra với những mô tả riêng. 

Tuy nhiên, mình thấy truyền thuyết về Bà Ba Bị trong Năm, Mười, Mười Lăm được khai thác một cách vô cùng hời hợt. Giống như là chỉ lấy truyền thuyết đó làm nền rồi vẽ chuyện thêm thôi chứ không đi sâu vào khai thác gì. Mọi thứ trong Năm, Mười, Mười Lăm rất rời rạc, lưng chừng, dọa cũng không tới mà truyền tải thông điệp, ý nghĩa cũng không xong. 

Điều quan trọng nhất là phim sử dụng chất liệu là truyền thuyết về Bà ba bị nhưng nhân vật lại bị lu mờ hoàn toàn. Nó không có tạo hình đặc biệt, thậm chí cũng không khiến mình cảm thấy sợ hãi. 

Năm, Mười, Mười Lăm làm mình khá thất vọng vì đưa ra được ý tưởng ban đầu tốt nhưng khai thác thì chẳng tới đâu. Truyền thuyết về Bà ba bị là một đề tài tốt vì nó có tính phổ quát cao, hầu như khắp nơi trên thế giới, ở đâu cũng có một phiên bản Bà ba bị riêng. 

Việc đem truyền thuyết Ba ba bị lên màn ảnh bước đầu đã tạo được hiệu ứng vô cùng tốt. Mình nghĩ nếu phim làm chắc hơn về khâu kịch bản sẽ có thể đem lại được một câu chuyện sâu sắc hơn.

Chuyện Ma Đô Thị

Trước giờ Hàn Quốc nổi tiếng với những bộ phim kinh dị, tâm lý, giật gân nhưng những câu chuyện có thiên hướng tâm linh một chút thì chưa bao giờ được đem lên màn ảnh. Chuyện Ma Đô Thị là bộ phim Hàn Quốc đầu tiên khai thác về chuyện ma dân gian.

Chuyện Ma Đô Thị là phim được làm dưới dạng hợp tuyển - tuyển tập những câu chuyện kinh dị được lan truyền trong dân gian của Hàn Quốc. Phim lấy bối cảnh tại Seoul, kể về những câu chuyện bí ẩn, kỳ lạ, ít người biết về thế giới của người âm. Chuyện Ma Đô Thị gồm 10 mẩu chuyện nhỏ, mỗi câu chuyện sẽ do một idol kpop đóng chính. Điều này đã tạo nên hiệu ứng truyền thông vô cùng tốt cho Chuyện Ma Đô Thị ngay từ những ngày đầu công bố thông tin về dự án. 

>>> Xem thêm: Trailer Ma Gương 3: Cũ kỹ nhưng đậm chất văn hóa dân gian Indonesia

Mình thấy Chuyện Ma Đô Thị rất biết cách tạo sự thú vị cho dự án của mình. Ngoài việc “chơi lớn” mời 10 ngôi sao kpop đóng phim thì Chuyện Ma Đô Thị còn phân bố đa dạng thể loại trong bộ phim lần này. Từ kinh dị siêu nhiên, kinh dị tâm lý cho đến kinh dị máu me,...thể loại nào cũng có mặt trong Chuyện Ma Đô Thị. 

Tuy nhiên, chính vì nhồi nhét quá nhiều thứ vào một bộ phim điện ảnh chỉ vỏn vẹn 117 phút như vậy nên thực sự thì mình thấy Chuyện Ma Đô Thị rất dở dở ương ương. Để đảm bảo thời lượng thì mỗi câu chuyện trong Chuyện Ma Đô Thị chỉ có thể kéo dài tầm 10 - 15 phút. Chính vì vậy cảm xúc của mình khi xem cứ bị ngắt quãng liên tục. Thêm nữa là coi liên tục 10 câu chuyện mà mỗi câu chuyện lại nói về một thứ khác, không có liên kết gì với nhau, đã vậy còn trôi qua quá gấp gáp khiến mình không đọng lại gì. 

