Được ví như một Parasite thứ 2 của điện ảnh Hàn Quốc, Minari xuất hiện tựa như một làn gió mát lành, mà đối với tôi, đó là sự cứu rỗi và chữa lành tâm hồn khỏi những thất bại nhảm nhí tại phòng vé suốt một năm qua.
Đến với “cây cần nước” (Minari) của đạo diễn Lee Isaac Chung, cảm nhận một tác phẩm điện ảnh với nhịp chậm rãi và tràn ngập ánh nắng của vùng nông thôn Arkansas (Mỹ), tạo nên một bức tranh hài hòa về tổng thể nhưng lại ẩn chứa những mâu thuẫn, đối lập ngâm bên trong, để thông qua đó, nói cho chúng ta nghe về “giấc mơ Mỹ”, về tình cảm gia đình và giá trị của tình thân.
Không cần mượn sự giật gân, dị biệt hay dữ dội, Minari như một lát cắt cuộc sống, kể cho khán giả nghe về câu chuyện bình dị về gia đình mà bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể chia sẻ ít nhiều. Một gia đình nhỏ người Hàn nhập cư để tìm giấc mơ Mỹ vào thập niên 80.
Người chồng Jacob Yi (so Steven Yeun thủ vai) quyết định rời khỏi California để đưa cả gia đình đến vùng quê hẻo lánh ở Arkansas với mong muốn phát triển một nông trại trồng những loại rau của người Hàn Quốc. Trong khi đó, vợ của anh Monica Yi (Han Yeri thủ vai) lại không mấy mặn mà với lựa chọn này của chồng, vì cô thích vùng nhiều nắng ấm và nhộn nhịp như California. Sau đó, sự xuất hiện của người mẹ vợ từ Hàn Quốc sang đã gây ra sự xáo trộn trong cuộc sống của họ, đặc biệt với David (Alan S.Kim thủ vai) - cậu con trai 5 tuổi, sinh ra trên đất Mỹ của gia đình Yi.
Nếu như ở Parasite, sự phóng túng trong câu chuyện “nguyên bản” của Bong Joon-ho với loạt twist bùng nổ đưa người xem tới sự phân biệt giàu nghèo trong xã hội hiện đại Hàn Quốc, thì ở Minari là tiếng nói của những người gốc Hàn trên đất Mỹ. Câu chuyện nhỏ nhẹ, khai thác về sự khác biệt trong văn hóa, mà mối quan hệ thể hiện rõ nét nhất điều này chính là giữa người bà ngoại và thằng cháu trai.
>>> Xem thêm: "Giấc mơ Mỹ" và sức sống mãnh liệt của dân nhập cư trong Minari
Chắc hẳn sau khi rời khỏi rạp, khán giả không thể nào quên hình ảnh của David - thằng ranh con yêu không để đâu cho hết, dẫu nó từng ghét ở cùng phòng với bà vì sợ mùi của người già, mùi người Hàn Quốc. Nó luôn cho rằng bà không phải bà ngoại thực sự vì bà ngoại thực sự phải biết nướng bánh. Thậm chí, nó ghét bà tới mức khi bà bảo nó đi lấy cho bà ly nước, nó đái một ly đầy và ngang nhiên mời bà, khiến bà tức điên còn nó thì bị bố xử. Và cách nó thoát khỏi trận đòn của bố nó vừa khôn, vừa khiến người xem phải bật cười.
Đan xen giữa những khoảnh khắc hài hước, đáng yêu là những giọt nước mắt khi biến cố xảy ra với gia đình nhỏ này. Cuộc đối thoại giữa Jacob và Monica ở phần cuối của phim có là thứ mà người xem gói ghém lại, mang về nhà để ngẫm nghĩ.
Đứng trước quyết định lớn ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, Jacob vẫn kiên quyết: “Cho dù là thất bại, nhưng anh muốn cái gì đã khởi đầu thì phải có kết thúc. Và anh muốn lũ trẻ phải thấy ba nó thành công ít nhất một lần”. Còn vợ anh: “Để làm gì? Không phải được ở cùng nhau quan trọng hơn sao?”.
Họ đã cùng hẹn thề và nắm tay nhau từ Hàn Quốc sang Mỹ, mang theo cả giấc mơ về cơ hội đổi đời. Và lời hứa sẽ che chở nhau dường như dễ bị lung lay giữa bão tố, nếu không giữ chặt lấy nhau giữa dòng đời lạc lõng, có thể họ sẽ đánh mất thứ được gọi là gia đình.
Ngọn lửa ở phần kết của bộ phim có thể thiêu rụi toàn bộ cố gắng của Jacob suốt nhiều tháng ngày, nhưng nó lại khiến cho mối quan hệ giữa anh và vợ hồi sinh. Họ ôm chặt lấy nhau nhìn ngọn lửa chạy dữ dội, cả nhà mệt lả nằm cùng nhau trên sàn - thứ mà cả gia đình họ từ chối khi cuộc sống mới bắt đầu và vẫn đang yên bình. Có lẽ ngọn lửa như một cách để thử thách lòng tin của gia đình họ, giúp Jacob và Monica nhận ra họ vẫn luôn cần bên cạnh để che chở cho nhau.
>>> Xem thêm: Vincenzo và Song Joong Ki chiếm ngôi đầu BXH danh tiếng truyền hình
Hình ảnh cây cần nước một lần nữa xuất hiện ở đoạn kết. Nhiều người xem bị hụt hẫng vì không có một cái kết trọn vẹn cho bản thân, nhưng họ quên mất rằng minari mới chính là chủ đề và là thứ sẽ mở ra một tương lai mới cho gia đình này, như cách mà đạo diễn Lee mô tả: “Đó là một loại rau thường dùng làm gia vị trong món ăn của người Hàn Quốc, hạt giống của nó luôn có trong túi xách của người Hàn nhập cư. Loại rau này thường chết trong năm đầu tiên, phát triển mạnh mẽ trong năm thứ hai và làm sạch nguồn nước, đất ở xung quanh nó. Có lẽ không có sự ví von hoàn hảo nào hơn cho câu chuyện về giấc mơ Mỹ này”.
Hành trình của gia đình Yi, rất có thể, sẽ lại được tiếp tục và còn vươn lên mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai của họ, đó là thứ mà chúng ta có thể tưởng tượng và hy vọng tới. Thế nên hãy chỉ dừng lại ở câu chuyện sức sống bởi tôi không muốn gọi đây là một câu chuyện "đổi đời" bởi nó dễ rơi vào trạng thái phân tích bi kịch của nhân vật rồi than trời kể khổ. Tôi muốn gọi đây là 1 bộ phim gia đình, để thâm nhập vào từng trạng thái vui buồn của con người.
Minari giống như một lát cắt cuộc sống, tuy thiếu vắng đi những xung đột, kịch tính nhưng lại đem đến sự tươi mới. Nó lay động lòng người bởi sự ấm áp, bình dị về gia đình. Gia đình là đôi vợ chồng có thể chia tay nhau vì khủng hoảng nhưng cũng chính họ nắm chặt tay nhau qua biến cố lớn. Là cái nắm tay của thằng cháu dẫn bà về nhà sau tất cả những sự phá bĩnh, khó chịu. Sau tất cả, tình cảm gia đình vẫn chiến thắng.
*Bài viết do người dùng gửi về DienAnh.Net.
Đừng quên cập nhật những thông tin mới nhất về phim ảnh tại DienAnh.Net nhé!
Facebook - bình luận