Prey For The Devil (Mồi Quỷ Dữ) đã mang đến cho mình một trải nghiệm mới vì đây là lần đầu mình xem phim về đề tài trục quỷ. Hồi hộp, run sợ, nhưng Prey For The Devil (Mồi Quỷ Dữ) vẫn chưa thể thỏa mãn mình vì cao trào phim diễn ra khá chớp nhoáng và đầy tính sắp đặt trong các sự kiện tiếp nối.
Prey For The Devil (Mồi Quỷ Dữ) kể về xơ Ann (Jacqueline Byers thủ vai) - một cô gái bị ác quỷ rình rập. Cô vô tình bị kéo vào một cuộc chiến với quỷ dữ tại Nhà Thờ Công Giáo. Người bị ác quỷ thâm nhập lúc đó là Natalie - một cô bé chỉ mới lên mười. Annie nhận ra mình có một sự kết nối kì lạ với Natalie và đã ra sức cứu cô khỏi bàn tay quỷ dữ.
Trong quá trình đó, Annie phải gặp không ít rắc rối vì vốn dĩ xã hội lúc bấy giờ không cho phép phụ nữ học trừ tà. Tuy nhiên, sau khi nhận thấy được tiềm năng của xơ Ann, Đức giáo chủ đã chấp nhận dạy học cho cô và cô đã trở thành nữ tu đầu tiên thành thạo nghi lễ trừ tà.
Về mặt kịch bản, mình thấy Prey For The Devil (Mồi Quỷ Dữ) đã xây dựng các mốc sự kiện khá rõ ràng. Từ lý do vì sao xơ Ann được thu nhận để học nghi lễ trừ tà cho đến trận chiến cuối cùng với ác quỷ bên trong của Natalie đều được dẫn dắt hợp lý. Nó có cả một hệ thống sự kiện châm ngòi ở phía sau.
Tuy nhiên, chính sự rạch ròi này lại chính là điểm yếu cho Prey For The Devil (Mồi Quỷ Dữ) vì phim như đang cố sắp đặt tình tiết. Mình thấy Prey For The Devil (Mồi Quỷ Dữ) cố tạo ra sự bất ngờ cho người xem khi có những sự kiện tưởng chừng như đã kết thúc êm xuôi nhưng đùng một cái lại bị lật lại hoàn toàn. Thế nhưng làm đến hai lần như thế thì mình thấy không còn gì bất ngờ, thậm chí còn có phần hơi nhàm chán.
Motif quỷ dữ đeo bám cả gia đình được nối kết từ đời này qua đời khác không mới nhưng cách Prey For The Devil (Mồi Quỷ Dữ) úp mở vấn đề khiến mình có chút thú vị. Ban đầu, mình chỉ thấy ở xơ Ann có gì đó bí ẩn. Nhưng về sau, câu chuyện về quá khứ của cô được tiết lộ, mình càng hiểu rõ về những phản ứng của Annie hơn.
Prey For The Devil (Mồi Quỷ Dữ) cũng truyền tải được thông điệp về tình mẫu tử và sự nỗ lực chống lại ác quỷ xâm chiếm lấy mình. Mình thấy có một vài câu thoại cảm động như: “Mẹ chưa bao giờ ngừng lại cuộc chiến chống lại quỷ dữ bên trong đến phút cuối.” Câu nói này như sợi chỉ đỏ xuyên suốt, khiến Annie yêu mẹ và tiếp thêm động lực cho cô chiến đấu vào giây phút đứng trước lằn ranh sinh tử.
Những câu thoại như: “Nó không có sức mạnh khi em không trao cho nó.” hay “Thịt da này là của em chứ không phải của nó.” cũng mang tính thức tỉnh cao. Nó khiến mình sởn da gà vì cảm nhận được cuộc chiến khốc liệt đang diễn ra bên trong cơ thể mỗi nạn nhân lúc đó.
Lấy đề tài trục quỷ, Prey For The Devil (Mồi Quỷ Dữ) đã làm tốt được một điều là khai thác chiều sâu tâm lý của nhân vật. Qua những trường hợp trong phim, mình nhận ra một quy luật rằng những người bị chấn thương tâm lý sẽ dễ bị ác quỷ thao túng.
Những câu chuyện về chấn thương tâm lý và ám ảnh quá khứ trong Prey For The Devil (Mồi Quỷ Dữ) cũng ngầm lên án những vấn nạn còn tồn đọng trong xã hội. Mình nghĩ đó cũng là một cách để các nhà làm phim cất lên tiếng nói, bảo vệ những kẻ yếu thế trong xã hội.
Prey For The Devil (Mồi Quỷ Dữ) cũng cho mình biết nguồn gốc của quỷ dữ. Đó chính là binh lính của Lucifer. Theo như mình tìm hiểu, trong kinh thánh, Lucifer là một trong những đứa con đầu tiên của Thiên Chúa. Thế nhưng sau đó, hắn ta bị hắc hóa và trở thành một “thiên thần sa ngã” hay còn gọi là hung thần.
Ban đầu được yêu thương trong vòng tay của Chúa rồi bị hắt hủi, Lucifer luôn cố thâm nhập và điều khiển tâm trí nạn nhân, khiến họ nghĩ rằng họ không còn xứng đáng với tình thương của Chúa. Vậy nên mình thấy có một điểm chung là khi tâm trí nạn nhân không còn minh mẫn, khi họ cảm thấy sự mục ruỗng trong tâm hồn và tội lỗi của họ quá lớn, họ sẽ tự kết thúc cuộc sống này.
