*Bài viết có thể tiết lộ nội dung phim Minari (Khát Vọng Đổi Đời
Minari là bộ phim do chính đạo diễn Lee Isaac Chung dàn dựng dựa trên chính câu chuyện của gia đình mình khi sinh sống ở Arkansas, Mỹ. Phim có sự tham gia của tài tử Steven Yeun (The Walking Death) và nữ diễn viên nổi tiếng trong giới điện ảnh Hàn Quốc - Youn Yuh Jung. Bộ phim cũng đã giành được 6 đề cử Oscar bao gồm cả Phim xuất sắc nhất cũng như là đạo diễn và kịch bản xuất sắc nhắc cho Lee Isaac Chung.
Minari (Khát Vọng Đổi Đời) qua góc nhìn ngây ngô của một đứa trẻ đẹp mà chua xót
Người chồng Jacob (Steven Yeun) quyết định mua một mảnh đất hẻo lánh ở Arkansas, cùng cả nhà chuyển về đấy với hy vọng sẽ xây dựng được một nông trại và giúp gia đình đổi đời. Nhưng đi cùng với quyết định đó là đầy những mâu thuẫn và khó khăn với cuộc sống mới. Việc thích nghi với một vùng đất mới, công việc mới, và quan trọng hơn hết là theo đuổi hoài bão là không dễ dàng cho một gia đình người nhập cư. Và vì để sắp xếp mọi chuyện được ổn thỏa, vợ Jacob là Monica (Han Ye Ri) đã nhờ mẹ của mình là Soonja (Youn Yu Jung) từ Hàn Quốc sang để chăm sóc cho hai đứa con của mình. Từ đây, nhiều chuyện đã xảy ra với gia đình ba thế hệ, từ những sự khác biệt trong suy nghĩ đến cả văn hóa giữa các thế hệ trong gia đình đến việc hòa nhập với cộng đồng xung quanh.
Bộ phim chọn khai thác câu chuyện theo góc nhìn của David (Alan S. Kim) - đứa con trai nhỏ nhất của gia đình vì vậy cũng có phần ngây thơ và chân thực hơn. Gia đình ba thế hệ thể hiện những khó khăn khác nhau khi phải hòa nhập với một cuộc sống mới ở một vùng đất mới. Người bà Soonja - thế hệ lớn nhất - là một người Hàn Quốc truyền thống. Mặc dù đã đến Mỹ nhưng bà vẫn đem theo những món ăn, tập tục và thói quen từ quê nhà - điều này cũng gây nên không ít xung đột giữa bà với David - là một cậu bé được sinh ra và lớn lên ở Mỹ.
Còn với vợ chồng Jacob và Monica, việc hòa nhập với họ có lẽ không hề dễ dàng khi vừa phải làm sao giữ được cả văn hóa của mình nhưng cũng có thể thích nghi với môi trường mới. Cả hai vợ chồng vừa phải học thêm tiếng Anh nhưng cũng phải làm sao cho con mình không quên tiếng Hàn, đồ ăn Hàn. Không chỉ vậy, gánh theo trên vai hai vợ chồng còn là đủ vấn đề cơm áo gạo tiền cần phải lo, lo làm sao để có thể trang trải được cuộc sống gia đình bằng chính công việc xem lỗ huyệt gà nhưng cũng cố làm sao để có thể thực hiện được ước mơ xây dựng một nông trại cho cả nhà.
>> Xem thêm: Nhìn lại Kbiz 2020: Parasite thắng lớn ở Cannes, nữ thần Irene bị tố nhân cách tồi tệ
Với David và chị gái mình đã lớn lên ở Mỹ từ nhỏ thì vấn đề không còn là làm sao để thích nghi với môi trường nữa khi cả hai đều có thể dễ dàng kết bạn với người xung quanh cũng như nói tiếng Anh lưu loát. Vấn đề ở đây lại là sự khác biệt giữa các thế hệ với nhau, khi với David, bà ngoại của mình không hề ra dáng một người bà mà cậu luôn tưởng tượng:
“Bà ơi, bà không phải là một người bà thực sự. Người bà thực sự phải biết nướng bánh, không chửi thề và không mặc quần lót đàn ông cơ!”