>>> Xem thêm: Doanh thu phim Việt nửa đầu 2022: Bẫy Ngọt Ngào, Nghề Siêu Dễ ăn đậm

Một thứ khiến mình khá khó chịu khi xem Chuyện Ma Đô Thị là phim chỉ dọa mình bằng jumpscare thôi. Có nhiều lúc mình cảm thấy hơi sợ, nhưng đó là sợ vì tạo hình nhân vật, vì bị “hù” một cách bất ngờ chứ không đến từ nỗi sợ tâm lý. Và hầu như 10 câu chuyện đều có một cách “hù” na ná như nhau. Ngồi trong rạp xem mà mình chỉ đếm coi được bao nhiêu câu chuyện rồi xem khi nào xong thôi vì cảm giác quá mệt khi cứ bị hù như vậy. 

Nói là khai thác về truyền thuyết dân gian Hàn Quốc nhưng mình thực sự chưa cảm nhận được yếu tố đặc biệt về văn hóa ở đây. Ngoài chuyện “Minh Hôn” và “Ma Nơ Canh” ra thì mình không thấy câu chuyện nào “rặc” Hàn Quốc cả. Những câu chuyện còn lại đều có thể xuất hiện ở bất kỳ quốc gia nào. Làm phim để kể về những câu chuyện rùng rợn ở đất nước mình mà không thể hiện được đặc trưng của quốc gia chính là điểm dở nhất của Chuyện Ma Đô Thị.

Ma Gương 3

Ma Gương 3 có ý tưởng ban đầu giống như Năm, Mười, Mười Lăm đó là kể về một nhân vật trong truyền thuyết dân gian của Indonesia, đó là Kuntilanak (Ma Gương). Kuntilanak cũng như Bà ba bị hay ông kẹ, là những nhân vật thường được đem ra để nhát trẻ em, để bảo chúng ngoan ngoãn nghe lời. 

Kuntilanak là oan hồn của những người phụ nữ mất khi mang thai. Họ thường xuất hiện với hình dạng là những người phụ nữ mặc đồ màu trắng, tóc buông dài và có đôi mắt dữ tợn. Họ thường trú ngụ trong những nơi có nhiều cây cối, những nơi âm u, vắng vẻ, ít người biết đến. Khi thấy đối tượng “vừa mắt” mình, Kuntilanak sẽ xuất hiện và trêu chọc họ. 

Vì được cho là một thế lực nguy hiểm, có thể đe dọa sự sống của con người nên Kuntilanak thường bị trấn yểm lại. Ở những phần phim trước của Ma Gương thì Kuntilanak sẽ bước ra từ một chiếc gương. 

Trong Ma Gương 3, Kuntilanak sẽ trở lại và gieo rắc nỗi kinh hoàng cho những đứa trẻ của trường Mati Hati. Phần phim này sẽ xoay quanh hành trình của cô bé Dinda tại trường học. Sau một lần chiến thắng quỷ dữ và trở về cùng gia đình, Dinda là mất đi khả năng kiểm soát sức mạnh của mình. 

Vô tình, sức mạnh của cô đã gây tổn hại cho những người xung quanh. Vì thế, Dinda đã đến trường học Mati Hati để học cách kiểm soát sức mạnh. Tại đây, cô sẽ gặp rắc rối lớn vì sự trở lại của Kuntilanak. Dinda sẽ cùng những người bạn của mình chiến đấu với ma nữ để bảo vệ sự bình yên cho ngôi trường. 

Loạt phim Ma Gương đã làm được hai phần, lần này trở lại với phần phim thứ ba mình thấy cũng phần nào có được sự bảo chứng về chất lượng nội dung. Thông qua những hình ảnh đầu tiên của Ma Gương 3, mình thấy hình tượng ác quỷ trong phần phim này xây dựng chỉn chu hơn hẳn so với Năm, Mười, Mười Lăm. Ít ra, Kuntilanak trong Ma Gương 3 được xây dựng có background (hoàn cảnh) và backstory (câu chuyện ở quá khứ) rõ ràng, khiến mình tin và hiểu về nhân vật. 

Cùng là câu chuyện mà hero (người anh hùng chống phá cái ác) là trẻ em nhưng những đứa trẻ trong Ma Gương 3 cho mình thấy được khí chất và khả năng thực sự của chúng. Nó cũng làm mình tò mò về câu chuyện riêng của nhân vật.

