Trong Mặt Nạ Gương tôi khá ấn tượng với nhân vật ông nội của nữ chính Hoa (NSƯT Đặng Tất Bình). Ông xuất hiện vào nửa cuối phim và đại diện cho tất cả nhân vật làm động tác “chào kết” bằng một bài thơ đầy sâu sắc, mang thông điệp sống thật và sống thiện đến người xem. Nói về vai trò của ông nội trong phim, tôi thấy ông như cây đa cây đề, một chỗ dựa đạo lý đáng tin cậy cho những tuyến nhân vật sống “hai mặt” còn lại.
>> Xem thêm: Mặt Nạ Gương: Hay nói đạo lý, nhưng ông Nghị lừa cả thế giới
Khi nữ chính Hoa (Lương Thu Trang) tỏ ra bốc đồng, ông nội liền xuất hiện để khuyên giải. Nhờ có ông mà khúc mắt giữa Hoa với gia đình, đặc biệt là với ông Nghị (NSƯT Hoàng Hải) phần nào đỡ gay gắt hơn. Điều này vô tình đi ngược lại kế hoạch của gã Khôi/Hiệp (Ngọc Quỳnh).
Vốn dĩ Khôi tính kéo Hoa vào vụ án của mẹ ruột cô, rồi từ đó, cô lập Hoa khỏi ông Nghị. Thế nhưng ông nội đã kịp thời xuất hiện và hàn gắn mọi thứ. Mặc dù sau đó, vẫn là Hoa tự cho mình thông minh, rơi vào bẫy của Khôi khiến gia đình gặp hiểm cảnh, liên lụy ông nội phải “thở oxy” suốt hai tập cuối phim.
Nói chung mấy câu ông khuyên Hoa cũng toàn là thoại hay không đó mọi người, điển hình như câu: “Mọi bi kịch đều bắt nguồn từ gia đình… Cuộc đời không giống như văn chương, làm sao mà có câu trả lời vừa thỏa đáng vừa sâu sắc như cháu mong muốn được… Càng đơn giản lại càng gần với sự thật”.
Ông nội cũng là người chấn chỉnh ông Nghị từ nhỏ đến lớn mỗi khi ông Nghị đi sai đường. Khi ông Nghị liếc mắt đưa tình với bà Nhung, ông nội vì bảo vệ gia đình cho con trai đã buộc đóng vai người khó tính, nói chuyện phải trái hòng đuổi bà Nhung đi. Ai ngờ đâu, con dâu ông – mẹ ruột Hoa cũng không thể thoát khỏi bi kịch ghen tuông.
Ông nội cũng là người muốn ông Nghị nên lấy bà Diễm khi bà Diễm trót có em bé, dù chưa qua 49 ngày của vợ trước. Ông vốn nghĩ mình làm vậy là đúng đạo lý nhưng không ngờ, chuyện này cũng góp phần gieo rắc bi thương cho gia đình ông Nghị về sau. Thành thử ông nội cũng tự dằn vặt, nhận hết trách nhiệm về mình cho ông Nghị được tha thứ trong mắt Hoa và khán giả.
Tôi còn nhớ đoạn đầu khi vừa xuất hiện, ông nội đã thả thơ hết sức hàn lâm. Mượn bài của Nguyễn Công Trứ, ông nói chuyện về hưu của ông Nghị mà nghe ra mùi triết lý đậm đặc: “Đô môn giải tổ chi niên / Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng” khiến khán giả muốn biết phải “search google”. Rồi bắt đầu từ đó về sau, hễ có dịp là ông xổ thơ Hán Việt. Mỗi lần ông xuất hiện là tôi thấy một bầu trời văn học nghệ thuật cổ điển luôn đó mọi người.
Sự bình thản của ông nội trước biến cố gia đình cũng là khía cạnh thú vị. Sau tất cả, ông chỉ bình luận “nhân vô thập toàn” rồi thở dài ngao ngán như bậc tiền nhân nhiều thế kỷ trước, sau đó, đọc một phổ thơ dài để khép cảnh, vô cùng lãng mạn luôn: “…Nhân quả là lẽ ở đời / Sống sao cho đáng con người thiện lương. Thế gian tình nghĩa vuông tròn / Lấy vừa là đủ, tranh hơn được gì? Nếu còn mang dạ sân si / E rằng vạn nẻo đường đi khó lường…”
Tôi hiểu biên kịch muốn sử dụng bài thơ như một cách lan tỏa thông điệp sống lương thiện đến người xem. Tuy nhiên, phim hình sự - trinh thám căng thẳng từ đầu đến cuối mà khép lại bằng một bầu không khí thiền định qua chất giọng trầm bổng của ông nội cảm giác hơi so le, buồn cười xíu. Kiểu như đọc thơ thì hợp với xì-tai vốn dĩ của ông nội rồi, nhưng mà tôi vẫn thấy hơi khiên cưỡng khi tạo cái kết đậm mùi triết lý nhân sinh như thế. Coi xong cái kết, tôi còn tưởng như ông nội là nhân vật chính, linh hồn của phim luôn á mọi người. Các bạn thì thấy sao?
Nói chung nếu các bạn có tâm từ gì về vai diễn ông nội nhớ chia sẻ bên dưới với tôi nha! Mặt Nạ Gương đúng là có nhiều nhân vật thú vị, với những đặc sắc tính cách riêng, thu hút khán giả. Ai chưa xem nên tìm xem phim nhé!
>> Xem thêm: So kè dàn nam Mặt Nạ Gương: Ngọc Quỳnh vai ác quá đạt, Bình An tiến bộ
*Bài viết của NNgân trên DienAnh.Net
Nếu bạn cũng mê phim Việt thì theo dõi nhiều bài viết hơn tại đây nha! Còn muốn “hóng hót” tin tức hay ho về những phim khác thì nhanh tay click vào mạng xã hội DienAnh.Net để đọc thêm nhiều điều hay ho nha.
Facebook - bình luận