Những lời nói ngỡ như hồn nhiên của trẻ thơ hóa ra lại thể hiện cho cả một sự cách biệt thế hệ lớn, không chỉ trong tư tưởng mà còn trong văn hóa, khi David lớn lên với một nền văn hóa phương Tây khác xa với bà của mình. Không chỉ vậy, những hành động mà cậu làm với bà, chọc tức bà - tuy ngây ngô và đáng trách của cậu bé nhưng lại để nhiều suy nghĩ về khoảng cách giữa cách giữa các thế hệ, khi đây cũng là một vấn đề lớn trong việc hòa nhập của cộng đồng người nhập cư tại Mỹ.
Minari (Khát Vọng Đổi Đời) - Chỉ tiết ẩn dụ đầy ý nghĩa từ cây cần nước
Ngoài ra, tựa đề của phim, “Minari” mang ý nghĩa là cây cần nước, một loại cây quan trọng trong ẩm thực và văn hóa Hàn Quốc. Cần nước là một loại cây có thể sống dẻo dai và sinh trưởng tốt cho dù ở những điều kiện khắc nghiệt hay khó khăn nhất - đó cũng như là một biểu tượng cho những người nhập cư châu Á khi phải tha hương cầu thực ở vùng đất mới. Dù nhỏ bé, dù khó khăn, điều kiện sống không thuận lợi nhưng họ vẫn cố gắng thích nghi để tiếp tục sinh sống và luôn hướng về tương lai để có thể thực sự “đổi đời” như chính những cây cần nước kia.
Không chỉ vậy, hình ảnh cần nước còn là hình ảnh cho việc thể hiện bản sắc ở chính những vùng đất mới, một hạt giống đến từ Hàn Quốc xa xôi nhưng vẫn có thể sống tốt ở đất Mỹ - như chính việc gia đình Jacob dù đến từ nơi xa xôi nhưng vẫn sống và bảo tồn được những giá trị Hàn Quốc của mình - một điều mà nhiều gia đình châu Á gặp rất nhiều khó khăn để giữ gìn khi định cư ở nước ngoài.
>> Bạn có muốn xem: Giải thưởng Baeksang 2020 tung danh sách đề cử, Hyun Bin, Son Ye Jin đối đầu Park Seo Joon, IU
Tóm lại, bộ phim không chỉ là những thước phim đầy ngây ngô, chân thật nhưng cũng là một câu chuyện đại diện cho những gia đình châu Á rời bỏ quê hương để mong có cái gọi là “khát vọng đổi đời”. Nhưng dù sao, họ vẫn luôn như những cây cần nước “Minari” kia, tất cả, đều luôn cố gắng thích nghi với cuộc sống mới dù cho có khó khăn, vì với họ, gia đình luôn là thứ quan trọng nhất.
*Minari (Khát Vọng Đổi Đời) có đáng xem?
- Cái phim Minari (Khát Vọng Đổi Đời)... Khổ gì mà nó khổ giữ vậy, nghèo khổ còn hơn Ba Sang nữa... Đã nghèo lại còn xui nữa trời... Phim hay lắm mọi người, cay đắng lắm luôn, nhưng nhịp phim hơi chậm, nói chung là thấm lắm.
- Kịch bản tốt, đạo diễn có tầm thì ôm giải thôi.
- Không có hay đâu các bác ơi. Xem buồn ngủ muốn chết. Bác nào thích mạch phim chậm, không có cao trào, xem như phim tài liệu thì xem được nhé.
*Bài viết do độc giả gửi về DienAnh.Net.
Đừng quên cập nhật những thông tin mới nhất về phim ảnh tại DienAnh.Net nhé!
Facebook - bình luận