Không có hình dạng cụ thể, môn đệ của Lucifer thường được miêu tả với dạng thức giọng nói - “The Voice”. Theo mình thấy, nó chỉ là một giọng nói trong đầu nhưng khó ai có thể cưỡng lại sự hăm dọa của nó. Nó không trực tiếp làm nạn nhân tổn thương mà chỉ từ từ đi vào cơ thể nạn nhân rồi chiếm đoạt cả phần hồn lẫn phần xác và giày vò họ.
Nguyên lý hoạt động của giọng nói này có vài điểm khá giống với triệu chứng mà mình biết được của căn bệnh tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực hay suy nhược cơ thể. Đến một giới hạn nào đó người mắc những chứng bệnh này cũng sẽ sản sinh ra giọng nói trong đầu và khiến họ bị rối loạn tâm lý.
Mô tả khá chi tiết về hình thức tồn tại của quỷ dữ, đưa ra được lý lịch của chúng nhưng Prey For The Devil (Mồi Quỷ Dữ) lại không cho mình biết tại sao chúng lại nhắm vào Annie. Dù là mẹ Annie hay Natalie, mình thấy cũng chỉ là “mồi” để chúng có thể tiếp cận cô. Đến cuối phim, Prey For The Devil (Mồi Quỷ Dữ) vẫn chưa đưa ra lời giải cho khúc mắt này của mình.
Trận chiến cuối cùng với quỷ dữ ở cuối phim và cũng là lần duy nhất ác quỷ thâm nhập được vào cơ thể Annie chưa thực sự khiến mình thỏa mãn. Nó diễn ra khá nhanh chóng so với một trận chiến mang tính quyết định. Nếu đặt lên bàn cân so sánh với trận chiến đầu tiên, mình thấy cũng một chín, một mười chỉ là đổi bối cảnh thôi. Chính vì vậy mình thấy nó thiếu đi một cao trào thực sự.
>> Xem thêm: Giải mã khúc mắc trong Cô Gái Từ Quá Khứ: Quỳnh Yên thực sự là ai?
Vì chưa xem quá nhiều phim về đề tài này nên quá trình quỷ ám trong Prey For The Devil (Mồi Quỷ Dữ) đủ làm mình sợ hãi. Những chi tiết như đôi mắt nạn nhân đã chuyển sang màu đen và làn da có vẻ như bắt đầu thối rữa khiến mình không thể nhìn trực diện màn hình.
Vì là thể loại kinh dị siêu nhiên nên ngoài nội dung và cách xây dựng hình tượng ác quỷ, Prey For The Devil (Mồi Quỷ Dữ) cũng có một vài điểm về mặt hình thức góp phần tạo nên không khí ma mị cho bộ phim.
Bối cảnh trong Prey For The Devil (Mồi Quỷ Dữ) chỉ xoay quanh nhà thờ và những căn hầm bí mật. Mình thấy nó mang đậm nét cổ điển, vừa âm u, vừa có gì đó rất bí ẩn và linh thiêng. Về mặt kiến trúc, Prey For The Devil (Mồi Quỷ Dữ) cũng tuân thủ theo gam màu chủ đạo: trắng, đen, xám nên mình thấy được sự nhất quán trong cả bộ phim.
Vì sử dụng chất liệu giọng nói làm vũ khí chính cho quỷ dữ nên mình thấy nó cũng được chăm chút kỹ lưỡng. Tần số và thanh âm giọng nói của Annie, các cha trong nhà thờ và quỷ dữ nghe bật lên được sự đối lập.
Diễn xuất của các diễn viên trong Prey For The Devil (Mồi Quỷ Dữ) cũng khá chân thật. Cô nàng Jacqueline Byers diễn xuất thật sự tròn vai nhưng mình ấn tượng với diễn viên nhí trong vai Natalie hơn. Những phản ứng với sự tác động vật lý liên tục nhưng Natalie vẫn giữ được thần thái rất tốt khiến mình cảm nhận rằng tương lai cô bé còn có thể tiến xa hơn.
Những yếu tố khác đã tác động tạo cho mình cảm giác thênh thang, rợn ngợp với từng khung cảnh trong câu chuyện nhưng diễn biến nhanh và thiếu chiều sâu của Prey For The Devil (Mồi Quỷ Dữ) đã làm cho câu chuyện giảm đi sức nặng với mình. Mọi sự kiện trong phim chỉ dừng lại ở mức vừa phải và nó thiếu đi điểm nhấn thực sự cần có. Cách mở nút vấn đề trong Prey For The Devil (Mồi Quỷ Dữ) cũng quá dễ dàng và khá nhẹ đô so với mình.
>> Xem thêm: Cô Gái Từ Quá Khứ: Phiên bản đen tối và đặc sắc hơn Gái Già Lắm Chiêu
Nhìn chung, Prey For The Devil (Mồi Quỷ Dữ) đã chọn một đề tài khó thực hiện và mang đến cho mình cảm giác mới mẻ khi diễn ra tại bối cảnh nhà thờ. Jumpscare trong phim khá hiệu quả và cũng có lồng ghép vào đó nhiều thông điệp, chỉ là cách triển khai của Prey For The Devil (Mồi Quỷ Dữ) chưa thực sự sâu gây cho mình nhiều tiếc nuối.
* Bài viết của Lọ Lem chia sẻ tại box Mọt phim Review
Nếu bạn quan tâm đến tin tức mới nhất về những bộ phim sắp chiếu , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim Prey For The Devil (Mồi Quỷ Dữ)? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây
Facebook - bình luận