Tuy vậy nhưng câu chuyện trong Năm, Mười, Mười Lăm lại khiến mình cảm thấy gần gũi hơn còn Ma Gương 3 khiến mình có cảm giác hơi xa cách. Có lẽ một phần vì ở Việt Nam mình trước giờ chưa nghe nhiều về Ma Gương. Một phần nữa có thể là do cách tạo dựng không khí phim. 

Đều là phim kinh dị khai thác từ truyền thuyết dân gian ra rạp trong nửa đầu 2022 nhưng Năm, Mười, Mười Lăm và cả Chuyện Ma Đô Thị đều khiến mình cảm thấy chưa thực sự thỏa mãn vì phim chỉ mới dừng lại ở mức độ kể lại những gì được biết về những câu chuyện đó thôi chứ chưa đào sâu để tạo dựng nên một câu chuyện mới, truyền tải được thông điệp gì đặc biệt. Yếu tố kinh dị của Năm, Mười, Mười Lăm Chuyện Ma Đô Thị cũng làm không tới, nhiều cảnh làm mình thấy khó chịu nhiều hơn là sợ. 

Mặc dù vẫn cảm giác hơi xa cách với Ma Gương 3 nhưng mình chưa nghe qua về truyền thuyết về Kuntilanak bao giờ nên cũng khá tò mò về bộ phim này. Mong là Ma Gương 3 sẽ có thể mang đến cho mình một trải nghiệm kinh dị đúng nghĩa và một câu chuyện về truyền thuyết dân gian có chiều sâu hơn. 

* Bài viết của Lọ Lem chia sẻ tại box Phim chiếu rạp

Nếu bạn yêu thích phim kinh dị và không muốn bỏ qua bất kỳ phim nào thuộc thể loại này , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.

Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim Kuntilanak 3 (Ma Gương 3)? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây

Facebook - bình luận

Bài Cùng chuyên mục

Công tử Bạc Liêu: Hiện tượng sống nửa đầu thế kỉ 20

Nga Cao

Nga Cao

Phim Công Tử Bạc Liêu của đạo diễn Lý Minh Thắng mượn nhân vật có thật để nói về tinh thần và những khát vọng của người Việt cách đây 100 năm.

Ba người phụ nữ trong Cô dâu hào môn: Mỗi cây mỗi hoa, bà nào cũng khổ

Nga Cao

Nga Cao

Ba nhân vật của Lê Giang, NSND Hồng Vân và Thu Trang đều có những góc khuất khó giãi bày trong phim điện ảnh Cô dâu hào môn.

Những bậc phụ huynh hết lòng vì con cái trong phim Cô Dâu Hào Môn

Nga Cao

Nga Cao

Những ông bố, bà mẹ trong phim Cô dâu hào môn sẵn sàng làm mọi thứ để khiến con mình hạnh phúc. Kiều Minh Tuấn, Thu Trang, Lê Giang đã khắc họa thành công.

Chất liệu dân gian trong phim Cám: Đột phá đến từ nhân vật thằng Bờm

Nga Cao

Nga Cao

Phim Cám, dị bản kinh dị của Tấm Cám vận dụng thành công những chất liệu dân gian quen thuộc và gần gũi, nhưng cải biên theo hướng mới mẻ, sáng tạo hơn

Trải nghiệm độc lạ mùa Giáng sinh cùng trò chơi ma sói trong Kẻ Ăn Hồn

Lindo

Lindo

Trò chơi quen thuộc ma sói nay đã được mang lên màn ảnh rộng cùng Kẻ Ăn Hồn. Đừng bỏ qua bộ phim hấp dẫn này nếu bạn cũng là một tín đồ của ma sói.

Yếu tố kinh dị trong Kẻ Ăn Hồn: Đáng sợ và đậm chất phương Đông

Nga Cao

Nga Cao

Bộ phim điện ảnh Kẻ Ăn Hồn sử dụng nhiều chất liệu dân gian để nhấn mạnh đến yếu tố kinh dị - tâm linh, khiến khán giả cảm thấy tương đối hài lòng.